Thiết bị đánh hơi người
- Khi mà chó săn – một loại động vật nguy hiểm và hung hãn nhưng lại rất dễ bị lực lượng Quân giải phóng qua mặt thì quân đội Mỹ đã phải phát minh ra hẳn một thiết bị điện tử chuyên để thực hiện nhiệm vụ của chó săn nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều. Đó là thiết bị đánh hơi người.
|
Thiết bị đánh hơi người được binh lính Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam bị đánh gục bởi... nước tiểu.
|
Thiết bị đánh hơi người này được quân đội Mỹ sử dụng ở khu vực phi quân sự giới tuyến giữa hai miền Bắc – Nam để phát hiện người vượt tuyến từ miền Bắc Việt nam xuống phía Nam. Sau một thời gian thử nghiệm có vẻ hiệu quả, thiết bị này được phát tới các đơn vị lính Mỹ để phục vụ việc đi càn quét và phát hiện quân giải phóng trong rừng rậm.
Thiết bị này mang tên XM2 và bản nâng cấp XM3 bao gồm một hệ thống balo đeo trên lưng người lính với pin dự phòng và hệ thống điều khiển. Một vài hệ thống khác lớn hơn được trang bị trên máy bay trực thăng nhưng tỏ ra không hiệu quả do tốc độ di chuyển quá nhanh.
Theo tài liệu được Mỹ ghi nhận lại, đối phương (nghĩa là quân giải phóng) đã cực kỳ mưu mẹo khi hắt nước tiểu khắp đường đi càn của lính Mỹ, khiến các loại máy dò hơi người phát tín hiệu báo động liên tục khiến binh lính hoang mang tột. Chưa kể tới việc, ngoài đánh hơi được hơi người, XM2 còn nhạy tới mức đánh hơi được cả… hơi động vật. Kết quả cuối cùng là thiết bị này bị loại biên vì nó quá vô dụng, không những không phát hiện được quân giải phóng mà còn làm quân Mỹ hoang mang tột độ vì có cảm giác quân giải phóng ở khắp mọi nơi.
- Phân điện tử
Chính xác thì đây là một thiết bị điện tử được nguỵ trang như một cục phân. Theo lý giải trong các bản báo cáo của quân đội Mỹ thì họ chọn phân vì đơn giản đây vốn dĩ là thứ bẩn thỉu, không ai động vào. Vậy nên ngay cả khi loại thiết bị này bị những người lính trong Quân Giải phóng nhìn thấy, họ chỉ đơn giản là… tránh xa ra thay vì lại gần để tìm hiểu.
|
Cận cảnh một cục "phân điện tử" được Mỹ dùng trong Chiến tranh Việt Nam.
|
Thiết bị này được sử dụng như một phần trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ dựng lên ở đường Trường Sơn trong Chiến tranh Việt Nam. Theo đó những cục phân này sẽ chứa một loạt các loại cảm biến điện tử và pin đủ để nó hoạt động trong nhiều ngày. Khi những đoàn quân giải phóng hành quân qua khu vực Mỹ rải thiết bị do thám, thiết bị này sẽ thu lại tiếng động và báo về tổng hành dinh của Mỹ.
Thậm chí nhiều phiên bản hiện đại hơn của “cục phân” còn có khả năng thu và phát tín hiệu radio từ những loại điện đàm của Quân Giải phóng. Với nhiều thiết bị được thả trong bán kính rộng, quân đội Mỹ có thể đoán ra đích xác hướng hành quân, thậm chí là quân số của quân ta khi di chuyển.
Để đối phó với thứ thiết bị trinh sát này, quân đội ta thường tìm cách di chuyển theo hướng khác sau khi phát hiện ra thiết bị hoặc đơn giản là “đi không dấu, nấu không khói, nói không câu” để đảm bảo tuyến đường hành quân không bị lộ bí mật.
Bom đinh
Đây là loại bom được chuyên sử dụng với mục đích sát thương người lính – thay vì giết chết anh ta ngay lập tức. Triết lý thiết kế của loại bom này cũng tương tự như các loại mìn bộ binh. Có nghĩa là một người lính khi bị thương sẽ khiến nhiều đồng đội của mình mất khả năng chiến đấu theo do phải sơ cứu, tải thương cho người bị thương đó – khác với việc nếu người lính hy sinh ngay lập tức, đồng đội của anh ta đơn giản là chỉ để mặc thi thể ở vị trí đó và tìm cách thu hồi sau khi cuộc giao tranh kết thúc.
|
Phía trên: Bom đinh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Phía dưới: Bom đinh trong Chiến tranh Việt Nam.
|
Về cơ bản, bom đinh là loại bom nhồi đầy phi tiêu và đinh ở bên trong. Thậm chí các loại đinh làm bằng kim loại phẩm chất kém cũng được sử dụng. Khi đinh bên trong quả bom làm bằng kim loại có phẩm chất kém, nó sẽ mau chóng bị rỉ sét trong quá trình vận chuyển và lưu kho. Khi sử dụng, đinh rỉ sét cắm vào đối phương sẽ khiến người bị thương nhiễm trùng nặng, đòi hỏi sự chăm sóc y tế phức tạp hơn so với thông thường.
Thậm chí một loại bom mà Mỹ sử dụng ở Chiến trường Việt Nam còn không có thuốc nổ. Loại bom này được nhồi đầy đinh sát và được thả từ các máy bay ném bom ở độ cao lớn (như B-52). Do thả từ độ cao lớn, quả bom sẽ tăng tốc liên tục cho tới khi chạm đất. Lúc này, sơ tốc của quả bom là cực lớn và dù không có thuốc nổ, nó vẫn gây ra một vụ nổ kinh hoàng, bắn những chiếc đinh sát thương ra tầm xa hàng km xung quanh nơi quả bom tiếp đật.
Dựa vào công nghệ thả rơi tự do này, quân đội Mỹ hiện nay còn phát triển một loại vũ khí thả từ ngoài vũ trụ, có sức công phá như bom nguyên tử nhưng không cần thuốc phóng và cũng không cần đầu đạn.
Tuy nhiên thời Chiến tranh Việt Nam, hiệu quả ném bom của Mỹ ở trong rừng Trường Sơn là không cao, chủ yếu do cách bố trí đơn vị di chuyển linh hoạt của quân giải phóng. Điều này khiến cho dù bom đinh được Mỹ sử dụng, nhưng nó cũng không quá hiệu quả trong cuộc chiến này.
Cuối cùng là máy cắt cỏ
Thực tế đây là một loại máy cắt cỏ khổng lồ, có nhiệm vụ… cắt cây – một trong những chướng ngại vật quân Mỹ bực mình nhất khi chiến đấu trên chiến trường Việt Nam. Câu thơ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” hoàn toàn đúng trong chiến tranh Việt Nam và để quân giải phóng không còn gì che chắn, Mỹ đã nghĩ ra cả loại máy cỡ lớn chuyên biệt chỉ có nhiệm vụ cắt cây, phục vụ cho việc phát quang rừng rậm.
|
Sơ lược thiết kế của máy cắt cây do Quân đội Mỹ đặt làm, phục vụ riêng cho Chiến trường Việt Nam.
|
Thiết bị này được đánh giá là có hiệu quả sử dụng cao, ít tốn kém hơn so với thuốc diệt cỏ (hay chất độc da cam) vì thuốc diệt cỏ có thể bị nước mưa rửa trôi chỉ sau ít phút – mà mưa thì lại là đặc sản của rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Năm 1968, một công ty khai thác gỗ ở Mỹ đã chế tạo hai thiết bị loại này theo đơn đặt hàng của quân đội, thậm chí chúng còn được gửi tới Đông Nam Á và được gọi với cái tên cực kỳ mỹ miều đó là “Máy cắt cây chiến thuật”.
Mỗi phương tiện có trọng lượng lên tới 60 tấn với nhiều lưỡi cắt cây ở phía trước và hệ thống băng truyền di chuyển thân gỗ sau khi cắt ra phía sau. Ngay khi đến tay quân đội Mỹ, súng máy 12,7mm loại .50 Cal đã được gắn thêm để làm mục đích tự vệ. Mặc dù vậy cuối cùng quân đội Mỹ lại cho rằng các loại thiết bị này dù hiệu quả trong việc cắt cây, tuy nhiên tiếng ồn động cơ là quá lớn, thiết kế cồng kềnh khó di chuyển và dễ mắc kẹt trong mùa mưa. Phiên bản quân sự của máy cắt cỏ cỡ lớn này chưa từng được sản xuất hàng loạt dù bản dân sự đã có màn trình diễn khá tốt.
Mời độc giả xem Video: Quân đội Mỹ và chư hầu vất vả với địa hình của Việt Nam.