Có nhiều người phụ nữ vốn xinh đẹp, tự tin, thông minh, được học hành tử tế và tràn đầy mơ ước thuở mười tám, đôi mươi. Nhưng rồi, không ít người trong số họ đã trở thành những người đàn bà xác xơ, tàn tạ, tuyệt vọng và hoàn toàn quên mất con người tuổi trẻ của mình. Chỉ vì chồng họ luôn nghĩ “vợ mình chẳng ra gì” và luôn mồm chê bai vợ. Ít ai biết rằng, đây cũng là một dạng bạo hành.
“Với chồng – mình là ai?”, là câu hỏi day dứt mãi trong tâm trí chị Thoa (ở Tiền Hải, Thái Bình). Anh chị lấy nhau gần 20 năm nay, nghe lời anh chị bỏ việc công nhân nhà máy may, ở nhà phụ giúp chồng làm nghề cơ khí. Cũng từ đó, chồng chị luôn nghĩ rằng vợ mình là người ăn bám. Sự lệ thuộc về kinh tế đã khiến chồng chị Thoa biến vợ mình thành người “vô dụng, thấp hèn, không đáng được tôn trọng và tin cậy”.
Sau bữa cơm trưa, mọi người lục tục rời mâm. Chị Thoa nán lại thu dọn bát đĩa gọn gàng xong và gọi: “Ngọc ơi, con ra rửa bát”. Vừa dứt lời, chồng chị chặn luôn: “Mày làm gì mà không rửa bát? Ngồi cứ như bà chủ”. Không muốn cãi nhau với chồng, để các con nghỉ trưa rồi đi học, chị Thoa nín nhịn. Nhưng “cục tức” trong chị cứ ấm ách.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy không nói ra, đầu chị chứ quẩn quanh mãi với suy nghĩ: “Mình là thứ gì trong nhà này đây?”. Hình như chồng chị đang hằn lên tâm hồn non nớt của các con, hình ảnh về một người mẹ “bất tài, vô dụng”. Cảm giác bị chồng khinh bỉ, coi thường khiến chị Thoa nghẹt thở, day dứt không yên. Chị ghê sợ những lời chỉ trích và phán xét của anh – có cái gì đó rất vô hình, quái ác, đeo bám, dồn ép chị…
“Tôi có mặc cảm anh không tin tưởng tôi, tôi tự thu mình lại. Những trăn trở, vui buồn, tôi không tìm đến anh để sẻ chia. Những va vấp và chống chếnh, tôi không tìm đến anh để được an ủi và nương tựa… Trong tôi luôn có mặc cảm “bị chồng chê”, chị Thoa nói…
Chị Huyền ở Phúc Thọ, Hà Nội cũng có những nỗi niềm riêng. Chồng là cán bộ ở một cơ quan huyện, chị ở nhà bán hàng tạp hóa. Chồng chị luôn cho rằng, vợ mình không làm được việc gì lớn, chỉ loanh quanh chăm sóc con cái, nhà cửa và cái cửa hàng nhỏ là tốt lắm rồi. Nhưng chị Huyền không thích sống dựa, chị muốn được là chính mình. Về kinh tế, chị kiếm tiền không thua anh, về con cái, chị chăm sóc và dạy dỗ chúng nhiều hơn anh.
Chị Huyền nhớ lại, khi Nhà nước có chính sách, người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông phải có bằng lái, chị cũng muốn tập đi để chủ động trong công việc. Hơn nữa, nhà có xe máy lâu rồi, đi đâu chị cũng phải nhờ chồng chở. Có lúc anh đi công tác dài ngày, chị muốn đi đâu cũng khó.
Lúc đầu nghe vợ nói vậy, anh gàn: “Sức khỏe em không tốt, đi xe máy làm gì?”. Và mỗi lần chị dắt xe ra cổng là anh nổi đóa: “Biết cái gì mà cũng đòi đi xe… Đi để làm gì… Có mỗi cái tạp hóa bé tí, buôn to bán lớn gì hay làm việc này nọ mà cũng đòi đi xe máy. Đi đâu anh chở đi”.
Với chị lúc ấy, cái xe máy như cái cánh để chị có thể bay nhảy làm những việc mình thích. Vì vậy, những lúc chồng vắng nhà, chị mang xe ra tập. Muốn đi đâu, chị mượn xe em gái để đi. Dần dà, việc đi xe không còn là trở ngại. Chị chủ động đi xa một mình, đèo hàng bằng xe máy. Công việc buôn bán có vẻ thuận lợi và mau mắn hơn.
Đợt ấy, cơ quan chồng tổ chức sát hạch lấy bằng xe máy, mọi người đều đăng ký cho người thân, còn anh, chỉ đăng ký cho con gái (dù lúc ấy cháu mới học lớp 10 và chưa biết đi xe). Mọi người trong cơ quan hỏi: “Sao anh không đăng ký cho chị, mà lại đăng ký cho cháu?”. Anh tỉnh bơ: “Cô ấy không biết đi xe máy”. Thế là chị trở thành người điểu khiển xe máy bất hợp pháp. Lúc ấy “lao động tự do” như chị không dễ lấy bằng lái ngay, phải nửa năm sau chị mới được thi và có bằng.
Câu chuyện “cái bằng lái” trở thành một trong những “mảnh vụn” ghép thành cuộc đời chị Huyền. Sống với người chồng không tin tưởng vợ, đôi khi chị Huyền cũng cảm thấy tự ti, có những việc chị muốn làm và đã làm được, (như chuyện cái bằng lái), nhưng còn rất nhiều việc khác, do sợ đổ bể, không dám đương đầu với thử thách, chị đã để mất nhiều cơ hội tốt cho mình.
Chị Liên, 35 tuổi ở Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tâm sự: 7 năm nay, tôi chưa nhận được một lời khen của chồng dành cho mình. Là một phụ nữ độc lập nhưng tôi lại dần bị động, thiếu tự tin trong đời sống vợ chồng. Anh đã chê vợ quá đà hay tôi là người cả nghĩ? Có chị em nào bị chồng chê tơi bời như tôi không? Nếu có “Hội các bà vợ bị chồng chê bai” giải tỏa stress thì tôi xin được gia nhập với.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Csaga, chị Thoa, chị Huyền, chị Liên chính là nạn nhân bạo lực gia đình, những phẩm chất tốt đẹp của họ bị chính người thân yêu nhất phá hủy, chôn vùi và phủ nhận. Giải thoát mình khỏi những mặc cảm, tìm kiếm lại những cảm giác tình yêu, dám sống với khát vọng, đó chính là hành trình tìm kiếm tự do của mỗi người. Các chị đừng để những lời sỉ nhục, những trận đòn tiêu diệt khát vọng sống của mình nữa. Hãy dũng cảm đứng lên, tìm lại chính tâm hồn, bản thể của mình, bà Vân Anh nói.