Vợ vô duyên khiến chồng nhiều phen muốn… độn thổ

Google News

Phải chi Hạnh chịu dừng lại một chút trong mọi câu chuyện, thì lời chia sẻ hay câu chuyện vui của cô đã không làm phiền lòng hoặc gây thương tổn người khác.

Ngày trước, Hạnh hớp hồn Nguyên nhờ ánh mắt trong veo, tính tình ngay thẳng, cách nói chuyện thân tình, hài hước. Nguyên thuộc týp đàn ông không ưa kiểu cách, sống tình cảm, chân thành. Người thâm trầm, người hoạt bát, như một cặp trời sinh khi cưới nhau, Nguyên tự hào nói vậy. Nhưng đến giờ, nhắc đến những ưu điểm đã cưa đổ mình, Nguyên lại ngán ngẩm kết luận “cái gì cũng có sai số, mà khổ nỗi, nhiều khi sai một ly, đi cả dặm”.
Phần Hạnh, xưa giờ cô vẫn là người phụ nữ khéo dẫn chuyện, dễ hòa đồng với mọi người. Mỗi lần đến thăm họ hàng hay bạn cũ, Nguyên rất yên tâm về khả năng hòa nhập của vợ. Đến đâu, gặp ai, Hạnh cũng có đề tài để hào hứng chuyện trò, nên nhiều người thích xúm xít bên cô. Mỗi khi có giỗ, nhà chồng luôn mong Hạnh về góp chuyện để thêm rôm rả. Mấy chị bên chồng khen Nguyên khéo chọn vợ, vì “ở đâu có nhỏ Hạnh là ở đó chỉ có vui trở lên”. Nhưng, chính sự nhanh miệng đó của Hạnh đã làm Nguyên nhiều phen muốn… độn thổ.
 Ảnh minh họa.
Hôm thôi nôi đứa con trai đầu lòng, Nguyên lo liệu việc ở nhà trên xong, mon men xuống chào “nhà bếp”. Vừa tới ngưỡng cửa, chưa kịp cất tiếng, đã có mấy chị nhìn anh cười tủm tỉm. Đang lơ ngơ chưa hiểu chuyện gì, Nguyên đã nghe tiếng Hạnh nơi góc bếp, đang say sưa miêu tả bộ dạng say khướt của chồng đêm trước. Trong phút đứng hình, Nguyên nghe lại nguyên xi những lời ngọt ngào mình nói với vợ trong cơn say, qua giọng giễu nhại của Hạnh. Sau này nhớ lại, Nguyên vẫn ước gì lúc đó mình đã kịp đằng hắng một tiếng để vợ nhận ra mình mà… cụt hứng, không kể nữa.
Nhưng vì quá ngượng, Nguyên lẳng lặng đi lên nhà trên, bỏ mặc hình ảnh của mình đang được nguệch ngoạc vẽ lại bằng giọng điệu tấu hài của vợ. Khi Nguyên đem chuyện đó ra trách, Hạnh hồn nhiên: “Chỉ là em góp chuyện cho vui. Vui xong rồi hết, anh để ý làm gì!”. Chưa kể, có lần Nguyên ngượng chín mặt ngay nhà sếp, cũng vì cái tật hay nói của vợ.
Hôm hai vợ chồng sang thăm chơi, sếp hào hứng mang hũ rượu ngâm nhung hươu ra khoe, còn hào phóng định chiết ra tặng hai vợ chồng một chai nhỏ. Sếp vừa nói mấy câu kể về sự quý hiếm của loại rượu này, Hạnh đã nhảy vào, thuyết minh một tràng về nhung hươu. Sếp… tắt đài, ngồi im re, chỉ hưởng ứng bằng vài cái gật đầu. Rồi Hạnh phán một câu xanh rờn: “Cái này trên quê em người ta hay săn được lắm! Vài bữa về quê nhất định em sẽ tìm mua rồi mang xuống biếu anh!”. Nguyên vuốt mặt không kịp, nhưng đành bất lực vì Hạnh “bắt được đài” là nói liền tù tì, không ai ngăn lại được.
Một buổi chiều thảnh thơi, hai vợ chồng rủ nhau sang thăm người chị sống đơn thân ở vùng ven thành phố. Vừa lúc gặp chị loay hoay định trèo lên sửa ống nước, Nguyên giành cái ghế, trèo lên sửa thay. Đứng trên cao, Nguyên suýt... té khi nghe vợ đối đáp với chị. Hạnh bắt chuyện: “Nhà không có đàn ông thiệt cực quá chị Hai ha!”. Chị Hai mỉm cười, không đáp. Hạnh hồn nhiên tiếp: “Chị giỏi thiệt, chứ như em, chắc em sống không nổi quá, gì thì gì, nhà cũng phải có đàn ông mới được!”.
Chị Hai gượng gạo, móc điện thoại ra gọi cho con trai, như để lảng tránh đề tài của Hạnh. Xong, chị quay qua, thở dài: “Con cái vậy đó, đi học về là đi chơi luôn, không buồn cơm nước gì hết”. Nguyên chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì vợ tỉnh queo: “Vầy sao được! Tới bữa thì phải về ăn cơm chứ. Đó, không có cha nó, mình khó dạy lắm chị ơi!”. Rồi Hạnh tiếp tục dẫn chứng chuyện của một đứa con không cha hư hỏng gần nhà, như gián tiếp tiên đoán viễn cảnh của chị - một người phụ nữ không chồng và một đứa con trai vô tâm. Tới đây thì Nguyên điếng người. Chị Hai ngồi thẫn thờ, không đáp. Nguyên sửa ống nước xong, định nói gì đó để đổi đề tài, xoa dịu chị, nhưng chị ngồi với vẻ lặng lẽ và xa cách quá. Buổi chiều hôm ấy vì thế mà trĩu nặng lòng Nguyên, dù Hạnh vẫn cứ nói huyên thuyên.
Trên đường về, trong lúc Nguyên mãi nghĩ cách nói thế nào đó thật dễ nghe, để phân tích cho vợ thấy sự trớ trêu của tình huống vừa rồi, thì Hạnh lại khều khều chồng, đề nghị nghĩ cách giúp chị. Những trách móc tự nhiên bay biến, Nguyên chỉ còn thấy thương người vợ nhiệt tình, dại dột. Phải chi Hạnh chịu dừng lại một chút trong mọi câu chuyện, thì lời chia sẻ hay câu chuyện vui của cô đã không làm phiền lòng hoặc gây thương tổn người khác, dù rằng trong mọi câu chuyện, những gì Hạnh nói cũng chỉ từ lòng tốt mà ra.
Theo Phụ Nữ Online

Bình luận(0)