Những diễn biến mới của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến dư luận một lần nữa đổ dồn sự chú ý về Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm ở phía bên kia của Biển Đen, và đang kiểm soát tuyến đường độc đạo nối vùng biển này với Địa Trung Hải.
Sau khi tàu tuần dương Moskva - soái hạm của hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga - bị chìm hôm 14/4, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng Moscow đã ngay lập tức di chuyển 4-5 tàu còn lại của họ tiến về phía nam, cách xa bờ biển Ukraine hơn.
Tàu Moskva ở vị trí cách thành phố cảng Odesa của Ukraine 60-65 hải lý về phía nam. Quan chức Mỹ cho biết các tàu khác của Nga, vốn hoạt động gần chiếc soái hạm, hiện đều ở vị trí cách bờ biển Ukraine từ 80 hải lý trở lên.
"Sau sự cố với tàu Moskva, tất cả tàu ở phía bắc Biển Đen hiện đã di chuyển ra khỏi khu vực chúng vốn đang hoạt động", vị quan chức cho biết.
Theo TASS, Moscow cho biết con tàu bị chìm trong vùng biển bão, sau khi bị hư hại nặng do một vụ hỏa hoạn dẫn đến nổ kho đạn. Con tàu chìm khi đang được kéo về cảng. Trong khi đó, Ukraine nói rằng tên lửa của họ đã bắn trúng con tàu hôm 14/4.
Nếu Nga muốn gửi thêm tàu vào Biển Đen để thay thế soái hạm Moskva vừa chìm, hoặc rút hạm đội Biển Đen đến Địa Trung Hải để bảo toàn lực lượng khỏi sự tấn công từ quân Ukraine, họ phải thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mở hai eo biển Bosporus và Dardanelles.
|
Vị trí của hai eo biển Bosporus và Dardanelles. Đồ họa: Nikkei Asia.
|
Thổ Nhĩ Kỳ có phá lệ?
Ankara đã cấm tàu chiến đi qua hai eo biển trên từ cuối tháng 2, sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine.
Cơ sở của việc đóng cửa hai eo biển dựa trên Công ước Montreux năm 1936 - cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu của các quốc gia tham gia giao tranh qua lại hai eo biển trong thời kỳ xung đột. Trường hợp ngoại lệ là những tàu đang trên đường quay về căn cứ.
Về mặt lý thuyết, nếu 4-5 chiếc tàu còn lại của Nga muốn rời khỏi Biển Đen, chỉ những tàu có căn cứ bên ngoài vùng biển này mới được phép rút đi, với danh nghĩa tàu đang quay về căn cứ. Những tàu có căn cứ ngay tại Biển Đen sẽ không thể rời đi.
Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Nikkei Asia rằng Ankara sẽ không cho phép tàu hải quân đi qua hai eo biển khi chiến sự vẫn tiếp diễn.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với đài truyền hình trong nước NTV hôm 14/4 rằng nước này vẫn đang tuân theo một cách đầy đủ Công ước Montreux.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ phá lệ đối với trường hợp của Nga sẽ tạo nên một tiền lệ không tốt. Động thái đó, nếu xảy ra, có thể đe dọa đến sự tồn tại và hiệu lực của Công ước Montreux - vốn đang dành cho Ankara nhiều đặc quyền trong việc quản lý hai eo biển có vị trí quan trọng về địa chính trị này.
|
Tàu ngầm diesel-điện Rostov-on-Don của Hải quân Nga đi qua eo biển Bosporus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường vào Biển Đen ngày 13/2. Để đi qua eo biển này, các tàu ngầm phải nổi trên mặt nước, di chuyển đơn độc, và thực hiện chuyến đi vào lúc ban ngày. Ảnh: Reuters.
|
Suy tính của Moscow bị ảnh hưởng?
Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách đối với vùng Cận Đông (WINEP), cho biết vụ tàu Moskva bị chìm có thể gây tác động lên kế hoạch của Moscow.
"Nếu kế hoạch của Nga vẫn bao gồm việc tấn công đổ bộ vào Odesa hoặc muốn dùng hải quân mạnh để gây áp lực lên lực lượng Ukraine, họ cần đưa thêm tàu đến Biển Đen", ông Cagaptay nói. "Nếu muốn cho phép Nga bổ sung tàu, Thổ Nhĩ Kỳ phải vi phạm công ước Montreux, điều mà họ sẽ không bao giờ làm".
|
Tàu tuần dương Moskva của Hải quân Nga đi qua eo biển Bosporus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường ra Biển Địa Trung Hải hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.
|
Theo TASS, Moskva là tàu chiến lớp Slava dài 186 m, được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen từ năm 1982. Con tàu từ thời Liên Xô này đã được nâng cấp và chỉ mới được đưa trở lại hoạt động từ năm 2021. Lần gần nhất Nga mất tàu tuần dương chủ lực là vào năm 1904, khi tàu Petropavlovsk bị bắn trong cuộc chiến Nga - Nhật.
Hôm 14/4, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ca ngợi cách Thổ Nhĩ Kỳ xử lý vấn đề.
"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã rất có trách nhiệm trong cách họ thực thi trọng trách của mình theo công ước Montreux - liên quan đến việc ra vào Biển Đen", ông Kirby nói trên CNN. "Chúng tôi đánh giá cao việc họ (Thổ Nhĩ Kỳ) đã làm điều đó một cách minh bạch".