Thành phần lực lượng chống ngầm chủ yếu
Hiện nay, lực lượng đảm nhận nhiệm vụ tác chiến chống ngầm chính của không quân thuộc Hải quân Mỹ là các máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion, P-8A Prosidon, ngoài ra còn có trực thăng săn ngầm SH-60 Sea Hawk và MH-60R biên chế trên các tàu chiến mặt nước.
Thời gian gần đây, để đẩy mạnh chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không quân thuộc Hải quân Mỹ còn tiến hành nâng cấp một loạt các phương tiện này. Trong đó, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion đã được lắp thêm hệ thống thiết bị thu chủ động đo tiếng vọng tăng tầm loại cải tiến, thiết bị thăm dò từ trường và rađa quan sát biển, giúp nâng cao hơn nữa khả năng chống ngầm ở vùng biển gần và ven bờ.
|
Máy bay chống ngầm P-3C Orion. Ảnh: Wikipedia.org |
P-3C Orion là loại máy bay chống ngầm cất cánh từ đất liền, chủ yếu dùng để thực hiện tác chiến săn ngầm trên biển tầm xa, tác chiến chống hạm và yểm hộ cho biên đội tàu sân bay trên toàn cầu, trong mọi điều kiện thời tiết. Với bán kính tác chiến 4.000 hải lý, phạm vi tác chiến của P-3C có thể bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông.
Phi cơ P-3C có chiều dài 35,6m, sải cánh 30,4m, trọng lượng cất cánh tối đa 64,4 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-56-A-13, đảm bảo cho máy bay đạt vận tốc tối đa 750km/h, hành trình tối đa 9.000km, bán kính hoạt động tối đa gần 4.000km. Với phi hành đoàn 11 người, P-3C có khả năng hoạt động liên tục trên không 16 tiếng.
Thiết bị trinh sát ngầm mang theo là các loại rađa, thiết bị thăm dò từ tính và hồng ngoại, ngoài ra còn hệ thống phao sôna, phao nước và pháo sáng. Dưới cánh máy bay có 10 giá treo vũ khí với tổng khối lượng lên đến 9 tấn, bao gồm nhiều chủng loại khác nhau, phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến đa dạng cả trên biển và trên bộ. Hệ thống vũ khí chủ yếu bao gồm: Tên lửa AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, ngư lôi MK-46, MK-50, MK-54… ngoài ra có thể mang theo bom nổ dưới nước, bom thông thường và các loại thủy lôi.
Ngoài ra, không quân thuộc Hải quân Mỹ còn được biên chế máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Prosidon kiểu mới. Đây là máy bay tuần tiễu chống ngầm hiện đại nhất thế giới hiện nay do hãng Boeing nghiên cứu, chế tạo. P-8A Prosidon bắt đầu bay thử năm 2009 và hiện đang được chế tạo hàng loạt.
Thiết bị trinh sát chống ngầm chủ yếu của P-8A bao gồm: hệ thống thăm dò từ tính của vỏ tàu ngầm MAD do công ty CAE của Canada chế tạo và rađa giám sát biển AN/APY-10 của Hãng Raytheon. Đây là loại rađa tích hợp đầy đủ các tính năng của rađa giám sát biển AN/APS-137 mà Hải quân Mỹ hiện đang sử dụng, bổ sung thêm chức năng kiểm soát không trung và điều khiển vũ khí, cải thiện khả năng theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu. Ngoài ra trên máy bay còn lắp đặt các thiết bị kiểm tra, giám sát giống như P-3C Orion bao gồm: thiết bị thăm dò từ tính và hồng ngoại, hệ thống phao sôna, phao nước và pháo sáng…
|
Máy bay chống ngầm P-8A Poseidon. Ảnh: Wikipedia.org |
P-8A Poseidon có chiều dài 39m, cao 12m, sải cánh 35m, trọng lượng không tải 62 tấn, tải trọng bay tối đa 85 tấn, P-8A Poseidon sử dụng 2 động cơ phản lực CFM56-7B27A với lực đẩy 120kN, hành trình tối đa trên 11.000km, bán kính tác chiến 4.800km, tốc độ bay tối đa là 900km/h, tốc độ bay tuần tra thông thường 400km/h. Với phi hành đoàn 9 người, P-8A được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến mặt nước và tác chiến chống ngầm tầm xa; trinh sát và giám sát thu thập tin tức tình báo từ ven bờ ra các vùng biển xa. Trần bay tối đa của P-8A là gần 13km nhưng chủ yếu nó sẽ bay trinh sát ở tầm thấp khoảng 4,57km.
P-8A không có khoang vũ khí trong thân máy bay mà lắp đặt 6 giá treo vũ khí hai bên cánh, có thể mang theo hơn 5,5 tấn vũ khí bao gồm: bom rơi tự do, ngư lôi MK-54 và tên lửa chống hạm Harpoon. Vũ khí chống ngầm chủ yếu của P-8A là ngư lôi MK-54. Đây là loại ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ phóng từ trên không hiện đại nhất hiện nay, có thể phóng từ trên hạm, trên máy bay trực thăng, máy bay phản lực với tầm bắn 15km, cự li tự động tìm kiếm mục tiêu là hơn 900m. Hệ thống động cơ đẩy của nó sử dụng công nghệ điều khiển bằng phần cứng giúp nó có độ tin cậy và khả năng tăng tốc cao.
Phương thức chống ngầm của không quân thuộc Hải quân Mỹ
Quy trình hoạt động của máy bay tuần tiễu chống tàu ngầm của không quân thuộc Hải quân Mỹ bao gồm các bước: phát hiện mục tiêu, phân loại mục tiêu, bám sát mục tiêu đã bị phát hiện và tiến công khi có lệnh.
Để xác định chính xác vị trí
tàu ngầm và bảo đảm khả năng sử dụng vũ khí tiêu diệt mục tiêu chính xác, khi bắt được tín hiệu tàu ngầm đối phương, khu vực xác định được phân loại và khoanh vùng. Việc khoanh vùng mục tiêu có thể tiến hành bằng cách thả bổ sung phao thủy âm vô tuyến hoặc các thiết bị kiểm tra từ trường. Với mục tiêu có tốc độ lớn, khi khoanh vùng, không quân thuộc Hải quân Mỹ thường sử dụng phao thủy âm vô tuyến làm việc ở chế độ thụ động có định hướng; còn mục tiêu có tốc độ nhỏ, sẽ sử dụng phao thủy âm vô tuyến làm việc ở chế độ chủ động hoặc kết hợp phao thủy âm vô tuyến chủ động và thụ động.
|
Ngư lôi chống ngầm MK-54. Ảnh: Wikipedia.org |
Căn cứ vào dữ liệu mà các phao thuỷ âm cung cấp, trực thăng chống ngầm tiến hành truy tìm tàu ngầm theo hải trình, có thể cách xa trung tâm của đội hình chiến đấu đến 40 dặm (64,37km).
Để bảo đảm truy quét toàn bộ vùng nước trong giới hạn hành lang quan sát tìm kiếm, trực thăng chống ngầm sẽ thả các sôna rà soát lần lượt với tốc độ quy định và tại các điểm quy định trên quỹ đạo đường bay tuần thám của trực thăng trong hành lang quan sát tìm kiếm. Khoảng cách giữa các đài sôna thả xuống biển, bằng 1,25 - 1,6 lần phạm vi hoạt động hiệu quả của đài sôna trinh sát. Khi phát hiện được tàu ngầm đối phương, trực thăng tuần thám sẽ trực tiếp báo cáo về trung tâm chỉ huy và tiếp tục theo dõi mục tiêu. Chỉ huy trưởng cụm tàu chiến đấu sẽ ra quyết định triển khai các hoạt động tiếp theo nhằm kiểm soát mục tiêu được phát hiện.
Thông thường trong trường hợp này, trực thăng chống ngầm sẽ thực hiện đeo bám chặt chẽ tàu ngầm, thông báo cho nhóm chống ngầm hỗn hợp các thông số về tọa độ, vị trí tàu ngầm, dự kiến hướng cơ động và tốc độ của tàu ngầm.
Trong trường hợp bám mục tiêu tốt, nhóm lực lượng chống ngầm sẽ tiến hành công kích tiêu diệt mục tiêu tàu ngầm đối phương.
Trong trường hợp mất dấu vết tàu ngầm, trực thăng chống ngầm sẽ tiến hành tìm kiếm lại mục tiêu đã bị mất dấu và tiếp tục đeo bám cũng như thông báo cho trung tâm chỉ huy ra quyết định.