Giới chức quân sự Mỹ cho rằng, sự hiện diện của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 trong tay Quân đội Syria sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động đường không của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, động thái này đang bị các nhà phân tích quân sự quốc tế hoài nghi.
F-22 – Vũ khí được thiết kế chuyên để áp chế phòng không Liên Xô, Nga?
Sau khi Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố chuyển giao các tổ hợp S-300 cho Syria, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Neuert tuyên bố, Nga chuyển giao cho Syria S-300 chỉ làm “leo thang xung đột ở Syria và không làm thay đổi cách tiếp cận của Mỹ với quốc gia Cận Đông này”. Cùng với đó, phát ngôn viên liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Syria, Đại tá Sean Ryan nhấn mạnh, S-300 sẽ không làm thay đổi chiến lược của liên quân đang tiến hành ở Syria.
Phản ứng lại việc Syria được chuyển giao S-300, trang tin quân sự Mỹ The Drive dẫn các nguồn tin thân cận đăng tải, Không quân Mỹ đang tính tới việc khôi phục hoạt động của “cặp đôi” F-22 Raptor và F-16CJ Viper nâng cấp tại Syria. Chiến thuật này tương tự như dự kiến của Lầu Năm góc trong thời kỳ đầu nội chiến của Syria khi triển khai đồng thời máy bay F-22 và F-16 để sẵn sàng cho kịch bản can thiệp quân sự, áp chế hệ thống phòng không Syria trong trường hợp cần thiết.
|
Máy bay chiến đấu F-22 Raptor có khả năng đối phó hoàn hảo với S-300? |
Theo The Drive, máy bay chiến đấu F-22 được thiết kế dựa trên các tiêu chí đối phó lại các tổ hợp vũ khí phòng không Liên Xô và Nga với sự tham gia của các Tập đoàn chế tạo vũ khí hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing và General Dynamics.
Nhận định F-22 là dòng máy bay chiến đấu hiệu quả, năm 2009, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã gửi đề nghị lên Tổng thống Mỹ Barack Obama khôi phục dây chuyền lắp ráp F-22 để đối phó với “sự mở rộng ảnh hưởng của S-300” tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Một trong những tính năng đáng chú ý của F-22 chính là khả năng tàng hình nhờ việc áp dụng sâu công nghệ vật liệu mới, lớp phủ tán xạ tín hiệu ra-đa và khoang vũ khí được để trong khoang kín dưới thân. Ngoài ra, F-22 còn có khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí tấn công chính xác cao và hoạt động trong mọi điều kiện thời gian. thời tiết.
Tuy nhiên, quan điểm trên của The Drive nhận được nhiều chỉ trích từ giới chuyên gia quân sự. F-22 với mục tiêu thiết kế ban đầu là một máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không. Mục tiêu chính của nó là sử dụng ưu thế về tàng hình, ra-đa mảng định pha chủ động (AESA) để phát hiện sớm máy bay đối phương và tiêu diệt chúng với chiến thuật “thấy trước, bắn trước”. Khả năng tàng hình của F-22 không phải là bất bại. Nó chỉ hiệu quả ở một số băng tần ra-đa nhất định. Chính vì thế, nhiệm vụ áp chế phòng không, F-22 có thể thực hiện, nhưng không phải nhiệm vụ thế mạnh.
Việc F-22 xuất hiện tại Syria nhiều khả năng là để Không quân Mỹ hoàn thiện dòng máy bay chiến đấu này trong thực chiến, cũng như cọ sát trực tiếp với Không quân Nga trong điều kiện tác chiến thực.
Đối mặt với S-300, F-22 sẽ mất lợi thế tàng hình
Đánh giá về kịch bản Mỹ có thể triển khai máy bay F-22 tới Syria để đối phó với S-300 của Syria, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí quốc tế (CAWAT) đánh giá, máy bay thế hệ 5 của Mỹ hoàn toàn không có thế mạnh tàng hình trước hệ thống phòng không liên hợp của Syria và Nga.
“S-300 và S-400 có đủ khả năng phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình F-22 hoặc F-35 xâm phạm không phận Syria. Thực tế là không có máy bay nào “vô hình” cả. Chúng vẫn tạo ra những nhiễu động điện tử đủ để hệ thống ra-đa cảnh giới ghi nhận được. Sau khi bị phát hiện, quyết định bắn hạ chúng hay không sẽ có phía Nga chịu trách nhiệm”, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko nhận định.
|
Syria được chuyển giao S-300 giúp thay đổi hoàn toàn năng lực chiến đấu của hệ thống phòng không về chất...
|
|
Hơn thế nữa, điều quan trọng hơn là các tổ hợp S-300 của Syria được tích hợp vào hệ thống điều khiển hợp nhất của Nga khiến năng lực chiến đấu của chúng còn hiệu quả gấp bội phần. |
Theo lời ông Igor Korotchenko, khả năng tàng hình của F-22 và F-35 có thể hiệu quả trong những trường hợp đơn lẻ hoặc tác chiến quy ước khi Mỹ kiểm soát hoàn toàn trên không. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khác tại Syria. Các tổ hợp S-300 của Syria không hoạt động đơn lẻ, mà được tích hợp vào hệ thống điều khiển hợp nhất của lực lượng Phòng không-vũ trụ Nga. Hệ thống này không chỉ có tên lửa phòng không, mà còn có các thành phần trinh sát, đối kháng điện tử chủ động, thụ động và trinh sát vệ tinh… Những yếu tố này đủ để khiến F-22 và F-35 mất khả năng tàng hình.
Mặt khác, dù thiết kế tàng hình, nhưng khi hoạt động, F-22 và F-35 vẫn tạo ra nhiễu động điện tử do kết cấu khung thân kim loại, các kênh liên lạc vô tuyến. Những tín hiệu này hoàn toàn có khả năng bị các hệ thống trinh sát điện tử phát hiện để phát hiện ra vị trí.
Điều này có thể khiến Mỹ phải cân nhắc khi tái triển khai F-22 và F-16CJ trở lại Syria, khi đối thủ không chỉ có hệ thống phòng không Syria, mà là hệ thống tích hợp với lực lượng quân sự Nga tại quốc gia Cận Đông này.