Đức đang đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc tập trận hải quân quy mô lớn của các nước châu Âu trên biển Baltic, được Liên minh châu Âu (EU) gọi là để chuẩn bị sẵn sàng trước mối đe dọa mà ai cũng biết đó là Nga.
Đức dẫn đầu tập trận Hải quân tại Baltic
Reuters ngày 29/10 đưa tin, Đức đang dẫn đầu cuộc tập trận Hải quân quy mô lớn ở ngoài khơi Phần Lan, với sự tham gia của 3.600 thủy thủ, 40 tàu chiến và 30 máy bay quân sự đến từ hơn 10 nước châu Âu. Cuộc tập trận bắt đầu từ hôm 28/10 với mục tiêu đảm bảo tuyến vận tải an toàn qua biển Baltic.
“Biển Baltic là sân trước của chúng tôi, do đó, chúng tôi và các nước láng giềng châu Âu mong muốn hoạt động vận tải tự do trên tuyến đường biển này”, Thuyền trưởng Sven Beck tuyên bố trước các phóng viên trên tàu khu trục Hamburg của Đức.
|
Thủy thủ đoàn trên tàu ngầm U 33 của Đức. Ảnh: AP |
Nga đã nhiều lần khẳng định nước này không có ý định đe dọa bất cứ ai ở châu Âu bằng một cuộc tấn công quân sự. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để đối phó với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực này, Nga cũng phải có bước phòng vệ. Theo đó, Nga đã triển khai các bệ phóng tên lửa Iskander-M tại Vùng Kaliningrad vào năm 2013. Đến tháng 2/2018, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - ông Vladimir Shamanov đã tuyên bố, hệ thống tên lửa Nga triển khai tại Vùng Kaliningrad là vĩnh viễn.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, Nga sẽ phong tỏa Biển Baltic, cắt đứt các tuyến vận tải biển và ngăn chặn các nước Tây Âu hỗ trợ hải quân cho những nước Baltic láng giềng của Nga.
Theo bài viết của Reuters, Baltic là vùng biển nông với những eo biển hẹp do đó rất dễ để phong tỏa bằng “trận địa mìn”. Đây cũng là một phần nội dung trong cuộc tập trận hải quân đang diễn ra của các nước châu Âu. Các tàu hải quân do lực lượng Đức dẫn đầu sẽ tiến hành rà phá mìn trên biển Baltic, thực hành hộ tống các tàu thương mại và đối phó với trường hợp giả định phải sử dụng tới vũ lực.
“Mục tiêu của cuộc tập trận là đảm bảo thông suốt các tuyến đường biển, đảm bảo thương mại và lợi ích kinh tế của các nước bên bờ biển Baltic”, Thuyền trưởng Sven Beck nhấn mạnh.
Mỹ thúc ép buộc Đức phải chủ động
Cũng theo Reuters, từ năm 2014 khi Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga và khủng hoảng Ukraine bùng phát nghiêm trọng, Đức đã cố gắng đảm nhận vai trò dẫn đầu lực lượng hải quân các nước châu Âu. Theo đó, Berlin đã tổ chức những cuộc gặp giữa chỉ huy hạm đội các nước từ sau năm 2014, đồng thời xây dựng một trung tâm chỉ huy mới tại Rostock, với nhiệm vụ dẫn dắt các hành động phối hợp của các nước châu Âu trên biển Baltic đến năm 2023.
Đây là những tín hiệu rõ ràng cho thấy, Đức dần từ bỏ thái độ “miễn cưỡng” thời hậu Thế chiến thứ II để đảm nhận vai trò dẫn đầu này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong tuyên bố tháng trước đã nói rằng: “Berlin phải có trách nhiệm nhiều hơn với khu vực ”.
Động thái của Đức được các nước châu Âu đón nhận nhiệt tình. “Chúng tôi rất vui khi Đức giữ vai trò dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay”, Chỉ huy Hải quân Phần Lan Veijo Taipalus khẳng định.
Hầu hết trong thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh và nhiều thập kỷ sau đó, Mỹ là nước giữ vai trò đi đầu trong khối quân sự NATO, đặc biệt Washington tự nhận trách nhiệm bảo vệ các đồng minh châu Âu trước Moscow. Tuy nhiên, Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều thay đổi, với lời kêu gọi châu Âu, đặc biệt là Đức phải tăng cường chi tiêu quốc phòng và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của NATO.
Tuần trước, cựu Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Âu, vị Tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges cũng nhận định rằng, đã đến lúc “châu Âu cần học cách tự phòng vệ”, bởi vì Mỹ không đủ khả năng để làm mọi thứ tại châu Âu, tại Thái Bình Dương và cả giải quyết những mối đe dọa khác.
Sau những thúc ép của Mỹ thì dường như châu Âu với sự dẫn đầu của Đức cuối cùng cũng đã quyết định phải làm gì.