Việt Nam nên nâng cấp xe tăng T-54/55 hay mua mới T-90?

Google News

(Kiến Thức) - Để tăng cường sức mạnh lực lượng tăng – thiết giáp, Việt Nam nên nâng cấp T-54/55 đã cũ, hay mua mới T-90S hay là mua cũ xe tăng T-64/72/80?

Xe tăng T-54/55 thuộc thế hệ xe cũ, lạc hậu nhưng hiện vẫn chiếm số lượng rất lớn trong trang bị của lực lượng Tăng – Thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Đối với những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh họ đã thay thế (hoàn toàn hoặc một phần) T-54/55 bằng những loại xe mới, hiện đại hơn, nhưng với nhiều nước nền kinh tế đang phát triển, ngân sách hạn chế thì lại chọn cho mình phương án nâng cấp để tiếp tục sử dụng.
Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng trên thế giới đã đưa ra rất nhiều gói nâng cấp nhằm tăng cường sức mạnh cho những “con cua đồng” thuộc hàng cóc cụ.
 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55M3. Ảnh: TTVOL
Việt Nam có nên nâng cấp toàn bộ T-54/55?
Trong những năm gần đây, Israel giúp đỡ Việt Nam thực hiện dự án nâng cấp thử nghiệm xe tăng T-55M3. Theo chương trình truyền hình QĐND thì mẫu xe này đã hoàn thiện và thực hiện thử nghiệm trên thực địa, bao gồm cả bắn đạn thật.
Quan sát hình ảnh về mẫu xe tăng T-55M3 nâng cấp và qua thông tin từ báo chí quốc tế, điểm cải tiến chính trên T-55M3 dành cho Việt Nam gồm:
- Thay pháo chính D-10T2S 100mm trên T-54/55, T-55M3 được trang bị pháo nòng xoắn 105mm M-68 mạnh hơn với khả năng bắn chính xác hơn nhờ hệ thống ngắm bắn tiên tiến.
 T-55M3 bắn thử pháo 105mm.
Pháo M-68 có khả năng bắn được các loại đạn hiện đại gồm: đạn xuyên giáp dưới cỡ M-246, đạn xuyên lõm M-456. Cả hai loại đạn này có khả năng xuyên hơn 450mm giáp đồng nhất ở cự ly 1.000m. Ngoài ra còn bắn được đạn phá hủy vật liệu và sát thương APAM.
Tuổi thọ của nòng pháo cao M-68 cũng cao hơn pháo D-10T2S (hơn 1.000 phát bắn), thời gian thay nòng pháo chỉ mất 20 phút.
- Xe được lắp giáp phản ứng nổ Blazer cung cấp khả năng bảo vệ tương đương 450mm RHA, được trang bị thêm các ống phóng đạn khói và 1 khẩu cối 60mm để đối phó với các mục tiêu bị che khuất.
- Công suất động cơ được tăng từ 520 lên 580 mã lực.
 Cận cảnh khẩu súng cối 60mm trên tháp pháo T-55M3.
Tuy nhiên, giá thành nâng cấp 1 chiếc xe tăng T-54/55 lên T-55 M3 ước tính khoảng 800.000 USD. Đây là một mức giá không dễ chịu chút nào.
Mặc dù có mức giá “chát” như vậy nhưng có thể thấy sức chiến đấu của xe không được tăng lên tương xứng, pháo M-68 dựa trên nguyên mẫu L7 của Anh ra đời cách đây nửa thế kỷ đã lạc hậu, mặc dù được trang bị các loại đạn mới nhưng vẫn không thể bắn thủng giáp trước của các loại tăng hiện đại, quá yếu so với những phiên bản T-54/55 nâng cấp với pháo 125mm, còn để yểm trợ bộ binh, đối đầu với lô cốt và công sự bê tông thì pháo D-10T2S cũ vẫn làm tốt nhiệm vụ.
Giáp phản ứng nổ Blazer trang bị cho xe là loại đời đầu, khả năng khá hạn chế chỉ có thể chống lại đạn xuyên lõm chứ không thể chống đạn xuyên động năng như giáp kontakt 5 (Nga phát triển). Qua những phân tích trên có thể thấy phương án nâng cấp T-54/55 theo chuẩn M3 còn quá nhiều hạn chế.
Có lẽ chính vì thế mà dường như dự án nâng cấp T-55 Việt Nam hợp tác với Israel đã ngừng lại khá lâu.
Hay mua mới T-90S
Xe tăng T-90S là phiên bản cải tiến toàn diện của dòng xe tăng nổi tiếng T-72 thời Chiến tranh Lạnh, là xe tăng có sức mạnh chiến đấu lớn nhất của Lục quân Nga hiện nay.
T-90S được trang bị pháo nòng trơn 2A46M 125mm với hệ thống nạp đạn tự động có khả năng bắn tất cả các loại đạn từ đạn xuyên lõm, đạn xuyên động năng cũng như đạn nổ phá mảnh chống bộ binh. Đặc biệt T-90S còn được trang bị đạn tên lửa AT-11 Sniper tầm bắn 100-6.000m mang đầu nổ kép có khả năng xuyên vỏ giáp dày 750mm. Nhờ hệ thống ngắm bắn tự động PNK-4S, T-90S có khả năng phát hiện và tác xạ mục tiêu ngay trong hành tiến hay đêm tối với độ tin cậy cao.
 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.
T-90S có hệ thống phòng vệ chủ động và bị động tối tân, ngoài cùng là hệ thống cảnh báo và đối kháng quang điện tử Shtora-1 gồm 2 thiết bị gây nhiễu dẫn bắn hồng ngoại tuyến, 4 thiết bị cảnh báo bị ngắm bắn lazer, thiết bị phóng đạn khói tạo màn chắn.
Lớp phòng vệ giữa là giáp phản ứng nổ thế hệ 3 kontakt-5 được thiết kế thành từng khối ghép quanh và trên nóc tháp pháo nhằm chống đạn xuyên giáp bắn thẳng và đạn tên lửa xuyên nóc, bổ sung cho lớp giáp phản ứng nổ phía trước tháp pháo còn có các phiến giáp liên hợp vỏ thép.
Và lớp phòng vệ trong cùng của T-90 là vỏ giáp phức hợp nhiều lớp thế hệ 3. Xe còn được trang bị hệ thống phòng vệ xạ-sinh-hoá và bộ quét mìn KMT.
T-90S có động cơ diesel đa nhiên liệu 1.000 mã lực cho tỷ lệ công suất trên trọng lượng đạt 21,5 mã lực/tấn, xe tăng có thể đạt vận tốc lớn nhất trên đường bằng lên tới 70km/h.
 T-90S vừa bay vừa bắn.
Có thể thấy, sức mạnh của T-90S vượt trội rất nhiều lần so với nguyên bản T-54/55 hay T-55 M3 đang được trang bị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp, có tin Việt Nam đã đặt mua một lượng nhỏ xe tăng T-90S nhưng trở ngại lớn nhất cho kế hoạch này chính là giá thành của T-90S quá cao lên tới xấp xỉ 4 triệu USD/xe.
Trong tình hình Việt Nam đang dồn lực đầu tư cho không quân, hải quân thì việc mua sắm số lượng lớn T-90S để hiện đại hóa binh chủng tăng – thiết giáp là khó xảy ra.
Phương án khả thi nhất
Vào năm 2005, có tin Việt Nam đã liên hệ với Ba Lan để mua lại 150 xe tăng T-72M1 đã qua sử dụng, tuy nhiên vào giờ chót thương vụ này đã không thành. Một trong những lý do có thể là giá thành của những chiếc tăng cũ này vẫn khá cao, khoảng 1 triệu USD/chiếc, trong khi đây cũng chỉ là phiên bản giản lược để xuất khẩu đã khá cũ và chưa hề được nâng cấp như những phiên bản T-72 sau.
Gần đây, có tin Ukraine đã bán cho Congo 50 xe tăng T-64BV1 lấy từ kho dự trữ với giá sau khi đã nâng cấp chỉ là 300.000 USD. Xe tăng T-64BV1 sau khi nâng cấp được đánh giá có khả năng chiến đấu ngang ngửa với T-80U và vượt trội hẳn so với T-72M ở hỏa lực và khả năng bảo vệ.
Xe tăng nâng cấp được trang bị pháo 125mm 2A46 với hệ thống nạp đạn tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho phép bắn được tất cả các loại đạn và tên lửa chống tăng như trên T-90S.
 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BV1.
Xe tăng cũng được trang bị giáp thô phức hợp nhiều lớp, có khả năng trang bị thêm kontakt-5 cũng như hệ thống phòng vệ chủ động Shtora hay Arena, đặc biệt theo yêu cầu của khách hàng xe tăng có thể được thay động cơ tua bin khí rất hao nhiên liệu bằng động cơ diesel 6TD 1.000 mã lực kinh tế và ổn định hơn.
Hiện nay trong kho dự trữ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (nhất là Ukraine) còn cất trữ rất nhiều xe tăng dư thừa thuộc các dòng T-64 và T-80, nguồn cung là rất dồi dào và đây đều là những xe tăng có khả năng hiện đại hóa lớn.
So sánh T-64BV1 với T-55 M3 thì rõ ràng với mức giá chỉ bằng hơn 1/3 nhưng lại có một xe tăng mạnh mẽ hơn hẳn, chưa kể nếu như hiện đại hóa tăng – thiết giáp theo hướng này thì còn có thêm một cơ số khá lớn T-54/55 dành cho lực lượng dự bị bên cạnh những chiếc T-64BV1 dành cho trực chiến.
So với phương án mua mới T-90S thì để mua 1 tiểu đoàn 31 xe, ngân sách sẽ phải chi ra trên 120 triệu USD, với số tiền này có thể mua được tới 400 xe tăng T-64BV1 đủ thay trang bị cho 4 lữ đoàn. T-64BV1 còn thua kém T-90S nhưng không thua kém nhiều và có thể dùng số lượng bù lại phần thua kém về chất lượng đó.
Có thể nói, qua các phương án trên thì việc mua lại xe tăng T-64BV1 đã qua sử dụng của Ukraine là khả thi nhất với tình hình Việt Nam hiện nay.
Bạch Phạm

Bình luận(0)