Hôm tôi ghé nhà chị chơi, chuyện đang dở thì Hạnh - con gái chị về, mặt mày ủ dột: “Ảnh lại đến cơ quan “cắm chốt”, hai ngày nay không chịu về”.
Chị hỏi, con gái “khai”, vợ chồng đã có một trận cãi nhau to, rồi phán: “Ảnh nghĩ sao chứ con thấy mình không sai gì hết”.
Con gái chị lập gia đình đến nay được chín năm, có đứa con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng trước là bạn học ở lớp trung cấp kế toán. Tốt nghiệp, Hạnh về giúp mẹ quán xuyến vựa ve chai lớn của gia đình, còn Tân - chồng Hạnh - làm kế toán cho một bệnh viện. Mấy năm trước, Tân đăng ký theo học các khóa bổ túc chuyên môn, rồi thêm khóa đại học tại chức nên ngày càng giỏi giang, nay đã được đề bạt lên chức kế toán trưởng. Tôi nhớ, chuyện học hành của Tân hồi ấy cũng là đề tài khiến mẹ con chị lời qua tiếng lại.
Chị nói: “Nhà này tiền không thiếu, học làm chi? Mai mốt chữ nhiều, về nó xách mé cho xem. Hơn nữa, nó ngày làm đêm học, thời gian đâu chăm lo gia đình”. Hạnh phản pháo: “Tiền không thiếu nên con mới cho ảnh học”. Sau này, thỉnh thoảng tôi nghe chị gọi điện, than: “Thằng Tân từ ngày lên chức, hay chê vợ ăn nói hàm hồ, nói không biết uốn ba tấc lưỡi. Hai đứa nó cứ ba ngày cãi trận nhỏ, bảy ngày cãi trận to chỉ vì nguyên nhân đó”.
|
Ảnh minh họa.
|
Hạnh khẳng định đợt gây nhau vừa rồi là do chồng… nhạy cảm. Hôm ấy sinh nhật Tân, tổ chức tại nhà. Khách khứa ai cũng mang theo quà cáp, Hạnh thấy vậy, lên tiếng: “Đến ăn là được rồi. Tụi này đâu có thiếu thứ chi, đâu có cái gì là không mua được”. Rồi đợi khách khứa ngồi hết vào bàn, Hạnh chỉ mâm cỗ, không ai hỏi nhưng giải thích: “Toàn đặt nhà hàng Q. mang đến đó. Ở đây, không biết có ai đến nhà hàng Q. chưa, ngon hết biết”.
Mọi người nhìn nhau cười. Chẳng hiểu nghĩ gì Hạnh nói thêm: “Q. ngon nên đắt đỏ, ăn một lần nhớ suốt đời đó nghen”. Nghe vợ líu lo, Tân đỏ mặt, ghé tai nói nhỏ: “Bớt lời đi em!”. Hạnh nhìn quanh, thấy ai nấy đều cười cười gượng gạo, nhận ra sự thô lỗ của mình nên có phần dè dặt hơn.
Thế nhưng, sự tự nhiên của buổi tiệc trở lại chưa lâu thì Hạnh oang oang: “Chết, lại con gái à. Bạn sinh toàn “vịt”, biểu sao chồng chung thủy cho được, ổng phải ra ngoài kiếm con trai chớ!”. Sẵn trớn, Hạnh quay sang chồng rồi nhìn mấy ông, hùng hồn: “Đàn ông các anh, ai ở đây chưa có con trai thì nói… chồng em chỉ cho, chứ đừng đợi vợ sinh con một bề rồi chán ngán nhé”.
Hạnh nghĩ lời nói đùa của mình sẽ góp vui để buổi tiệc thêm phần xôm tụ, nhưng chẳng ai vui nổi. Tân thấy vậy, vờ đụng tay, ý muốn ngắt lời nhưng đang ngon trớn, Hạnh không ngừng được: “Nói chứ, mọi giá phải có con trai, không con trai là dở lắm, có lỗi với tổ tiên”. Hạnh vừa dứt câu, cô đồng nghiệp của chồng xin phép ra về.
Đợi khách khứa về hết, Tân mắng vợ: “Cô ăn nói như người mất trí. Bẽ mặt thật!”. “Con này mất trí vì nó lo kiếm tiền nuôi cái trí của anh đấy”, Hạnh bực bội đáp. Thế là vợ chồng gây nhau.
Thực ra, Tân biết tính vợ nghĩ gì nói nấy, thấy sao nói vậy, chứ không hề ác ý, không cố tình làm phiền lòng hay đụng chạm ai. Nhưng cứ “thẳng tưng” như vậy sẽ thành vô duyên, lố bịch và khó tránh gây thương tổn, xúc phạm người khác. Tân phân tích, nhắc nhở thường xuyên nhưng dường như Hạnh không chịu thẩm thấu, cứ khăng khăng: “Em nói có sai đâu”.
Chị nghe chuyện con gái, thấy nóng mặt, “độp” luôn: “Ngu thì ráng chịu. Hồi đó, tao kêu đừng cho nó ăn học nhiều, về nó lấy chữ nghĩa đập vô mặt, dạy này răn kia. Giờ khổ chưa con!”. “Biết vậy, ngày xưa con lấy luôn thằng phụ hồ, ông xích lô gì đó làm chồng như cô Bảy đây, dễ bảo dễ sai heng cô Bảy”, Hạnh thở dài. Tôi giả lả cười, không biết nói sao...
Hôm qua có điện thoại, đầu dây bên kia, giọng mẹ con chị tranh nhau léo nhéo: “Đi đánh ghen Bảy ơi!”, “Cô Bảy ơi cứu con!”. Hóa ra, họ nghe đồn Tân có bồ là cô gái làm ở quán cà phê X. Chúng tôi tìm đến quán. Sợ mẹ con chị nóng giận có những hành xử sai nên tôi cố sức khuyên lơn họ cứ bình tĩnh, vờ làm khách để nói chuyện với cô ấy, dò đoán xem sao. Chừng xong chuyện ra về, để ý thấy Hạnh vui vui, điệu bộ thủng thẳng nên tôi hỏi. Hạnh trả lời: “Chắc ảnh tới uống cà phê thường xuyên rồi bị đồn đại, chớ con nhỏ đó quê mùa, xấu hoắc. Con thấy nó không đáng “xách dép” cho cô Bảy, huống hồ con”. Tôi nghe mà dở cười dở mếu. Mẹ con chị đã không nhận ra, cô bé kia tuy không đẹp, nhưng giọng nói ngọt ngào, giao tiếp có duyên, khéo léo và chừng mực, rất thuận lòng người tiếp chuyện. Đôi khi, cái đàn ông cần, chỉ bấy nhiêu.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: