Hiện nay, Hải quân Hàn Quốc đang được biên chế 2 t
àu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo. Trong đó, tàu đầu tiên mang số hiệu 6111 được đưa vào biên chế chính thức năm 2008. Chiếc thứ hai mang số hiệu 6112 được đưa vào trang bị năm 2017. Dự kiến, năm 2025, Hải quân Hàn Quốc sẽ tiếp nhận chiếc tàu thứ ba và dự định được đặt tên là Pannendo với lượng giãn nước lớn hơn và khả năng mang được nhiều loại trang bị hơn so với hai chiếc tiền nhiệm đang có trong biên chế.
|
Thông số kỹ thuật của tàu đổ bộ lớp Dokdo. Ảnh: Korea Navy |
Khả năng nhiệm vụ
Theo Bộ tư lệnh Hải quân Hàn Quốc, các tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo có các nhiệm vụ chủ yếu đó là: Thứ nhất, thực hiện đổ bộ ngoài đường chân trời, vận chuyển máy bay trực thăng, lính thủy đánh bộ сùng với khí tài và hàng hóa đến khu vực đổ bộ ở cự ly trên 25 hải lý. Thứ hai, bảo đảm chi viện trên không cho lực lượng đổ bộ. Thứ ba, thực hiện chức năng chỉ huy, quản lý lực lượng đổ bộ và nhóm tàu tấn công. Thứ tư, bố trí trên tàu các khí tài hàng không hiện đại. Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hậu cần như làm bệnh viện dã chiến hoặc sử dụng trong các chiến dịch cứu trợ, cựu nạn trên biển và các chiến dịch khắc phục hậu quả thiên tai.
Tính năng kỹ chiến thuật
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo có chiều dài 199m; rộng 31m; mớn nước 7m; lượng giãn nước 14.300 tấn; lượng giãn nước đầy tải là 18.800 tấn; trang bị 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PC2.5 STC công suất 32.000 mã lực; tốc độ hành trình 18 hải lý/h; tốc độ tối đa 23 hải lý/h; khả năng mang được tối đa 200 trang bị đổ bộ các loại và 720 lính thủy đánh bộ với đầy đủ trang bị; biên chế 330 thủy thủ.
|
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo số hiệu 6111. Ảnh: Korea Navy |
Vũ khí, trang bị
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không RAM với 21 tên lửa phòng không có điều khiển RIM-116В Block 1, bố trí trong tổ hợp bệ phóng Мk-49 để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở cự ly đến 9km. Bên cạnh đó, Hải quân Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch thay thế tổ hợp tên lửa phòng không RAM bằng tổ hợp K-SAAM do Hàn Quốc tự chế tạo. Trong thành phần vũ khí của Dokdo còn có 2 hệ thống vũ khí tầm gần Goalkeeper với pháo 30mm, tốc độ bắn 4.200 phát/phút và cự ly bắn tối đa đến 2km.
Thành phần chính của các phương tiện hàng không hải quân trên tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo là 10 máy bay trực thăng các loại, gồm UH-60 Black Hawk và UH-1H Iroquois. Trong tương lai có thể bố trí các máy bay trực thăng Surion do Hàn Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang xem xét sử dụng máy bay có đường cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng loại F-35B Lightning-2 đối với chiếc tàu đổ bộ trực thăng thứ hai thuộc lớp Dokdo.
Đặc điểm kỹ chiến thuật nổi bật
Thân tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo được chia thành 15 khoang không thấm nước, với bốn mức theo độ cao. Khoang hầm đổ bộ diện tích 800m2, có thể hoạt động trong chế độ khô ráo hoặc ngập nước. Tại đó có hai tàu đệm khí do Hàn Quốc tự chế tạo loại LSF-II, tương tự như loại LCAC của Mỹ hoặc các tàu chở quân đổ bộ LCM hay LCU. Để xếp/dỡ thiết bị, các phương tiện chở quân đổ bộ và khí tài thiết giáp, tàu có 2 cần cẩu 19 tấn, một trong số đó lắp trước ụ nổi trên boong tàu về phía bên phải, chiếc cần cẩu còn lại bố trí ở giữa phần đuôi tàu. Ngoài ra, còn có cần cẩu 5 tấn, bảo đảm đưa đạn dược từ hầm chứa lên boong tàu. Ở thân tàu còn bố trí cửa ngang để đưa hàng hóa vào. Về phía bên phải trước ụ nổi còn có một cần cẩu thanh lồng có sức nâng 20 tấn dùng để hỗ trợ việc bốc dỡ hàng.
Dokdo được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu với cấu trúc phần cứng và phần mềm mở của Hãng Samsung tích hợp với hệ thống chỉ huy và điều khiển Tactickos của Hãng Thales Hà Lan. Trong hệ thống tích hợp chỉ huy chiến đấu có các thuật toán lên kế hoạch nhiệm vụ cho hoạt động đơn lẻ cũng như hoạt động trong nhóm chiến thuật, cho khả năng triển khai tàu như một trung tâm chỉ huy của một biên đội tàu chiến. Ngoài ra, tàu còn trang bị thêm các phương tiện tự động điều khiển và thông tin liên lạc, cho phép giải quyết nhiệm vụ tổ chức các hoạt động chung của đội tàu, gồm cả tàu khu trục và tàu ngầm.
|
Hệ thống vũ khí tầm gần Goalkeeper 30mm. Ảnh: Korea Navy |
Đài radar SMART-L trang bị trên tàu Dokdo do Hãng Thales chế tạo, làm việc trong dải tần số 1 - 2GHz, bảo đảm phát hiện sớm các mục tiêu trên không và trên biển, kể cả mục tiêu có kích thước nhỏ, cũng như bám sát chúng ở cự ly xa đến 65km, máy bay tiêm kích đến 220km, máy bay tuần tra trên không đến 400km. Số lượng mục tiêu bám sát cùng một lúc đến 1.000 mục tiêu trên không hay 100 mục tiêu trên biển. Anten được ổn định so với vị trí của tàu khi thân tàu lắc đến 30°, sống thân đến 15°. Bên cạnh đó, để phát hiện các mục tiêu trên biển, tàu Dokdo sử dụng đài radar MW-08 cũng do Hãng Thales sản xuất. MW-08 làm việc trong dải tần 4 - 6GHz và có bán kính hoạt động đến 150km.
Nhằm bảo đảm đối phó với vũ khí NBC, tàu đổ bộ Dokdo được thiết kế thành ba khu vực, mỗi khu vực đều có hệ thống lọc không khí độc lập, hệ thống cảnh báo tự động việc phát hiện NBC. Ngoài ra, tàu Dоkdо còn trang bị hệ thống kiểm soát các hư hỏng do sự cố hay chiến đấu gây nên để nâng cao khả năng sống còn của binh sỹ. Hệ thống này sẽ kiểm soát tự động bất cứ điểm điều khiển xa nào để kịp thời ngăn chặn hậu quả của các hư hỏng khác nhau, bảo đảm ngắt hay chuyển mạch nguồn điện và khắc phục sự cố, kể cả tàu chìm hay hỏa hoạn.
Việc đưa các tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn lớp Dokdo vào biên chế không những giúp Hàn Quốc nâng cao năng lực tác chiến trên biển mà còn giúp hải quân nước này củng cố, mở rộng phạm vi hoạt động, từ đó gia tăng sức ảnh hưởng và khả năng răn đe trong khu vực.
Video Khám phá tàu đổ bộ đệm khí 22 triệu USD của Hải quân Mỹ - Nguồn: QPVN