Tờ The Guardian cho biết, một máy bay tuần tra RC-135W Rivet Joint - không trang bị vũ khí - được cho là đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra định kỳ trên Biển Đen ngày 29/9 vừa qua, khi hai tiêm kích Su-27 Nga tiếp cận chiếc máy bay này.
“Sự việc trên là khá phổ biến, và vụ việc lần này cũng tương tự. Tuy nhiên, khi tiếp cận máy bay tuần tra, một trong hai chiếc Su-27 đã khai hỏa một tên lửa trong tầm có thể gây sát thương lên chiếc RAF Rivet Joint,” Bộ Quốc phòng Anh cho biết, bổ sung thêm rằng lần tiếp cận này kéo dài tới 90 phút.
Chiếc RAF Rivet Joint sau đó đã quay trở lại căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, và Bộ Quốc phòng Anh đã lập tức liên hệ Bộ Quốc phòng Nga về vụ việc này.
Trong văn bản gửi tới phía Nga, Anh cho biết họ bày tỏ quan điểm rõ ràng ràng chiếc RAF Rivet Joint không hề được trang bị vũ khí, đang hoạt động trên không phận quốc tế và đang “di chuyển theo đường bay đã được thông báo trước.”
Thứ Năm vừa qua, phía Anh cho biết Nga đã phản hồi và cho rằng vụ việc trên xảy ra do sự cố kỹ thuật trên chiếc Su-27.
Phía Anh sau đó đã tiếp tục các hoạt động tuần tra, tuy nhiên cho biết các máy bay tuần tra sẽ được hộ tống bởi máy bay tiêm kích.
Đây không phải lần đầu tiên tiêm kích khai hỏa tên lửa vô căn cứ. Một tiêm kích Tây Ban Nha khi thực hiện nhiệm vụ NATO trên khu vực Baltic năm 2018 cũng đã vô tính khai hỏa một tên lửa, dẫn tới các cảnh cáo từ Nga tới NATO sau vụ việc.
Lực lượng Vũ trang Nga trước đây cũng đã có các hành động tiếp cận gần với Mỹ và NATO trên khu vực Biển Đen, tuy nhiên vụ việc lần này lại xảy ra trong thời điểm nhạy cảm với căng thẳng đang leo cao giữa phương Tây và Nga do chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang kéo dài.