Mẹ tôi vốn là người có tính cẩn thận. Bà lúc nào cũng chăm chút, tỉ mỉ từng điều nhỏ nhất trong gia đình. Năm nào cũng vậy, cứ đến 27, 28 Tết là y như rằng mẹ đã chuẩn bị xong xuôi tất cả những thứ cần thiết dành cho Tết.
Chúng tôi là con cái, đứa đi làm xa, đứa thì đi làm cận Tết mới được nghỉ nên cũng không đỡ đần được việc gì cho mẹ cả. Hầu như một mình mẹ chuẩn bị tất cả. Mẹ cười nói: “Các anh các chị cứ lo công việc của mình đi. Mẹ còn khỏe, ở nhà chơi không thì mẹ chuẩn bị được, đợi vài năm nữa đến lúc đó già yếu thì phần các anh chị chuẩn bị hết. Lúc đó, mẹ không lo nữa”.
Chị Hương là dâu cả trong nhà, nhưng kể từ khi về đây làm dâu cũng chưa khi nào phải tự gánh vác công việc Tết nhất, chỉ phụ mẹ chuẩn bị vài đồ linh tinh lặt vặt như đi mua bánh kẹo, nước ngọt…Những thứ như gà để làm thịt, lá làm bánh, đồ cúng, biếu mẹ đã dành thời gian cả tháng trước đó để chuẩn bị.. Mẹ là người chu đáo, tình cảm, lại tâm lí, đối xử với con trai cũng như con gái, con dâu cũng như con rể, bình đẳng hết. Thế nên trong khoản lì xì đâu năm mới, không năm nào mẹ thiếu phần các nàng dâu cũng như các cháu.
|
Ảnh minh họa. |
Mùng 1 Tết đầu năm, gia đình các anh chị em tôi kéo nhau về nhà chúc Tết bố mẹ. Sau khi con cái đã lì xì và chúc Tết bố mẹ xong, mẹ tôi cũng rút những phong bao đỏ, lấp lánh ra để lì xì lấy may. Là người cẩn thận chu đáo, nên mẹ đã viết tên từng đứa một trên phong bao để tránh nhầm lẫn với các cháu. Ai cũng vui mừng phấn khởi, vì mới đầu năm, lớn từng này rồi mà vẫn còn được nhận lì xì. Vợ tôi là người vui hơn cả vì đây là tết đầu tiên của nàng dâu mới. Nàng vừa cười vừa đùa: “Con lớn thế này rồi mà vẫn được mừng tuổi. Chắc là cả năm gặp may mắn lắm đây” . Nàng vui cả buổi cứ cười mãi, tay thì vân vê tấm phong bao suốt.
Sau khi làm cỗ, cũng gia tiên, ăn uống xong, bố mẹ tôi đi chúc Tết hàng xóm xung quanh. Mấy anh chị em thì thu dọn lại cỗ bàn rồi cũng chuẩn bị đi chúc Tết. Chị dâu cả mặt hứng khởi khoe với cả nhà: “Năm nay mẹ mừng tuổi 500 ngàn cơ đấy, mẹ còn chúc anh chị năm mới “mã đáo thành công”, cố gắng dành dụm mua được chung cư này. Chắc là năm nay có lộc rồi đây. Mới đầu năm đã gặp toàn may mắn cả nhà nhỉ”.
Nghe thấy việc mẹ viết cả lời chúc cho từng đứa ở trong phong bao. Vợ tôi cũng nhanh tay bóc tìm lời chúc của mẹ. Trong phong bao của vợ tôi là lời chúc “Năm mới mẹ chúc 2 đứa sớm sinh quý tử” và 200 ngàn. Tôi ngạc nhiên, vì tất cả anh chị em ai cũng là 500 ngàn nhưng riêng phong bao của vợ tôi là 200 ngàn. Không thể có chuyện nhầm lẫn được vì mẹ đã viết tên ngay ngoài bao: “Lì xì con dâu Hoa”.
Vốn cũng không phải là người coi trong những điều đó lắm, nhưng tôi thấy vợ tôi buồn buồn. Chị dâu thứ 2 vốn bỗ bã, nói năng không suy nghĩ, liền buông vài câu đùa: “Chắc cô Hoa lại làm gì làm mẹ phật ý rồi, mẹ giận nên mẹ lì xì ít đấy”. Câu nói của chị làm mặt vợ tôi tiu nghỉu hẳn đi.Tôi cười trấn an vợ: “Chắc là mẹ bỏ nhầm, để năm sau vợ chồng mình đòi bù vậy.”.
Nói là nói thế, nhưng tôi biết vợ tôi buồn lắm, nàng nói nhỏ với tôi: “Hay là em làm gì khiến mẹ phật ý hả anh. Sao mẹ lại phân biệt em khác các chị. Em cũng không quan trọng chuyện tiền bạc đâu, nhưng mà…Có khi nào hôm nọ em làm vỡ cái bình hoa của mẹ, nên mẹ ghét em không”.
Tôi đang suy nghĩ xem giải quyết vấn đề này như thế nào thì bố mẹ đi chúc Tết đã về tới nhà. Thấy không khí trong nhà có vẻ khác lạ, mẹ hỏi: “Có chuyện gì mà mấy đứa mặt buồn thiu thế”. Chị dâu thứ đã kịp nhanh nhẩu: “Mẹ ơi, mẹ bỏ nhầm lì xì hả mẹ, sao em dâu lại chỉ được 200 ngàn mà con với chị cả lại được những 500 ngàn. Chúng con đang thắc mắc mẹ ạ”.
Mẹ nhíu mày,chưa kịp hiểu câu chuyện thì Minh Nguyệt, 7 tuổi (con gái anh cả) vừa khóc vừa mếu chạy vào “bắt đền” bà nội: “ Bà nội thiên vị quá,sao bà lì xì cháu đồng màu xanh mà em Thiên Hoa được đồng màu đỏ đẹp ơi là đẹp. Cháu không biết đâu, cháu bắt đền bà đấy, hu hu …” rồi giơ nhanh 2 cái phong bao, một bên là tờ 500 ngàn một bên là tờ 200 ngàn. Khi ấy cả nhà mới vỡ lẽ, hóa ra cô bé “bắt đền” là vì màu đồng tiền chứ không phải giá trị của đồng tiền. Trong lúc bỏ phong bì, mẹ tôi bỏ nhầm của con dâu và cháu gái. Cả 2 đều tên Hoa, mẹ già rồi nên đôi khi nhầm lẫn là chuyện đương nhiên. Lúc hiểu ra câu chuyện cả nhà cùng phá lên cười.
Mẹ tôi liền rút ngay phong bao khác 200 ngàn lì xì cho Minh Nguyệt. Còn mẹ lại gần ôm vợ tôi một cái và nói: “Cái ôm này trị giá 300 ngàn đồng, con có nhận không?”. Hai mẹ con ôm nhau, vợ tôi thì rơi nước mắt, mẹ thì nở một nụ cười rạng rỡ.
Lì xì từ xưa đã được xem là là một phong tục tốt đẹp của Tết Nguyên Đán. Những phong bao màu đỏ với 1 tờ tiền tượng trưng thường được trao ngày đầu năm mới nhằm mang đến sự may mắn, sức khỏe và những điều tốt đẹp. Nhưng ý nghĩa đó nay đã dần mai một bởi giá trị của tiền bạc chiếm hữu. Cũng may, trong gia đình tôi,chuyện bắt đền lì xì chưa đi quá xa. Những năm sau này,mỗi khi lì xì con cháu mẹ vẫn còn nhớ mãi câu chuyện “bị bắt đền”. Đúng là dở khóc dở cười câu chuyện đầu năm mới.