Thực trạng Không quân Nga: "Có cơ bắp, nhưng mắt chưa sáng"
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 6, Nga với tư cách là cường quốc quân sự thế giới, có lực lượng không quân khổng lồ, nhưng trong cuộc xung đột này, tại sao máy bay chiến đấu của Nga, lại không thể giải quyết tất cả các vấn đề, nhất là vẫn để lực lượng pháo binh Ukraine "sống sót"?
Trong những ngày vừa qua, Quân đội Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh vào Quân đội Nga ở mặt trận phía nam Ukraine, gây ra thương vong lớn cho Quân đội Nga; trong khi Quân đội Nga tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Nikolayev.
Mặc dù Quân đội Nga chiếm ưu thế trên không, nhưng Quân đội Ukraine vẫn triển khai một số lượng lớn các loại pháo trên chiến trường; trong đó có nhiều loại pháo, tên lửa hiện đại của phương Tây. Điều này khiến người ta phải nghi ngờ về khả năng tác chiến của Không quân Nga.
Vậy tại sao Quân đội Nga không thể sử dụng ưu thế trên không, để loại bỏ các đơn vị pháo binh mặt đất của Ukraine?
Theo tờ Le Monde của Pháp, điều này cần được lý giải từ nhiều khía cạnh, vấn đề cần làm rõ là công tác tổ chức của Không quân Nga, chứ không phải vấn đề của máy bay chiến đấu. Có thể lý giải như sau:
Thứ nhất, mặc dù lực lượng không quân chiến thuật của Không quân Nga, không hoạt phát huy được vai trò trong cuộc xung đột Nga-Ukraine; nhưng vẫn có một số lượng lớn các đơn vị tác chiến của lục quân Ukraine, bị Không quân Nga tiêu diệt.
Quân đội Ukraine cũng đã bắn hạ một số máy bay chiến đấu của Nga, trong đó có những máy bay chiến đấu hiện đại như Su-34 và Su-35S; nhưng điều đó không thể nói là những chiến đấu cơ này tính năng kém.
Ví dụ loại tiêm kích bom "Thú mỏ vịt" Su-34 là loại máy bay chiến đấu hỗ trợ hoạt động tiền tuyến, có đặc điểm là tầm bay xa và tải trọng vũ khí lớn; tuy nhiên về khả năng không chiến của Su-34 là trung bình.
Là một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không có khả năng cơ động cao, Su-35S có thể nói là loại máy bay tốt nhất trong dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 hiện nay trên thế giới, nên có thể hình dung được khả năng tấn công của nó.
Thứ hai, theo quan điểm nội bộ thì Không quân Nga được đánh giá "có cơ bắp, nhưng thị giác kém".
Mặc dù khả năng tấn công chiến thuật của Không quân Nga, không thể so sánh với lực lượng không quân của Mỹ; nhưng nếu so với tất cả không quân các quốc gia NATO và châu Âu, Không quân Nga vẫn là lực lượng có quy mô lớn, trang bị nhiều máy bay chiến đấu trong tình trạng kỹ thuật tốt.
Tuy nhiên, điểm yếu nghiêm trọng của Không quân Nga hiện nay đó là thiếu lực lượng trinh sát chiến trường và trinh sát trên không hiệu quả. Nga không có máy bay giám sát, quản lý chiến đấu và chỉ huy, điều khiển trên không tương tự như máy bay E-8 của Mỹ. Do vậy, Quân đội Nga không thể nắm tình hình chiến trường theo thời gian thực.
Không quân Nga cũng không sở hữu nhiều máy bay trinh sát chụp ảnh trên không thông thường và máy bay trinh sát điện tử. Nhưng mẫu máy bay như Su-24MR và Il-20 đã lạc hậu, gây khó khăn cho việc triển khai và liên lạc của các đơn vị mặt đất một cách kịp thời.
Trong lĩnh vực máy bay không người lái (UAV), Nga thậm chí còn kém hơn dù đã tung ra nhiều loại UAV, bao gồm cả loại UAV hạng nặng S-70 kiểu cánh bay, nhưng nó chưa tham gia thực chiến.
Còn các loại UAV khác thì thậm chí còn ít hơn nữa; điều đáng lo ngại là hiếm thấy hình ảnh chiến đấu của các UAV Nga trong thực chiến.
Đối lập với Quân đội Nga, thì Quân đội Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng UAV hơn. Thậm chí có thông tin, Iran sẽ xuất khẩu UAV cho Nga.
Thứ ba, ở cấp độ các hoạt động quân sự chung, Quân đội Nga thiếu một hệ thống chỉ huy thông tin thống nhất và phối hợp giữa ba quân chủng không quân - hải quân và lục quân. Thực tế là ở cấp chiến lược, lục quân và không quân Nga thường tác chiến độc lập, không có sự hiệp đồng hiệu quả ở quy mô lớn.
Còn ở cấp chiến thuật, thậm chí khi các đơn vị tác chiến lục quân, có thể phát hiện thấy các mục tiêu mặt đất của Quân đội Ukraine; nhưng họ sẽ khó để thông báo cho Không quân Nga để nhận chi viện một cách kịp thời.
Điều đó còn chưa kể đến việc chỉ thị mục tiêu cho lực lượng không quân không kích của các lực lượng mặt đất, thông qua chỉ điểm trực tiếp rất kém.
Trong 5 tháng kể từ khi bắt đầu xung đột, Quân đội Ukraine đã dùng một số lượng lớn pháo xe kéo, pháo tự hành và bệ phóng tên lửa từ thời Liên Xô và sau đó là dựa vào viện trợ nước ngoài, để khôi phục một phần khả năng chiến đấu pháo binh.
Công bằng đánh giá, pháo binh Ukraine cũng đã hoạt động tích cực, hiệu quả; tiêu diệt, phá hủy nhiều mục tiêu của Quân đội Nga.
Tuy nhiên, vai trò và hiệu quả tấn công của Không quân Nga, khi không thể làm tê liệt pháo binh Ukraine, trong khi họ chiếm ưu thế trên không, thực sự là một dấu hỏi?
Các vấn đề mà Không quân Nga đang phải đối mặt, đòi hỏi phải tốn nhiều nguồn lực để tiếp tục cải cách, cả về lý luận quân sự cùng thực tế trang bị và huấn luyện.
Nếu Không quân Nga không thể tăng cường đầu tư và điều chỉnh trọng tâm vào xây dựng thông tin hóa, họ sẽ ngày càng tụt hậu so với sức mạnh không quân hiện đại của thế giới.
Tương lai lực lượng Không quân Nga sau cuộc xung đột Nga - Ukraine?
Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine, Không quân Nga cần gấp rút đưa vào trang bị một số lượng lớn UAV tiên tiến, nhằm hỗ trợ cho cả nhiệm vụ trinh sát và tiến công.
Trong cuộc xung đột hiện nay, không thể thiếu UAV, nhưng nguồn cung cấp UAV của Nga từ đâu mới là dấu hỏi lớn; đó cũng là câu trả lời tại sao Nga chưa thể đưa nhiều UAV vào biên chế trong thời gian ngắn. Quân đội Nga cũng nhận thức được rằng, rất khó để đặt mua hoặc sản xuất UAV vào thời điểm này.
Sau khi cơ quan tình báo Mỹ tiết lộ rằng, Iran muốn cung cấp UAV cho Nga, chính quyền Mỹ ngay lập tức đã cảnh báo, Iran không được xuất khẩu UAV cho Nga, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Nếu Nga có 500-1.000 UAV với bán kính chiến đấu đến 300km, thời gian hoạt động của UAV trên không có thể vượt quá 5 giờ, có thể nói nó sẽ có lợi thế lớn hơn khi sử dụng ở chiến trường Ukraine.
Quân đội Liên Xô rất chú trọng đến phòng không lục quân và lục quân của Ukraine cũng thừa hưởng điều này. Do đó, nếu quân Nga đưa máy bay chiến đấu có người lái tiến hành trinh sát, chắc chắn sẽ bị Quân đội Ukraine phát hiện và tấn công.
Nếu Quân đội Nga sử dụng UAV, ngay cả khi UAV bị bắn hạ, nó có thể khóa vị trí mục tiêu mặt đất của đối phương, kịp lưu dữ liệu và truyền về sở chỉ huy mặt đất trong thời gian thực.
Điều quan trọng nữa là việc sử dụng UAV chắc chắn ít tốn kém hơn so với máy bay chiến đấu do con người điều khiển; trong khi đó, nếu UAV bị bắn rơi, cũng không gây thương vong cho phi công.
Nga cũng nên nhận rõ những thiếu sót của mình trong tương lai, để có chiến lược xây dựng lực lượng phù hợp. Việc Nga chỉ phải đối phó với lực lượng nổi dậy ở chiến trường Syria, nên không nhận thấy hết tầm quan trọng của UAV, nhất là UAV vũ trang.
Tờ Political cho biết, khi ở chiến trường Syria, Không quân Nga có thể thoải mái điều động máy bay chiến đấu ném bom thường, mà không sợ bị bắn hạ; nhưng khi đến Ukraine, Nga bất ngờ phát hiện ra, điều đó không giống như chiến trường Syria.
Lý do rất đơn giản, đối mặt với các quốc gia có năng lực phòng không nhất định, chắc chắn một số máy bay chiến đấu sẽ bị bắn hạ. Đối với những khu vực có diện tích đất tương đối lớn, địa hình phức tạp thì ưu điểm của UAV sẽ càng rõ ràng.
Do đó, trong thời gian gần đây, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã thiên về tấn công tầm xa bằng tên lửa hành trình; đồng thời sử dụng nhiều tên lửa tầm xa để thực hiện phá hủy các mục tiêu quan trọng trên mặt đất của Ukraine. Tuy nhiên năng lực tấn công của tên lửa Nga, dường như cũng không đủ để áp đảo lực lượng pháo binh Ukraine.