Thành phần cấu thành
Học thuyết “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” là gì? Liệu vào thời điểm hiện tại có thể dùng vũ khí chính xác cao tấn công lãnh thổ đối phương và gây tổn thất đến mức buộc đối phương phải đầu hàng không?
Đòn tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike-PGS), còn gọi là đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu, là sáng kiến của quân đội Mỹ nhằm phát triển một hệ thống vũ khí cho phép thực hiện đòn tấn công bằng vũ khí thông thường vào bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 1 giờ, giống như tấn công hạt nhân bằng tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM). Nhiệm vụ của hệ thống PGS là đem lại khả năng tấn công nhanh và chính xác vào bất cứ khu vực nào trên thế giới một khi xảy ra xung đột hay các tình huống khẩn cấp. Phương án tên lửa đường đạn PGS có thể được phóng ngay từ lãnh thổ Mỹ. Hệ thống PGS sẽ bổ sung cho các binh đoàn thuộc các lực lượng triển khai phía trước, lực lượng không quân viễn chinh (vốn có thể triển khai trong vòng 48 giờ) và các cụm tàu sân bay chiến đấu (Carrier Strike Groups-CSG, vốn có thể phản ứng trong vòng 96 giờ). PGS sẽ cho phép tấn công trong vòng 60 phút bất cứ địa điểm nào trên trái đất hay vũ trụ gần.
Nếu thực hiện thành công, ý tưởng này cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể tạo ra một mối đe dọa chết người gần như đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Điểm xuất phát cốt lõi của khái niệm này cho rằng, vũ khí chính xác cao có sức công phá tương đương với vũ khí hạt nhân và vì thế, nếu sử dụng chúng một cách ồ ạt thì có thể buộc các đối thủ của Mỹ phải thất bại. Tổng công trình sư Y.Xô-lô-mô-nốp (Yuri Solomonov), thuộc Viện Kỹ thuật Nhiệt Mát-xcơ-va cho biết, thành phần cơ bản của các phương tiện tấn công theo học thuyết này sẽ là các tên lửa đạn đạo phi hạt nhân phóng từ mặt đất và từ biển, các tên lửa siêu thanh tầm xa phóng từ các phương tiện mang trên không (máy bay) hoặc các tên lửa hành trình chiến lược với vận tốc siêu thanh hay là vũ khí động lực (theo cách Mỹ ví von là “cây gậy quyền lực của Chúa”). Hệ thống này đặc biệt nguy hiểm vì theo dự tính nó sẽ có thể giáng đòn phi hạt nhân triệt tiêu lực lượng hạt nhân chiến lược của đối phương. Trong tương lai xa, có thể sử dụng các phương tiện trên vũ trụ để tiến hành đòn tấn công.
Một thành tố tấn công cực kỳ quan trọng mà Mỹ hướng tới trong tương lai là tên lửa siêu thanh X-51A với tốc độ bay lên đến 6.500-7.500km/h. Tuy nhiên, những thử nghiệm đã tiến hành kiểu tên lửa này hiện vẫn chưa đem lại những kết quả mong muốn; chính vì thế, Mỹ hiện chủ yếu dựa vào các tên lửa có cánh (hành trình) kiểu như Tomahawk.
Những hệ thống phòng thủ tên lửa siêu hiện đại
Vậy những quốc gia nào, đối tượng nào bị Mỹ liệt vào các mục tiêu của “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu”. Theo các chuyên gia, có 3 đối tượng mục tiêu mà “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” hướng đến gồm: Một là các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động, các trung tâm chỉ huy và cơ sở hạt nhân; hai là các cơ sở cách ly hoạt động quân sự; ba là các cơ sở hạ tầng, căn cứ khủng bố.
Đại diện thường trực của Nga tại NATO, ông A.Gru-xcô (Aleksandr Grushko) nhận định, cái gọi là tấn công toàn cầu chớp nhoáng mà Mỹ vạch ra là khái niệm cực kỳ nguy hiểm. "Cần phải hiểu thêm về các vấn đề như tấn công chớp nhoáng toàn cầu. Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ dự trù tạo lập phương tiện mang siêu thanh mà nguyên mẫu hiện đang qua thử nghiệm. Phương tiện tên lửa này có thể giáng đòn phi hạt nhân với độ chính xác cao vào mục tiêu ở bất kỳ điểm nào trên trái đất chỉ trong vòng chưa đầy một giờ sau khi phóng. Hệ thống như vậy là cực kỳ nguy hiểm, vì với sự hỗ trợ của nó có thể thực hiện cuộc tấn công phi hạt nhân, vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân chiến lược. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm dưới góc độ bình ổn chiến lược", ông A.Gru-xcô cho biết.
Một chỉ huy quân đội Nga cho biết lực lượng tên lửa chiến lược của họ đã sẵn sàng để bảo vệ đất nước chống lại bất kỳ một cuộc tấn công nào... Ông A.Bua-bin (Andrei Burbin), Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga phát biểu: “Nếu chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ đẩy lùi một đòn tấn công chớp nhoáng, mục tiêu này sẽ đạt được”. RT dẫn lời Thiếu tướng K.Ma-ra-cốp (Kirill Makarov), Phó chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Không gian vũ trụ Nga cho biết, nhiệm vụ xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả "có tầm quan trọng tối cao" và là ưu tiên số một của Nga. Học thuyết quân sự của Nga được thông qua mới đây nhấn mạnh Mát-xcơ-va liệt khái niệm "tấn công toàn cầu chớp nhoáng" cũng như việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố sức mạnh quân đội gần biên giới Nga vào danh sách những mối đe dọa an ninh chính.
Để đối phó với những mối đe dọa, Nga đang xây dựng một loạt cơ chế phòng thủ mới, trong đó có hệ thống tên lửa S-400, S-500 với khả năng đánh chặn các mục tiêu có tốc độ siêu âm, có khả năng chặn đứng bất kỳ loại tên lửa đạn đạo hay mục tiêu khí động học nào. Không chỉ có vậy, mới đây nhất, Mát-xcơ-va đã thử nghiệm thành công loại tên lửa hành trình tầm xa mới. Theo một nguồn tin quân sự Nga, loại tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon của nước này đã đạt đến tốc độ Mach 8 (tức là nhanh gấp 8 lần vận tốc của âm thanh) trong một bài thử nghiệm gần đây. Nguồn tin quân sự Nga cho biết, với tốc độ này, các hệ thống phòng không hiện nay gần như là không thể đánh chặn chứ chưa kể đến khả năng thay đổi đường bay linh hoạt của tên lửa. Nhiều nguồn tin quốc phòng Nga xác nhận rằng, Zircon sẽ được thử nghiệm trong năm nay và tiến tới trang bị cho các tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân cỡ lớn vào năm 2022.