Chưa đám nào con gái ở Đông Hải lấy chồng lại có lễ đón dâu đông đến vậy. Cả làng thấy lạ, dồn cục ra xem.
Không như người ta nói đông thì vui, mà họ sổ toẹt chẳng cần úp mở: Có mà rủ nhau đi ăn vạ chứ vui vẻ gì. 34 xe máy chở 67 người, vị chi hết 11 mâm cỗ, đông hơn bữa cơm liên hoan của họ nhà gái cả một mâm cỗ dư kia.
Tìm hiểu thì được biết: Cái tập tục ở làng cứ con gái đi lấy chồng là nhà gái xin một khoản tiền mặt, gọi nôm na là “tiền trao, cháo múc”. Khi họ nhà trai đến đón dâu, họ nhà gái mời ăn chung lưng cơm thân mật trước khi tiễn dâu đi. Trai thiên hạ thấy cái hủ tục này quá nhiêu khê đã phản đối, nhưng người làng kiên quyết không bỏ. Họ nói thẳng:
- Đã lấy gái Đông Hải thì phải chấp nhận, còn không thì nghỉ cho khoẻ.
Cũng vì thế mà không ít trai thiên hạ đã phải sống bần cùng vì chuyện lấy vợ ở đây. Mà ông Đặng Văn Thái ở Đông Lâm, bố đẻ của chú rể Đặng Đồng Kiệt hôm nay là một ví dụ.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
|
Những năm tám mươi của thế kỉ trước, kinh tế còn khó khăn lắm, hàng hoá trên thị trường cái gì cũng phân phối, nên dù có tiền cũng chẳng mua được. Khi anh Thái yêu chị Duyên, cả hai nhà đều ủng hộ, nhưng anh Thái vẫn phải theo tập tục Đông Hải, là phải có “đầu lợn quay về”.
Nhà không có tiền, bố mẹ anh phải vay lãi 15% và nhờ vả mua được cái đầu lợn giá cắt cổ. Thế mà khi mang lễ phải giấu giếm, sợ quản lý thị trường bắt được thì mất trắng.
Cưới nhau xong, bố mẹ giao lại khoản nợ, hai vợ chồng làm quần quật mà hàng năm chỉ trả được cái lãi. Khi đứa con gái thứ ba ra đời thì cũng là lúc có khoán 10 trong nông nghiệp; kinh tế phát triển, vợ chồng mới trả xong cái nợ lấy vợ của mười năm trước.
Rồi vợ sinh con trai, nghĩ đến cái nợ lấy vợ, anh Thái đặt tên con là Đồng Kiệt và thề với trời đất là không bao giờ cho con đụng đến gái Đông Hải.
Thời gian qua đi, Kiệt lớn lên đi học và khi trở thành chàng kĩ sư hoá chất làm việc trong nhà máy lọc dầu, thì Kiệt đưa người yêu về trình diện bố mẹ. Trông con bé cao ráo xinh xẻo lại có nghề nghiệp hẳn hoi, bố mẹ Kiệt mừng lắm. Nhất là khi Huệ- tên cô gái vào bếp sắp cơm thì mẹ Kiệt không chê vào đâu được.
Đến bữa ăn nhìn mâm cơm, vẫn những món ăn thường ngày mà món nào trông cũng hấp dẫn. Khi tợp hớp rượu, ông Thái gắp miếng rau muống xào, nó xanh ngon mà thơm nức mùi tỏi, khi đưa vào miệng nhai, ông thấy nó giòn tan, ngọt lịm. Ông chưa kịp khen thì bà đã nhanh miệng:
- Hôm nay cháu Huệ thao tác các món ăn, ông ăn có thấy khác không?
- Ngon, ngon lắm, cháu Huệ nấu ăn giỏi đấy.
Cuộc ra mắt của cô dâu tương lai tưởng như xuôi chèo mát mái, nào ngờ khi biết Huệ là con gái Đông Hải thì ông Thái kêu rỗi ôi thành tiếng. Mặc dù không giữ được lời thề của lòng mình nhưng ông nghĩ phải dậy cho cái hủ tục ở làng này biết thế nào là lẽ phải.
Khi nói chuyện gia đình, ông thông gia miễn tất cả nghi lễ mà chỉ giữ lại cái tập tục cũ của làng là một cái lễ năm triệu đồng tiền mặt.
Nộp tiền lễ xong, ngày cưới của Kiệt, ông Thái huy động người đi đón dâu đủ ăn năm mâm cỗ của họ nhà gái. Ông mạnh miệng:
- Mỗi mâm cỗ 800 ngàn đồng, như thế họ nhà gái vẫn còn lãi một triệu đồng kia.
Nhìn ông Thái vui vẻ tủm tỉm cười, ai cũng nghĩ con trai lấy vợ ông phấn khởi, chứ ai biết ông đang thích thú cái trò "chơi họ nhà gái".
Khi họ nhà trai làm xong mọi thủ tục xin dâu, bố đẻ Huệ đứng lên, ông cười rất vui:
- Thưa các cụ, các ông, các bà theo tập tục: Con gái Đông Hải lấy chồng, họ nhà trai phải đi một cái lễ dẫn cưới, tôi đã làm đúng như thế và đã nhận lễ thắp hương gia tiên, chứ không phải nhận lễ bán con như người đời thêu dệt. Bây giờ mọi thủ tục đã xong, tôi trao lại cho hai con chúng tôi cái lộc này để làm vốn bước vào đời.
Nhìn chiếc phong bì bố Huệ trao cho con cả lễ dẫn dâu cùng cười vui hoan hỉ, chỉ có ông Thái thì toát mồ hôi hột cố làm vui cám ơn họ nhà gái và vội vã xin dâu trở về. Còn các vị khách được mời đi ăn cỗ đòi lễ thì trượt miệng, tiu nghỉu đứng lên, rời họ nhà gái mà buồn như các cậu tú thi trượt về làng.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: