T-34 và con đường làm nên chiếc xe tăng huyền thoại

Google News

(Kiến Thức) - Các tướng lĩnh Đức khi đối đầu với những chiếc T-34 của Liên Xô đã phải thốt lên rằng đây là loại xe tăng "tốt nhất thế giới" và "vượt trội hoàn toàn" so với tất cả những siêu tăng hạng nặng mà người Đức từng chế tạo.

Lỗ hỏng của lực lượng xe tăng Liên Xô
Quá trình thiết kế các nguyên mẫu đầu tiên của xe tăng T-34 được Liên Xô bắt đầu từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Trong thời gian đó, phần lớn các đơn vị tăng thiết giáp của Liên Xô đều sử dụng xe tăng T-26 hay xe tăng thuộc dòng BT – cả hai đều là xe tăng hạng nhẹ với kích thước khá nhỏ, giáp mỏng nhưng bù lại có tốc độ khá cao và khả năng cực độc đó là hoạt động được bằng cả bánh lốp hoặc xích.
Trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha và cuộc xung đột biên giới Liên Xô – Nhật Bản diễn ra trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hồng quân nhận thấy rằng các xe tăng của họ tỏ ra cực kỳ yếu ớt và dễ bị tổn thương khi phải đối đầu với vũ khí chống tăng dù khá thô sơ nhưng vẫn cực kỳ hiệu quả với xe tăng hạng nhẹ.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai
 Xe tăng BT-7 của Liên Xô bị tiêu diệt trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha diễn ra cuối năm 1936. Ảnh: Pinterest.
Mặc dù vậy, ngoài các xe tăng hạng nhẹ và xe tăng hạng nặng, Liên Xô vào thời điểm này lại không có bất cứ lựa chọn xe tăng hạng trung nào phù hợp cho lối tác chiến của mình – đó là lối đánh đòi hỏi tốc độ cao, khả năng cơ động tốt nhưng lại cần giáp dày và pháo mạnh để đấu tăng với đối phương.
Mọi loại xe tăng hạng trung thời điểm đó đều bị giới tướng lĩnh Liên Xô cho là không phù hợp với yêu cầu nói trên và Moscow cần một loại xe tăng hạng trung hoàn toàn mới, một dự án hoàn toàn mới.
Thiết kế ban đầu
Chương trình nghiên cứu loại “xe tăng vạn năng” của Liên Xô bắt đầu vào năm 1937 tại Ukraine với trưởng dự án là Tổn công trình sư Mikhail Koshkin. Phiên bản mẫu đầu tiên được đưa vào sản xuất thử nghiệm đầu năm 1939.
Sau đó, một phiên bản thứ hai được ra đời với cải tiến vượt bậc hơn phiên bản đầu tiên mang tên A-32 được đánh giá là tiền thân thành công nhất của xe tăng T-34 với khả năng tác chiến gần như vượt trội mọi loại xe tăng thời bấy giờ.
Phiên bản thử nghiệm này sử dụng hệ thống treo giống với thiết kế trước đó được sử dụng trên các xe tăng hạng nhẹ BT nhưng lại có thiết kế bánh xích kiểu mới giúp chiếc xe tăng này tạo ra áp lực cực thấp khi di chuyển – chỉ khoảng 0,64 kg/cm vuông – đây là áp lực chỉ tương đương với áp lực mà con người tạo ra khi đứng bằng hai chân trên mặt đất.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai-Hinh-2
 Xích của T-34 được thiết kế lại khiến nó tạo ra áp lực lên mặt đường chỉ ngang với con người. Ảnh: Pinterest.
Điều này là cực kỳ quan trọng vì vào thời điểm này, hệ thống đường xá của Liên Xô có thể coi là kém, nhất là ở những vùng hẻo lánh và vào mùa mưa hay mùa tuyết tan. Dù xe tăng có trọng lượng nhẹ, áp lực mà nó tạo ra nếu không đủ nhỏ cũng có thể khiến toàn bộ chiếc xe tăng bị lún vào bùn và mất hoàn toàn khả năng cơ động.
Giáp trước của xe tăng được thiết kế lại dày tới 45mm – so với độ dày chỉ 20mm ở phiên bản đầu tiên và đặc biệt là được đặt nghiêng 60 độ so với góc thẳng đứng. Kiểu thiết kế này đồng nghĩa với việc đạn pháo khi bắn thẳng vào chiếc xe tăng này sẽ bị bật nảy ra hoặc sẽ phải xuyên qua lớp giáp dày chéo ít nhất 50mm trước khi ảnh hưởng được tới kíp chiến đấu bên trong xe tăng.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai-Hinh-3
 Dù độ dày của giáp là không đổi, tuy nhiên khi đặt nghiêng, viên đạn sẽ phải xuyên qua quãng đường dài hơn trước khi chọc thủng được tấm giáp. (Ảnh minh hoạ). Ảnh: Pinterest.
Động cơ được chiếc xe tăng hạng trung đời mới này sử dụng là loại động cơ V12 sử dụng nhiên liệu diesel. Với việc sử dụng dầu diesel thay cho xăng sẽ giúp tăng tầm hoạt động của xe và giảm khả năng cháy khi bị dính đạn. Tháp pháo trên xe được trang bị khẩu pháo 76mm với chiều dài nòng bằng 30,5 lần đường kính cho phép viên đạn được bắn đi với sơ tốc đầu nòng khá cao, lên tới 600 mét/giây.
Thiết kế mới này được Thiết kế sư Mikhail Koshkin đặt tên là “34” – sau này Koshkin đã giải thích con số này được ông lựa chọn do từ năm 1934, ông đã thai nghén ý tưởng về chiếc xe tăng này.
Thử nghiệm
Tháng 1/1940, hai mẫu thử T-34 đầu tiên phải đối mặt với bài kiểm tra khả năng di chuyển vượt địa hình dã ngoại và nó phải đi từ Ukraine tới tận… Moscow dài 1200 km sau đó tiến lên biên giới với Phần Lan và quay trở lại Kiev sau đó lại đi tới Kharkov.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai-Hinh-4
 Kỹ sư trưởng Mikhail Koshkin - cha đẻ của xe tăng T-34 được dựng tượng đài. Ảnh: Pinterest.
Bằng một phép màu nào đó, chiếc T-34 đã hoàn thành được cuộc hành quân bất khả thi này. Tuy nhiên kỹ sư trưởng Mikhail Koshkin lại không may mắn như đứa con tinh thần của mình. Ông đã bị viêm phổi nặng sau chuyến đi và qua đời ngay sau đó, bỏ lại dự án còn đang dang dở cho kỹ sư Alexander Morozov – người đã hoàn thành thiết kế của T-34 trước khi nó được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Sản xuất hàng loạt
Từ tháng 9/1940, xe tăng hạng trung T-34 bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại một nhà máy chuyên sản xuất đầu máy, máy cày ở Kharkov. Liên Xô cũng dự định sẽ sản xuất xe tăng T-34 ở một nhà máy đầu kéo khác tại Stalingrad tuy nhiên tới đầu năm 1941, nhà máy ở Stalingrad mới đi vào hoạt động.
Chỉ tính riêng phiên bản sử dụng pháo 76mm thì xe tăng hạng trung T-34 cũng đã có tới 4 phiên bản khác nhau. Phiên bản đầu tiên được Liên Xô gọi với biệt danh là “Mẫu 1940” do nó ra đời vào cuối năm 1940.
Phiên bản 1940 được sản xuất với… động cơ xăng do việc lắp ráp động cơ V12 diesel là quá khó khăn, vượt qua tay nghề của những công nhân tại nhà máy máy cày ở Kharkov. Để sớm đưa những chiếc T-34 đầu tiên vào trực chiến, người ta đã sử dụng lại động cơ xăng trước đây được sử dụng trên dòng xe tăng BT để thay thế.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai-Hinh-5
 Động cơ xăng khiến các mẫu xe tăng T-34 Model 1940 có tỷ lệ cháy cao nhất so với các phiên bản T-34 khác. Ảnh: Pinterest.
Ngay sau đó, thậm chí khi chiếc T-34 Model 1940 đầu tiên còn chưa kịp chuyển đến tiền tuyến thì phiên bản tiếp theo của T-34-76 đã được ra đời. Đó là phiên bản sử dụng pháo có chiều dài nòng gấp 42 lần đường kính – cho phép tăng độ xuyên và tăng khả năng chống tăng của xe tăng T-34 so với phiên bản chiều dài nòng bằng 30,5 lần đường kính nòng trong thiết kế ban đầu.
Thiết kế này thậm chí còn có giáp dày hơn cả thiết kế ban đầu nhưng trọng lượng nhỉnh hơn không đáng kể và được gọi là Model 1941, tới tiền tuyến vừa kịp vào mùa hè năm 1941 trước khi Đức tổ chức tổng tiến công Liên Xô một cách bất ngờ.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai-Hinh-6
 Xe tăng T-34 của Liên Xô bị Đức chiếm làm chiến lợi phẩm. Ảnh: Pinterest.
Tính tới khi Liên Xô bị kéo vào Chiến tranh Thế giới thứ hai sau đòn tấn công đầy bất ngờ và quy mô cực lớn của Đức, đã có khoảng 1000 xe tăng T-34 được ra lò từ hai nhà máy ở Kharkov và Stalingrad. Phần lớn trong số đó đều được trực tiếp tham chiến ở mặt trận phía Tây với Đức quốc xã.
Nhà máy sản xuất T-34 ở Kharkov cũng được lệnh sơ tán ngay lập tức khi cuộc chiến xảy ra và tới tháng 9 cùng năm, toàn bộ nhà máy này đã được xây dựng lại ở Nizhniy Tagil, phía Đông dãy Ural.
Tới năm 1942, một phiên bản khác của T-34 đó là Model 1942 lại tiếp tục được đưa vào sản xuất. So với mẫu 1941, phiên bản này có vài cải tiến không đáng kể, hiệu năng chiến đấu của xe gần như vẫn được giữ nguyên. Những cải tiến ở phiên bản 1942 chủ yếu giúp cho quá trình lắp ráp và sản xuất xe tăng diễn ra nhanh hơn. Cụ thể như các phiên bản này sử dụng tháp pháo được đúc thay vì hàn, giúp thời gian hoàn thành tháp pháo giảm xuống đáng kể.
Phiên bản T-34 sử dụng pháo 76mm cuối cùng mang tên Model 1943 dù nó được đưa vào sản xuất từ giữa năm 1942. Phiên bản này thay thế cửa nóc to trên tháp pháo ở những phiên bản trước thành hai cửa nắp nhỏ ở hai bên đối xứng nhau. Phiên bản hai cửa nóc này còn được lính Hồng quân gọi là “Chuột Mickey” vì khi mở cả hai cửa nóc, trông chiếc T-34 như có thêm đôi tai chuột trên nóc tháp pháo vậy.
T-34 va con duong lam nen chiec xe tang huyen thoai-Hinh-7
 Xe tăng T-34 Model 1943 với hai cửa nóc thiết kế "tai chuột" cực kỳ dễ nhận ra. Ảnh: Pinterest.
Phiên bản T-34 sử dụng pháo 85mm bắt đầu được Liên Xô sản xuất từ tháng 3/1944. Tuy nhiên phiên bản này dù mang tên T-34 nhưng lại có thiết kế thay đổi hoàn toàn so với phiên bản cũ và có thể coi T-34/85 là một loại xe tăng mới hoàn toàn.
(còn nữa)

Mời độc giả xem Video: Xe tăng T-34 tới thế kỷ 21 vẫn chạy tốt, nhả đạn đều.


Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)