Liên Xô cứu thế giới khỏi chiến tranh sinh học của Nhật Bản ra sao?

Google News

Trong chiến tranh chống Trung Quốc và Thế chiến II, quân phiệt Nhật Bản đã thể hiện sự tàn bạo và ấp ủ kế hoạch liều lĩnh chưa từng thấy.

Vào những ngày diễn ra cuộc chiến tranh Xô-Nhật ngắn ngủi (9/8 – 2/9/1945) và ngày kết thúc Thế chiến II ở Nhật Bản (15/8/1945), Cơ quan Anh ninh Liên bang Nga (FSB) đã công bố các tài liệu mật của Nhật Bản về vũ khí sinh học, mà đế quốc Nhật Bản đã lên kế hoạch sử dụng để chống lại các đối thủ của mình.

Lien Xo cuu the gioi khoi chien tranh sinh hoc cua Nhat Ban ra sao?

 

Trong đó gồm cả biên bản thẩm vấn Otozo Yamada – Tổng Tư lệnh cuối cùng của Quân đội Nhật Hoàng tại vùng lãnh thổ cho thuê Kwantung và Nam Mãn Châu. Sĩ quan cấp cao này của Quân đội Nhật Bản đã bị thẩm vấn từ năm 1945 đến năm 1949 để phục vụ phiên tòa Khabarovsk, xét xử quân đội Nhật Bản bị buộc tội chế tạo và sử dụng vũ khí sinh học.

Trong chiến tranh, các Biệt đội 731 và 100 trực thuộc Tổng Tư lệnh quân đội Kwantung tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực vũ khí sinh học, các thí nghiệm được thực hiện trên người sống. Các tài liệu mật cho phép lưu giữ ký ức về những bài học tàn khốc của Thế chiến II và chiến công của quân đội Liên Xô, đã bóp chết ý đồ của Quân đội Nhật Hoàng phát động một cuộc chiến tranh sinh học chống Liên Xô và Mỹ.

Thực tế, tại Nhật Bản thời hậu chiến và hiện đại, người ta thường không nhấn mạnh đến tiêu cực liên quan đến quân đội Nhật Bản trong chiến tranh hoặc với các hành động của các đồng minh hiện tại của Mỹ. Khi nói về các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, họ cố gắng không đề cập đến người Mỹ – nói chung, đế quốc Nhật Bản không phải là kẻ xâm lược, mà là một nạn nhân.

Phản ứng của Nhật Bản đối với thảm họa nguyên tử

Điều đáng chú ý là giới lãnh đạo quân sự-chính trị Nhật Bản phản ứng khá bình tĩnh trước các cuộc tấn công nguyên tử của Mỹ vào các thành phố của họ. Một mặt, thiệt hại do các cuộc ném bom rải thảm thường xuyên vào các thành phố của Nhật Bản, hầu hết là bằng gỗ và bị thiêu rụi hoàn toàn, vượt quá thiệt hại do các cuộc tấn công hạt nhân vào Hiroshima và Nagasaki. Rõ ràng là một cuộc xâm lược của quân đồng minh trực tiếp trên các đảo của Nhật Bản, nơi mà cơ quan đầu não của Nhật lên kế hoạch phòng thủ cho đến những người Nhật cuối cùng, sẽ gây ra thương vong lớn hơn cho dân thường.

Mặt khác, người Nhật đã có phản ứng phi đối xứng trước các cuộc tấn công nguyên tử của đối phương. Đó là Biệt đội 731 dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Ishii Shiro, một nhà vi trùng học Nhật Bản đã nghiên cứu vũ khí sinh học và hóa học ở các nước phương Tây vào những năm 1928-1930. Năm 1932, người Nhật thành lập cơ sở nghiên cứu vũ khí vi trùng bí mật ở vùng lân cận Cáp Nhĩ Tân, do Shiro đứng đầu.

Trên cơ sở đó, Biệt đội 731 được thành lập, chuyên nghiên cứu về virus, côn trùng, chất độc, các bệnh truyền nhiễm khác nhau, sản xuất các tác nhân chiến tranh hóa học… Trong các thí nghiệm ma quỷ trên người, từ 3.000-10.000 người đã chết. Khoảng 70% đối tượng thử nghiệm là người Trung Quốc, 30% là người Nga (bao gồm cả những người tị nạn từ Đế quốc Nga), số còn lại là người Hàn Quốc và Mông Cổ.

Năm 1935, Biệt đội 100 được thành lập nằm cách Tân Kinh 10 km về phía nam thị trấn Mengjiatun. Biệt đội do Thiếu tướng Cục Thú y Wakamatsu, người dưới quyền của Cục trưởng Cục Thú y của Bộ chỉ huy Quân sự Kwantung, Trung tướng Cục Thú y Takaatsu Takahashi, chỉ huy. Biệt đội 100 chuyên chế tạo vũ khí vi trùng được thiết kế để tiêu diệt động vật và thực vật.

Nghiên cứu của Biệt đội 100 không chỉ liên quan đến động vật; con người cũng được sử dụng để làm thí nghiệm. Kết quả của các thí nghiệm, những người đó (được cho uống thuốc ngủ, chất độc và ma túy) bị suy yếu, tiếp theo, họ bị cho nhiễm bệnh kiết lỵ, sau đó nạn nhân được tiêm các hợp chất xyanua dưới vỏ bọc của thuốc và bị giết. Vào thời điểm Liên Xô tham chiến với Nhật Bản, một số phương pháp sử dụng vũ khí sinh học đã được phát triển ở đó và một lượng lớn đạn dược đã được chuẩn bị.

Trong cuốn sách của nhà văn Nhật Bản Morimura Seiichi “Căn bếp của quỷ” có mô tả một số chi tiết hoạt động của những lực lượng đặc biệt này của Quân đội Kwantung. Trên lãnh địa của Biệt đội 731, cả một nhà máy hoạt động, nơi mầm bệnh gây dịch hạch, sốt phát ban, bệnh phong, bệnh than… được nhân giống. Đến năm 1945, người Nhật đã tích lũy được rất nhiều vũ khí sinh học.

Bom gốm đặc biệt đã được phát triển, có khả năng không chỉ mang vi trùng đến lãnh thổ của kẻ thù, mà còn cả các vật thể sinh học bị nhiễm bệnh – chuột, bọ ve, bọ chét, v.v… Như một trong các sĩ quan của biệt đội này đã lưu ý, “nếu chúng (bom sinh học của Nhật), trong điều kiện lý tưởng, được rải trên toàn cầu, chúng đủ để hủy diệt toàn bộ nhân loại!”

Quân đội Liên Xô cứu thế giới khỏi chiến tranh sinh học

Người Nhật chuẩn bị tiến hành chiến tranh sinh học theo 3 cách: bằng các hoạt động phá hoại của các đơn vị được đưa vào lãnh thổ nước ngoài, để làm lây nhiễm, ví dụ – các vùng nước; sử dụng đạn pháo – cho các vật thể bị nhiễm vào đạn và bắn vào lãnh thổ của đối phương; bom hàng không và không quân. Tướng Ishii coi phương pháp sử dụng bom sinh học là có triển vọng nhất.

Một quả bom gốm với lượng thuốc nổ nhỏ có thể phát nổ ở độ cao thấp so với mặt đất. Bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch, nằm rải rác trên mặt đất, ngay lập tức bắt đầu “hành động” để tìm kiếm vật mang. Các mầm bệnh gây chết người đã được thử nghiệm. Kể từ năm 1939-1940, các đợt bùng phát truyền nhiễm cấp tính đã được ghi nhận ở nhiều nơi khác nhau ở Trung Quốc, bắt đầu ở một số nơi, sau đó lan rộng trên một khu vực rộng lớn.

Morimura lưu ý, “Có nhiều lý do chính đáng để nghi ngờ rằng sự bùng phát của bệnh sốt phát ban và bệnh dịch hạch bắt đầu vào năm 1940 ở một số khu vực phía đông bắc Trung Quốc thực chất là “các hành động thù địch phối hợp” được thực hiện hoàn toàn bí mật bởi “Biệt đội 731”, hiến binh của Quân đội Kwantung và các lực lượng đặc nhiệm”. Ngoài ra, vũ khí sinh học cũng được sử dụng để chống lại quân đội Trung Quốc.

Việc phát tán bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch bằng hàng không, cái gọi là mưa vi khuẩn, đã được sử dụng; các hồ chứa, thực phẩm và các khu định cư đã bị nhiễm bệnh do sự các chiến dịch phá hoại và ít nhất, có hàng trăm người chết. Như tòa án tại Khabarovsk đã chứng minh, vũ khí sinh học cũng được sử dụng để phá hoại Liên Xô.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Tướng Yamada thừa nhận rằng, “Vũ khí vi khuẩn sẽ được sử dụng để chống lại Mỹ, Anh và các nước khác nếu Liên Xô không ra tay chống lại Nhật Bản. Việc Liên Xô tham gia cuộc chiến chống Nhật Bản và việc Hồng quân tiến nhanh vào Mãn Châu đã tước đi cơ hội sử dụng vũ khí vi khuẩn học của chúng tôi chống lại Liên Xô và các nước khác”.

Nhật Bản sở hữu các tàu ngầm lớn thuộc dòng I-400 có thể vượt đại dương và được trang bị các máy bay có khả năng vận chuyển bom sinh học và thùng chứa có động vật và côn trùng bị nhiễm bệnh đến lãnh thổ đông dân của Mỹ, có thể giáng một đòn mạnh vào nước Mỹ, gây ra hoảng loạn và dịch bệnh. Sau các cuộc tấn công nguyên tử vào Nhật Bản, giới chức Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị một cuộc tấn công trả đũa chống lại Mỹ, nhưng sự tham chiến bất ngờ của Liên Xô đã đảo lộn tất cả các kế hoạch của samurai Nhật Bản.

Quân đội Kwantung nhanh chóng bị đánh bại. Và cuộc tiến công thần tốc của quân đội Liên Xô đến quận Pingfan, nơi đặt căn cứ của Biệt đội 731, đã phá hỏng kế hoạch bắt đầu chiến tranh sinh học. Hầu hết các cơ sở, phòng thí nghiệm, vật liệu và tài liệu của Biệt đội 731 đã bị phá hủy, một số nhân viên đã tự sát. Trước đó, tất cả các tù nhân đều bị giết hại một cách dã man.

Những người còn sót lại của đơn vị bí mật được sơ tán đến Hàn Quốc, từ đó đến Nhật Bản. Một số kẻ đào tẩu bị tụt lại trên đường đi, không muốn quay trở lại Nhật Bản, đã bị quân đội Trung Quốc hoặc Liên Xô bắt giữ. Tại Nhật Bản, các thành viên của Biệt đội 731 được lệnh che giấu việc phục vụ trong quân đội và thực tế làm việc tại các biệt đội bí mật, không được giữ các chức vụ xã hội chính thức và công khai, cắt đứt liên lạc với nhau…

Sau chiến tranh, tìm thấy Ishii, người Mỹ đã trao cho gã đồ tể này quyền miễn trừ truy tố để đổi lấy dữ liệu về nghiên cứu vũ khí sinh học và đã nhận được những thông tin quý giá. Phía Liên Xô được thông báo rằng, “Nơi ở của lãnh đạo Biệt đội 731, bao gồm cả Ishii, vẫn chưa được xác định, và không có căn cứ để buộc tội biệt đội này là tội ác chiến tranh”. Tuy nhiên, Moscow vẫn luôn kiên quyết yêu cầu điều tra và đưa ra ánh sáng các hoạt động của Biệt đội 731.

Theo VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)