Kẻ nối ngôi hoàn hảo
Phiên bản cải tiến từ xe tăng T-34/76 này thực tế có thể coi là một bản nâng cấp hoàn toàn khác so với thiết kế ban đầu. Rất nhiều chi tiết trên chiếc T-34/76 đã được cải biên hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn để có thể “đỡ” được pháo 85mm M1939 (52-K) - vũ khí mới của xe tăng T-34.
Trước yêu cầu của chiến trường, Liên Xô bắt đầu phát triển một dòng xe tăng mới dựa trên những thành công của T-34/76, và quá trình này được bắt đầu từ năm 1942 sau khi có những báo cáo trên chiến trường về một loại xe tăng Đức sử dụng pháo động lực cao cỡ nòng 75mm trên chiến trường, áp đảo hoàn toàn về mặt hoả lực với các xe tăng T-34/76 đang được Hồng quân Liên Xô sử dụng thời bấy giờ.
|
T-43 suýt chút nữa trở thành kẻ kế thừa hoàn hảo của T-34. Ảnh: Sonniss. |
|
Ảnh: Sonniss. |
Đó là khoảnh khắc Panzer IV được Đức đưa ra mặt trận sử dụng và cũng là lúc Liên Xô nhận ra T-34/76 không hề “bất bại”.
Quá trình nghiên cứu của Liên Xô đặt mục tiêu cho loại xe tăng mới có giáp bảo vệ tốt hơn, độ cơ động tăng thêm và tháp pháo phải chứa được ba người.
Sản phẩm là chiếc xe tăng mang tên T-43 đã được ra đời vào một năm ngay sau đó. T-43 được kỳ vọng sẽ trở thành loại xe tăng đa dụng (khi này thuật ngữ “xe tăng chiến đấu chủ lực” chưa ra đời) thay thế được cho cả T-34 và xe tăng hạng nặng KV-1 trong biên chế Liên Xô thời bấy giờ. Mặc dù vậy, ngoài giáp dày T-43 hoàn toàn không có gì nổi trội.
Dù giáp được tôn dày lên tới tối đa 90mm, T-43 vẫn không thể vượt qua nổi sức công phá của khẩu pháo 88mm mà Đức quốc xã hay sử dụng làm pháo chống tăng, kèm theo đó, việc trang bị giáp quá dày với một động cơ chỉ 500 mã lực khiến T-43 có độ cơ động kém hơn hẳn so với T-34, trái hoàn toàn với học thuyết chiến tranh thiết giáp cơ động số lượng lớn mà Liên Xô hay sử dụng vào thời điểm đó.
Cuối cùng, dù T-43 có thể sử dụng được 70% số lượng linh kiện từ xe tăng T-34, tuy nhiên việc phải sản xuất và cung cấp 30% linh kiện còn lại một cách đặc thù chắc chắn sẽ khiến dây chuyền sản xuất bị chậm lại. Cuối cùng, dự án xe tăng T-43 bị huỷ bỏ.
|
Về cơ bản, ngoài giáp dày ra T-43 không hơn gì T-34. Ảnh: Militaryimage. |
Nỗi ám ảnh mang tên "Con cọp"
Ở chiều hướng ngược lại, Đức không chỉ nâng cấp hoả lực cho xe tăng mà còn nâng cấp cả giáp cho xe tăng với sự ra đời của xe tăng Tiger I – chiếc Tiger I đầu tiên Liên Xô thu được của đối phương vào tháng 4/1943 đã được mang ra làm thử nghiệm và khẩu pháo 76mm trên xe tăng T-34 hoàn toàn thất bại trong nỗ lực xuyên thủng giáp mặt của Tiger I ở mọi khoảng cách.
Để có thể xuyên được giáp mặt của Tiger I, Liên Xô cần tới khẩu pháo 85mm – cũng là một loại pháo ban đầu vốn được thiết kế để làm nhiệm vụ… phòng không. Theo thực nghiệm, khẩu 85mm phòng không của Liên Xô xuyên được giáp thân Tiger I ở khoảng cách 800 mét và xuyên được giáp tháp pháo Tiger I ở khoảng cách 600 mét.
Dù kết quả này là không mấy khả quan lắm do Tiger I có thể huỷ diệt T-34 ở khoảng cách 2000 mét chỉ bằng một phát bắn duy nhất, tuy nhiên đây cũng là một ý tưởng đáng được lưu tâm.
Trước việc dự án T-43 bị huỷ, lãnh đạo Liên Xô đã quyết định nâng cấp T-34 theo hướng trang bị cho nó pháo 85mm. Quá trình nâng cấp này đòi hỏi khoảng trống giữa thân và tháp pháo phải được làm lại với đường kính, từ 1425mm trên T-34/76 lên tới 1600mm. Bù lại, tháp pháo đời mới này lại có kích thước lớn hơn, chứa được ba người mà vẫn còn thừa khoảng trống cho pháo 85mm cùng các hệ thống radio liên lạc.
|
Tháp pháo của T-34/85 là rộng rãi hơn nhiều so với tháp pháo chật chội đầy nguy hiểm của T-34/76. Trên T-34/85, lồng chặn khu vực pháo giật ngược đã được thêm vào để bảo vệ kíp lái. Ảnh: Mouse. |
Thiết kế tháp pháo với ba thành viên cho phép trưởng xa chỉ cần tập trung vào việc điều khiển xe tăng qua bộ đàm và quan sát chiến trường, công việc vận hành khẩu pháo chính được giao hoàn toàn cho xạ thủ và nạp đạn viên.
Tháp pháo cũng được làm với giáp dày hơn, lên tới 90mm và có độ nghiêng lớn hơn cả tháp pháo của xe tăng T-34/76. Tính toán một cách lý thuyết cho thấy, tháp pháo lớn hơn sẽ đồng nghĩa với việc T-34/85 dễ bị… bắn trúng hơn nhưng thiết kế giáp dày hơn, độ nghiêng lớn hơn sẽ cho phép chiếc xe tăng đời mới này “chịu đòn” lỳ hơn.
Sở hữu khẩu pháo lớn hơn đồng nghĩa với việc kho đạn sẽ bị giảm số lượng để chứa được đạn cỡ to hơn, từ 90 cho tới 100 viên trên T-34/76 giảm xuống còn 55 tới 60 viên trên xe tăng T-34/85 kèm theo đó là trọng lượng viên đạn pháo nặng hơn tới 50%. Bù lại, viên đạn pháo được thiết kế cho T-34/85 có khả năng xuyên giáp tốt hơn nhiều.
|
Kho đạn trên chiếc T-34/85 được đặt ở hai bên, phía sau tháp pháo và cả dưới sàn xe. Ảnh: Wiki. |
Kết quả là T-34/85 có vẻ như hợp lý hơn nhiều T-43 khi mà chỉ cần một chút hoán cải trong dây chuyền sản xuất với ảnh hưởng tối thiểu để giữ được sản lượng T-34/85 ra lò tương đương với công suất của T-34/76 trên cùng một dây chuyền.
Quá trình sản xuất T-34/85 bắt đầu từ tháng 2/1944, ban đầu sử dụng pháo S-53 sau đó chuyển sang pháo ZiS-S-53 vào kể từ giữa năm 1944. Về cơ bản hai loại pháo này là như nhau nhưng ZiS-S-53 có giá rẻ hơn, dễ chế tạo hơn và dễ lắp đặt hơn.
T-34/85 ngay sau đó được trở thành loại xe tăng tiêu chuẩn của Hồng quân, quá trình hoán cải dây chuyền từ sản xuất T-34/76 sang T-34/85 gần như không có gián đoạn cho tới tận cuối chiến tranh và T-34/85 chỉ đắt hơn phiên bản cũ khoảng 30%.
Tới năm 1945, giá thành của T-34/85 giảm còn 142.000 Rubles cho một chiếc. Tính từ năm 1941 tới hết cuộc chiến, giá thành của T-34 tính gộp mọi phiên bản đã giảm từ 270.000 Rubles mỗi chiếc xuống còn một nửa, trong khi đó tốc độ tối đa của xe tăng vẫn được giữ nguyên còn độ xuyên của pháo chính và giáp gần như được nhân đôi.
Vẫn là cuộc đua từ nhà máy
Trên chiến trường, dù không còn cơ hội tham gia cuộc đấu tăng quy mô lớn nào với Đức nhưng T-34/85 vẫn thể hiện là loại xe tăng vượt trội hơn hoàn toàn các xe tăng Đức cùng thời. Nó có tốc độ nhanh hơn và giáp dày hơn cả Panzer IV và pháo tự hành chống tăng StuG III. Trong khi đó, T-34/85 vẫn không đủ khả năng đối đầu với Tiger I hoặc Panther do giáp và hoả lực của nó yếu hơn nhưng tựu chung lại, T-34/85 vẫn dễ sản xuất hơn, số lượng được xuất xưởng nhiều hơn và một chiếc Tiger I hay Panther của Đức dù hiện đại tới đâu cũng không thể 1 đấu 10 với T-34/85 được.
|
Dây chuyền sản xuất xe tăng Tiger I của Đức thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: Warreports. |
Để tiện so sánh, trong khi xe tăng của Liên Xô được phát triển theo chiều hướng cơ động cao, rẻ tiền và hiệu quả hơn thì Đức lại đi theo hướng ngược lại – nghĩa là phát triển xe tăng đắt đỏ hơn, cơ động kém hơn, nặng hơn, phức tạp hơn và làm chậm dây chuyền sản xuất hàng loạt.
Tính tới tháng 5/1944, T-34/85 có sản lượng đạt 1200 xe tăng mỗi tháng trên toàn Liên Xô, trong khi đó trong suốt cuộc chiến, Panther của Đức không được sản xuất quá 6.600 chiếc, toàn bộ số lượng Tiger I và Tiger II cộng lại chỉ 2027 chiếc.
|
T-34/85 ở giữa Berlin. Ảnh: TASS. |
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc ở châu Âu vào tháng 5/1945, tuy nhiên từ thời điểm này, màn trình diễn của T-34/85 mới thực sự bắt đầu.
(còn nữa)
Mời độc giả xem Video: Công nhân Liên Xô lắp ráp T-34/85.