Vấn đề đặt ra là trong điều kiện máy bay không người lái (UAV) ngày càng được sử dụng rộng rãi, Pantsir-S1 có khả năng xử lý và tiêu diệt mục tiêu hay để bị bắn hạ, khi đối phương sử dụng chiến thuật bầy sói, dùng nhiều UAV tấn công cùng lúc?
Pantsir-S1 là một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không, có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung, ra đời từ năm 2003. Trong cuộc nội chiến Syria (từ năm 2011), Pantsir-S1 đã bắn hạ nhiều mục tiêu là máy bay không người lái, rocket và cả tên lửa hành trình.
|
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 |
Tháng 11/2018, Viktor Murakhovsky, một cây bút người Nga chuyên viết về vũ khí đưa lên mạng một bình luận về hiệu quả thực tế của hệ thống phòng không Pantsir-S1.
“Ở Syria, hóa ra Pantsir trong thực tế không thể phát hiện các mục tiêu nhỏ và có tốc độ thấp, bao gồm các UAV quân sự. Cùng lúc đó, tổ hợp này thường xuyên báo mục tiêu sai, ví dụ khi có các con chim lớn xung quanh căn cứ, gây bối rối đối với những người điều khiển”.
Không lâu sau đó, đoạn nội dung này biến mất. Một số người dự đoán rằng đã có ai đó gây áp lực để loại bỏ nội dung tiêu cực đối với một hệ thống vũ khí Nga đã xuất khẩu sang Algeria, Iraq, Oman, Syria và UAE. Một số người bác bỏ nội dung mà Murakhovsky nói bởi nó dựa trên các thông tin không rõ nguồn.
Pantsir-S1 là hệ thống phòng không tích hợp trên xe bánh xích, tích hợp cả tên lửa đất đối không và pháo phòng không 30mm bắn nhanh, sản phẩm của KBP (Phòng thiết kế vũ khí thành phố Tula, Nga). Hệ thống này được sử dụng để bảo vệ binh lính tiền tiêu và các căn cứ quân sự chủ chốt, loại bỏ mối nguy từ các máy bay bay thấp, trực thăng và tên lửa.
Khi các UAV rẻ tiền ngày càng được sử dụng rộng rãi trong quân đội và trong các lực lượng phiến quân khắp thế giới, hệ thống phòng không tầm thấp ngày càng trở nên quan trọng.
Nhưng nguồn tin ẩn danh mà Murakhovsky trích dẫn nói nếu so với hệ thống phòng không Tor-M2U cũng của Nga, đắt hơn và lâu đời hơn, khả năng tiêu diệt UAV của Pantsir kém hơn.
“Trong tình huống chiến đấu thực tế, Pantsir-S1 không đáp ứng được sự kỳ vọng dành cho nó”, nguồn tin ẩn danh nói. “Vào ngày 1/7 (2018), một cuộc tấn công bằng UAV kiểu bầy sói diễn ra. Ba UAV trong nhóm đã bay tới khu vực căn cứ của Nga và thả xuống 9 thiết bị nổ. Ngay khi cuộc tấn công nổ ra, khẩu đội Tor-M2U đã phát hiện ra mục tiêu và tiệt diệt 4 UAV bằng 5 tên lửa dẫn hướng mặt đất ở độ cao 2,5-3km . Ba chiếc UAV khác bị Pantsir tiêu diệt nhưng hệ thống này phải dùng tới 13 tên lửa”.
“Trong nửa cuối tháng 7/2018, các hệ thống Tor-M2U ở Syria đã tiêu diệt 7 UAV với 9 quả đạn tên lửa”, nguồn tin nói. “Trong tháng 8/2018, Tor phát hiện và bắn hạ thêm 8 UAV với 9 quả tên lửa. Từ tháng 4-10/2018, các tổ hợp Tor-M2U ở Syria bắn hạ 80 mục tiêu trên không, tỷ lệ thành công 80%.”
“Trong khi đó, hiệu quả của Pantsir-S1 cùng thời gian chỉ đạt 19 %.”
Tuy nhiên, chưa thể xác định được những gì nguồn tin này nói có phải là sự thật hay không.
“Murakhovsky có lẽ đã nói đến một bài báo rất có thể do các nhà sản xuất hệ thống Tor “đạo diễn”, Michael Kofman, một chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) nói với tạp chí quân sự WIB trong một email.
|
Pantsir-S1 khai hỏa tên lửa đất đối không |
Và cũng cần nhắc lại rằng cho dù có những yếu tố tương đồng, Tor và Pantsir được sử dụng với vai trò khác nhau. Tor, sản phẩm của công ty nhà nước Almaz-Antey, chủ yếu có chức năng phòng không tiền tuyến cho bộ binh Nga. Với lý do này, tổ hợp Tor-M2U, phát triển lên từ một hệ thống ra đời từ những năm 1980, được đặt trên xe bánh xích bọc giáp 37 tấn, có thể ngắm bắn khi đang di chuyển, đồng thời bắt bám bốn máy bay sau khi dừng xe trong 3-5 giây. Hệ thống có giá 25 triệu USD này mang theo 16 tên lửa 9M331 với tầm bắn 12km.
Trong khi đó, Pantsir-S1 được đặt trên xe bánh xích không bọc giáp, chủ yếu hoạt động trong lực lượng không quân và thực hiện các nhiệm vụ tại chỗ (tĩnh) như bảo vệ căn cứ và các tổ hợp vũ khí khác, ví dụ như hệ thống phòng không tầm xa S-400. 12 tên lửa 57E6 của nó có tầm bắn 20km. Với giá 15 triệu USD, nó rẻ hơn một hệ thống Tor-M2U.