Hiện nay có rất nhiều thông tin liên quan tới việc Việt Nam đang đàm phán với Nga để ký kết hợp đồng đóng mới cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ ba với cấu hình vũ khí mạnh hơn. Ngoài ra nhiều nước khác cũng tỏ ý quan tâm tới lớp chiến hạm này.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã đưa ra khá nhiều mẫu thiết kế liên quan tới cấu hình nâng cấp của lớp chiến hạm này, trong đó mô hình đáng chú ý nhất được giới thiệu vào khoảng thời gian 2 năm trước.
Cấu hình này được xem là mạnh nhất của lớp tàu hộ vệ Gepard 3.9 khi thân tàu được kéo dài, trang bị 3 cụm bệ phóng thẳng đứng dành cho tên lửa chống hạm siêu thanh 3M-54E Kalibr và tên lửa phòng không 9M317ME Shtil-1.
Tuy nhiên bản thiết kế này bị đánh giá là quá phức tạp và giá thành cao, cho nên Nga đã tiến hành chỉnh sửa lại và giới thiệu tại Triển lãm LIMA 2019 vừa diễn ra.
|
Cấu hình mạnh nhất của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 - Dự án 11661E |
Quan sát mô hình bản nâng cấp của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 tại Triển lãm quân sự quốc tế LIMA 2019 thì có thể thấy về cơ bản kích thước không có gì thay đổi so với các biến thể cũ, chỉ khác biệt ở cấu hình vũ khí mang theo.
Cụ thể, hải pháo đa năng AK-176MA cỡ 76,2 mm đã được thay thế bằng A-190 100 mm. Cụm pháo - tên lửa phòng không Palma bố trí phía trước mũi tàu được thay bằng cụm 8 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa chống hạm Kalibr. Cuối cùng là thay thế 2 ụ pháo AK-630M phía sau bằng 2 module Palma.
Cấu hình cải tiến trên được đánh giá là hợp lý hơn so với biến thể cũ nhưng vẫn đảm bảo mang lại năng lực tác chiến vượt trội cho tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, trong đó nhấn mạnh khả năng chống hạm với tên lửa Kalibr thay vì Uran-E.
|
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 cải tiến được Nga trưng bày tại Triển lãm LIMA 2019 |
Theo nhận xét từ các chuyên gia quân sự thì triển vọng xuất khẩu của cấu hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 trên là sáng sủa hơn phiên bản cũ, do giá thành không bị tăng vọt và tận dụng được những kinh nghiệm khi thi công các tàu trước kia.
Dàn vũ khí mà Gepard 3.9 mang theo như mô hình cũng tỏ ra phù hợp hơn với một chiến hạm 2.000 tấn, khi cân bằng giữa tầm hoạt động và nguồn điện năng tiêu thụ so với lượng nhiên liệu dự trữ của tàu.
Bên cạnh Việt Nam, Hải quân Malaysia và cả Bangladesh được cho là cũng rất quan tâm đến chiếc Gepard 3.9 và không loại trừ khả năng sẽ tiến tới ký kết hợp đồng đặt mua trong tương lai không xa.