|
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sputnik. |
Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD với Nga để mua các tổ hợp phòng không S-400 Triumf. Việc giao hàng dự kiến bắt đầu vào tháng 10.2020.
Chia sẻ với Sputnik về tác động của hợp đồng S-400, Tiến sĩ Amarendra Bhushan Dhiraj - nhà báo và biên tập tạp chí CEOWORLD lý giải tại sao New Delhi khao khát sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến của Mátxcơva, bất chấp mối đe dọa trừng phạt từ Washington.
"Thỏa thuận này nguy cơ khiến New Delhi bị Mỹ trừng phạt theo luật mới (Luật chống đối phương của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA))" - ông nói và nhắc lại việc Washington trừng phạt Bắc Kinh hồi tháng trước vì mua S-400.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng: "Nhưng trong khi Bắc Kinh là một cường quốc đối thủ mới nổi, New Delhi được xem là một đồng minh chiến lược thân cận. Và với mối quan hệ này, Mỹ có nhiều sự thống nhất chung trong loạt các vấn đề toàn cầu" - nhà báo người Ấn nói thêm, đồng thời chỉ ra hợp tác Mỹ - Ấn trong khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trỗi dậy.
Theo ông Dhiraj, chính quyền ông Donald Trump sẽ "khó xử" nếu muốn trừng phạt với thương vụ S-400 của Nga-Ấn Độ bởi bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc mua bán này sẽ có những hậu quả tiêu cực.
"Vấn đề đối với chính quyền ông Donald Trump là, nếu họ cho phép New Delhi mua S-400, không có lý do gì không cho phép các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong NATO, làm tương tự. Việc miễn trừ New Delhi làm suy yếu tác động của các biện pháp trừng phạt và khiến Mỹ bị cáo buộc là có sự ưu ái” - nhà báo người Ấn Độ lý giải.
Ông cũng lưu ý, mặt khác, Ấn Độ được coi là thị trường sinh lợi nhất trên thế giới với các nhà xuất khẩu vũ khí. Trong đó, Mỹ chiếm thị phần lớn nhất, vượt tất cả các nhà xuất khẩu khác, bao gồm cả Nga. "Mỹ, về phần mình, cũng hiểu rằng biện pháp trừng phạt với New Delhi sẽ gây chia rẽ giữa hai đồng minh" - ông nói.
Theo ông, do vậy, bởi lợi ích của Mỹ trong việc duy trì tiếp cận thị trường vũ khí Ấn Độ, New Delhi dường như không quá lo ngại việc gần gũi với Mátxcơva sẽ khiến Washington mạnh tay. Theo quan điểm của ông, Mỹ rõ ràng không muốn Ấn Độ mua S-400 nhưng chính quyền ông Donald Trump không chắc sẽ trừng phạt Ấn Độ vì hợp đồng này.
Khi được hỏi điều gì đã đặc biệt thúc đẩy Ấn Độ bắt tay với Nga, ông Dhiraj chỉ ra, S-400 vượt trội về năng lực so với các hệ thống tương tự, trong đó có Patriot của Mỹ. Điều này giúp New Delhi thay đổi cân bằng quân sự trong khu vực tiểu lục địa và Ấn Độ Dương. "S-400 cũng sẽ thắt chặt khả năng phòng thủ của nước này dọc biên giới dài 4.000km Ấn Độ - Trung Quốc” - nhà báo giải thích.