Hôm 10/12, hai tiêm kích tàng hình F-35 trong số 72 chiếc mà chính phủ Australia ký hợp đồng mua đã đến căn cứ không quân RAAF Williamtown, bang New South Wales, Australia. Sự kiện này đánh dấu cột mốc mới trong chương trình hiện đại hóa quân sự của Canberra, South China Morning Post đưa tin.
Chính phủ Australia đã chi 17 tỷ USD để mua 72 tiêm kích F-35. Tuy nhiên, tổng số tiền cho chương trình có thể cao hơn và chi phí vận hành, bảo trì chưa thể ước tính được con số chính xác. Bản chất của chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 là chưa thể xác định giá cuối cùng, hay chi phí vận hành, bảo trì. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy cho các quốc gia mua sắm F-35 khi luôn ở thế bị động.
|
Tiêm kích tàng hình F-35 đầu tiên của Australia tại căn cứ không quân Williamtown. Ảnh: EPA. |
Khoản đầu tư đầy rủi ro
Khi chính phủ Australia lên kế hoạch mua tiêm kích tàng hình F-35, nhiều nhà phê bình, quan chức đã chỉ trích kế hoạch này. Lịch sử mua sắm quốc phòng của Australia từng cho thấy việc không ước tính được chính xác chi phí vận hành đã dẫn đến hệ lụy khi đưa thiết bị mới vào vận hành.
Việc mua sắm F-35 có thể lặp lại vấn đề này. Những người chỉ trích dự án đã trình các báo cáo về chậm trễ trong việc nâng cấp sân bay và cảnh báo về sự thiếu hụt phụ tùng thay thế cho F-35.
Hai chiếc F-35 vừa được chuyển đến Australia được cho là những chiếc đã tham gia đợt bay biểu diễn tại triển lãm hàng không Avalon, bang Victoria vào đầu năm 2017. Một số nhà phân tích quân sự cho rằng 2 chiếc giao hàng đầu tiên này khó có thể hoạt động chiến đấu đầy đủ.
Chúng được nhà sản xuất Lockheed Martin giao cho Không quân Australia như một động thái để trấn an khách hàng về việc đảm bảo tiến độ giao hàng. Nhà sản xuất có thể sẽ giới hạn năng lực máy bay trong vai trò huấn luyện, giúp phi công làm quen với máy bay mới.
JSF là chương trình phát triển máy bay quốc tế với sự tham gia của các nước đối tác gồm Anh, Italy, Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia. Quyết định tham gia vào chương trình JSF của chính quyền Thủ tướng John Howard vào năm 2002 đã bị chỉ trích nặng nề, vì vội vàng và không đưa ra những điều chỉnh kịp thời khi chương trình chậm tiến độ và tăng chi phí.
Nhiều tiền và lắm tiếng
Chương trình JSF được chế tạo với 3 phiên bản, gồm F-35A tiêu chuẩn dùng cho không quân, F-35C dùng cho hải quân và F-35B cất hạ cánh thẳng đứng dùng cho thủy quân lục chiến. Nhà sản xuất giới thiệu F-35 là chiến đấu cơ tiên tiến nhất từng được chế tạo.
|
Hai phi công Australia chụp ảnh trước tiêm kích F-35 vào năm 2017. Nguồn ảnh: News.com.au. |
Tuy nhiên, chương trình JSF đang đối mặt với nhiều chỉ trích về chậm tiến độ, lỗi kỹ thuật và phát sinh phi chí. Chương trình JSF bắt đầu phát triển mẫu thử nghiệm từ năm 2001 và liên tục bị cản trở bởi các vấn đề kỹ thuật. Ngân sách cho chương trình đã vượt quá 70% so với dự toán ban đầu.
Những chiếc F-35 đầu tiên dự định đưa vào hoạt động trong quân đội Mỹ từ năm 2012, nhưng mãi đến năm 2016, phi đội F-35 đầu tiên mới được đưa vào vận hành. Tuy vậy, phi đội F-35 đầu tiên bị hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định do phần mềm chưa được cập nhật đầy đủ.
Chi phí phát triển đã tăng từ 233 tỷ USD dự toán ban đầu lên 400 tỷ USD. Tổng chi phí mua sắm và vận hành cho chương trình lên đến 1.500 tỷ USD, đưa nó trở thành chương trình phát triển máy bay đắt đỏ nhất lịch sử thế giới.
Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) dự kiến vận hành phi đội F-35 đầu tiên vào năm 2020 với khoảng 30 chiếc. Dù rất đắt đỏ, song F-35 lại chưa cho thấy được nó “đáng đồng tiền bát gạo”. F-35 đã tham chiến lần đầu tại chiến trường Afghanistan nhưng chỉ với nhiệm vụ chống khủng bố, nhiệm vụ mà các chiến đấu cơ thế hệ cũ như F-15, F-16, thậm chí A-10 đã làm rất tốt với chi phí phải chăng.
Tính năng được đánh giá cao trên F-35 đó là khả năng tàng hình, đó cũng chính là lý do khiến nó trở nên đắt đỏ. Tuy vậy, hiệu quả của công nghệ tàng hình đến nay vẫn rất mơ hồ, dù công nghệ này là xu hướng “hot” trên thế giới.
Một vấn đề khác khiến chương trình JSF tiềm ẩn nhiều nguy cơ là nhà sản xuất vừa chế tạo máy bay vừa sửa lỗi và các thiết bị, phần mềm có thể chưa bao giờ được thử nghiệm đầy đủ trước khi trang bị cho máy bay.
Mời độc giả xem video: Cận cảnh bộ đôi tiêm kích F-35A của Không quân Hoàng gia Australia. (nguồn Không quân Australia)