Khéo như... bố chồng!

Google News

(Kiến Thức) - Biết con trai kém khả năng đàn ông, toàn trốn lên lầu ngủ một mình, tâm tính sinh cáu bẳn vũ phu, con dâu nhất quyết bỏ. Ông khuyên giải lần hồi, hai vợ chồng lại đầu gối tay ấp, hòa thuận...

Bị chồng đánh đập tàn tệ, chị Tuyền viết đơn ly hôn, bỏ lại hai đứa con thơ xuống Hà Nội lập nghiệp, nuôi ý định "dứt khoát" với chồng. Nhưng vì sự "mưu trí", khôn khéo của người cha chồng, chị đã quay trở lại. Xuân này các con chị là những đứa trẻ hạnh phúc nhất. Chúng đã lại có mẹ.

"Không có bố chồng tôi chẳng về đâu"

Chuyện trở về của chị Tuyền (Phù Ninh, Phú Thọ) là một "kỳ tích", khó tin đối với những người biết hoàn cảnh của chị. Ai cũng ngỡ, với quyết tâm ngùn ngụt dứt khoát lúc ra đi như thế, dù có đau đáu bởi hai con thơ dại, đứa út còn chưa thôi sữa mẹ, chị Tuyền cũng không đời nào trở về ngôi nhà mà với chị chẳng khác nào địa ngục.

"Tôi viết đơn ly hôn, tự nhủ bằng giá nào cũng không thể làm vợ anh ấy nữa. Anh ấy đánh tôi toác đầu hai lần, phải khâu gần chục mũi. Nhiều lần cầm dao rượt đuổi đòi chém tôi. Còn chuyện chửi bới, tát, đánh đập lẻ tẻ thì không kể hết được. Tất cả cũng chỉ vì ghen vớ ghen vẩn, không hề có chứng cứ. Mà tôi có làm gì nên tội để có chứng cứ. Tôi xuống Hà Nội mấy tháng rồi, định về làm nốt vài thủ tục là xong. Ấy vậy mà bố chồng tôi đã khiến tôi nghĩ lại. Không có ông ấy tôi chắc tôi chẳng bao giờ quay về", chị Tuyền tâm sự.

Tôi tìm gặp bố chồng chị Tuyền, hỏi ông về "bí kíp" đã cứu được một con đập sắp vỡ đến nơi, tưởng chẳng gì có thể cứu vãn được, ông cười nhẹ: "Chẳng có gì đặc biệt cả. Mọi thứ tôi làm đều xuất phát từ tấm lòng thương con thương cháu. Nhìn hai đứa trẻ ngày ngày ngơ ngác vì thiếu mẹ, bố lại thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chúng nó, tôi thấy lòng như xát muối. Đêm đêm vừa vỗ về cháu ngủ, tôi vừa nghĩ cách phải đưa bằng được con dâu trở về.

Các cụ mình có câu "nước chảy đá mòn", thôi thì mình cứ kiên nhẫn thử xem sao. Biết tin con dâu về, đang ở bên nhà ngoại, tôi không gọi, thuyết phục cháu về nhà ngay mà cứ lân la nhờ cậy cháu việc này việc kia. Hôm nay thì nhờ chở bố đi thăm họ hàng ở xa, mai lại nhờ con chở đi chợ, kia nhà có công việc nói con ra nấu nướng hộ... Cứ thế, dần dà để cháu thấy gắn kết trở lại với gia đình nhà chồng và biết được tình cảm của chúng tôi đối với cháu thế nào".

Cháu Tuấn tíu tít khoe cành đào mà mẹ và bố cùng nhau mua. 

Chồng đã chịu... ngủ cùng giường với vợ

Đồng thời với "chiến thuật" làm "mềm lòng" con dâu, bố chồng chị Tuyền cũng làm công tác tư tưởng với anh con trai. "Con trai tôi có bệnh, cháu kém khả năng đàn ông nên ngại ngủ với vợ, toàn trốn lên lầu ngủ một mình. Biết được điều đó tôi khuyên con, vợ chồng ngủ với nhau là tình cảm, đâu phải vì chuyện đó. Cứ tách biệt như thế thì khác gì sống ly thân. Phải ở gần nhau thì mới dễ gần gũi, chia sẻ với nhau được. Đồng thời, tôi cũng khuyên nhủ cháu, cần phải biết trân trọng cái mình đang có. Việc vợ bỏ đi cả nhà đã thấm nỗi khổ rồi. Đừng để điều đó tái diễn nữa".

Và thế là, sau hơn một năm lên lầu ngủ riêng, chồng chị Tuyền đã chịu xuống phòng ngủ cùng giường với vợ. "Từ khi ngủ cùng nhau, mỗi khi anh ấy đau ốm, trái nắng trở trời, tôi thấy yên tâm hơn, kịp thời chăm sóc chồng. Vợ chồng nằm gần nhau, nói dăm ba câu chuyện, dù chẳng phải là cái gì to tát, nhưng tự dưng thấy gắn bó, khác hẳn với cảm giác như người xa lạ trước đây. Và dường như vì vậy mà tính anh ấy cũng thuần hơn thì phải", chị Tuyền chia sẻ.

Cái "thuần" ấy theo chị Tuyền là anh đã không còn giở thói vũ phu như trước. Chị Tuyền cười: "Anh ấy còn biết giúp đỡ vợ việc nhà nữa cơ. Thế mới lạ chứ. Như mấy con gà đêm giao thừa, anh ấy đều mổ giúp tôi đấy. Trước kia thì còn lâu nhé. Chỉ chờ vợ phục dịch thôi".

Chị Tuyền không ngờ, Tết này chị lại được hưởng cái không khí đoàn viên, sum họp cùng gia đình như vậy. Nhưng vui nhất có lẽ phải là hai đứa con của chị. Khi được hỏi, Tết đến, con thích nhất điều gì, cậu bé 5 tuổi đáp rất nhanh: "Con thích nhất là mẹ về, em không khóc nữa".

Nhìn cảnh con dâu và con trai cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa cơm ngày Tết, bố chồng chị Tuyền cười viên mãn. Mọi người đùa ông có "mưu cao" mới đưa được con dâu trở về, nhưng tôi hiểu, cái "mưu" cao nhất của ông là đã khiến các con nhận ra được cái giá của hạnh phúc sau những mất mát, đổ vỡ. Quãng đường phía trước còn dài, nhưng khi có nỗ lực là có quyền hy vọng. Tôi tin thế.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU


Mai Loan

Bình luận(0)