Rụng rời nhìn con nhỏ tập hút thuốc

Google News

Các ông bố "kiên định" với tuyên ngôn "bỏ vợ chứ không bỏ thuốc lá" chắc không ngờ hậu quả: những đứa con ngoan của họ bắt chước hút thuốc.

Lạnh người nhìn con hút thuốc lá
Cho dù chấp nhận thói quen hút thuốc lá ở người lớn như một tồn tại tất yếu, chắc chắn những ông bố bà mẹ tự coi gia đình mình là gia đình nề nếp đều cho rằng, trẻ con hút thuốc lá là hư hỏng, và chắc chắn thói hư tật xấu này chỉ có ở những đứa trẻ thiếu giáo dục hay lông bông, bụi đời. Chị Vy (38 tuổi, sống ở Đống Đa, Hà Nội) cũng thế. Bởi vậy, chị không thể tin nổi khi một lần về nhà sớm hơn dự định và bắt gặp hai đứa con bé bỏng đang truyền tay nhau điếu thuốc lá.
Vy kể: "Hôm đó thứ 7, tôi nói hai đứa con ở nhà, mẹ đi có việc gần trưa mới về. Nhưng sau đó có vài thay đổi nên tôi về sớm. Tôi nghe tiếng bọn trẻ trong bếp nên đi vào đó, thì thấy con chị đang ngồi vểnh mặt lên trời, mắt lim dim, kẹp điếu thuốc vào giữa 2 ngón tay hút, trông thành thạo, sành điệu y hệt bố nó. Thằng em thì háo hức đứng bên cạnh, giục chị nhanh lên, đến lượt em".
Chứng kiến cảnh đó, người mẹ như muốn khuỵu xuống vì sợ hãi, phẫn nộ và thất vọng, mất mấy giây sững sờ mới có thể quát lên. Hai đứa trẻ giật mình, mặt tái mét, vội vàng giật điếu thuốc trên miệng xuống ném vào thùng rác rồi lấm lét nhìn mẹ như chờ đợi sấm sét. Bị mẹ tra hỏi, hai chị em thú nhận đã tập hút thuốc được mấy tháng rồi, thỉnh thoảng ăn trộm được của bố điếu nào là hai chị em rình lúc nhà vắng người để cùng nhau hút.
"Tôi hỏi hai đứa, hút thuốc có ngon không, chúng nó bảo không ngon mẹ ạ, con còn bị sặc nữa. Hỏi không ngon sao còn hút, bảo con không biết, tại con thấy hay hay", chị Vy kể. Chưa bao giờ chị kiên quyết đòi chồng bỏ thuốc lá như hôm đó, khi anh đi làm về: "Anh mấy lần bảo với mọi người là thà bỏ vợ chứ không bỏ thuốc có phải không? Bây giờ hoặc anh bỏ thuốc, hoặc anh bỏ vợ luôn đi, nếu không tôi cũng bỏ anh. Anh hút thêm một điếu thuốc là anh giết các con tôi".
 Ảnh minh họa.
Dù luôn chày bửa và lý sự cùn trong chuyện thuốc lá nhưng trước chuyện vừa xảy ra, chồng Vy cũng lặng người. Hôm đó anh suy nghĩ rất lung và quyết tâm từ bỏ để không làm hại con.
Chuyện trẻ con hút thuốc lá cũng làm chị Diệu, sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, lo lắng dù đứa con duy nhất của chị, năm nay 10 tuổi, không mắc tật xấu này. Chị kể: "Thằng con tôi đi học về kể, hôm nay lớp con có gần chục bạn phải viết kiểm điểm mẹ ạ, 3 bạn vì nói chuyện riêng, 2 bạn đánh nhau trong lớp, 5 bạn vì tội hút thuốc lá. Tôi sửng sốt quá, ở Hà Nội mà cũng có chuyện học sinh tiểu học hút thuốc ngay trong trường sao?".
Thằng bé kể, cô hiệu phó bắt quả tang các bạn đang đứng hút ở góc hành lang gần nhà vệ sinh. Chị Diệu hỏi, mấy bạn đấy chắc là hư lắm, chắc toàn là học dốt nhất lớp, thằng con cãi: "Không phải đâu mẹ, có mỗi một bạn học dốt thôi, mấy bạn kia học giỏi đấy, trong đó có cả bạn Hằng lớp phó nữa". Mẹ choáng toàn tập, lớp phó, lại là con gái, mà cũng học đòi hút thuốc sao?
"Nhưng nghĩ lại, cũng chẳng phải tại mấy đứa trẻ này hư. Chắc chúng chỉ tò mò muốn thử vì thấy người lớn hút. Lỗi là ở người lớn đã làm gương xấu cho trẻ con", chị Diệu nói.
Nỗi oan của con trẻ
Một số đứa trẻ ở tuổi 13 - 14 ở thành phố thú nhận chúng từng thử hút thuốc lá những khi bố mẹ không để mắt tới. "Cháu cũng biết hút thuốc lá không được phép, nhưng thấy bố hút hay quá, nhiều người còn khen bố cháu hút thuốc nhìn đẹp trai, giống diễn viên trong phim. Cháu cũng muốn thử hút cho biết", Bảo Lâm, học sinh lớp 7, Hà Nội, tiết lộ. "Cháu lấy mẩu thuốc hút dở mà bố bỏ đi, vào toilet hút thử, rồi chờ bay hết khói mới ra".
Lâm cho biết, hút thuốc chẳng có gì là ngon, cậu hút trộm vài lần như thế rồi bỏ, không thử nữa. Đa số các cậu bé khác cũng vậy, thử cho biết vài lần rồi thôi, một phần vì không thấy hương vị có gì hấp dẫn, phần khác vì đó là chuyện bị cấm.
Nhưng cũng có những cậu bé dần dần thích thú với chuyện hút thuốc dù không có điều kiện để biến nó thành thói quen, như Phạm Tiến Quyền, học sinh lớp 8, sống ở Lĩnh Nam, Hà Nội. Mỗi lần nhà có giỗ hay liên hoan đông người tụ tập, Quyền thường thích thú nhìn bố, các chú bác và anh họ vừa nói chuyện vừa đốt thuốc tưng bừng, nhiều người còn nhả khói vòng tròn rất điệu nghệ.
Vì thế, Quyền cũng tập hút từ rất sớm, và quyết tâm học bằng được cách nhả khói vòng tròn. Cậu thường lén rút một vài điếu trong gói thuốc của bố khi thuận lợi, cất đi để luyện tập và thưởng thức.
Ở nông thôn, trẻ em hút thuốc tự do thoải mái hơn nhiều bởi không bị quản lý sát sao như trẻ thành thị. Thậm chí nhiều ông bố bà mẹ coi việc đứa con bắt đầu học lớp 9, lớp 10 tập hút thuốc là lẽ đương nhiên vì nó bắt đầu đến tuổi thanh niên. "Ở đây bọn con trai đứa nào chả hút, 15 - 16 tuổi là sắp thành người lớn rồi, hút sớm hay muộn vài năm cũng thế", anh Thành, sống ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, nói khi được góp ý về hai cậu con trai của mình.
Ở quê, gần như quanh năm có đám: đám cưới, đám ma, đám giỗ, đám mừng nhà mới, mừng đỗ đại học, mừng đẻ con trai..., hết nhà này đến nhà khác. Cứ có đám là có thuốc lá, những đứa trẻ tò mò hay thích học đòi dễ dàng lấy mấy điếu, thậm chí thó cả bao, ra một chỗ hút với nhau, nhiều khi người lớn trông thấy cũng chẳng buồn nhắc nhở. Hoàn toàn không có chuyện sốc rồi sững sờ, sợ hãi khi thấy con tập tọng hút thuốc như các ông bố bà mẹ ở các thành phố lớn.
Với những bậc phụ huynh coi con trẻ hút thuốc là chuyện kinh khủng, nhiều khi phản ứng của họ cho thấy họ không nhận thức được ai mới thực sự có lỗi trong chuyện này. Anh Định, kỹ sư xây dựng, từng tát cậu con trai học lớp 8 cháy má khi bắt quả tang thằng bé hút thuốc. "Đồ mất dạy", anh mắng. Còn thằng bé thì ấm ức thổ lộ với bà nội: "Bố cũng hút thuốc, thế mà lại đánh con. Hút thuốc có hại cho sức khỏe của cả người lớn nữa chứ".
Quả thật, dường như không có bậc phụ huynh nào tự thấy vô lý khi thay vì làm gương cho con trong việc làm điều tốt, tránh điều xấu thì trong chuyện thuốc lá, họ lại coi việc xấu đó là đặc quyền của người trưởng thành. Thường khi tự cho phép mình làm những chuyện "không tốt lắm" mà con trẻ không được phép, người lớn thường lý giải rằng vì đã trưởng thành, họ đủ bản lĩnh để tự giữ mình, không bị cái xấu đó ảnh hưởng, còn trẻ con không có khả năng đó.
Nhưng với chuyện hút thuốc, rõ ràng hầu hết nạn nhân của bệnh ung thư phổi do khói thuốc lá là người lớn, kẻ bị hủy hoại răng miệng, hỏng hết tim mạch, bị hủy hoại khả năng sinh sản do thuốc lá cũng là người lớn. Nghĩa là xét về khả năng bảo vệ mình trước tác hại của thuốc lá khi sử dụng nó, họ chẳng hơn gì trẻ em. Chẳng qua, là người lớn, họ có quyền làm những gì mình thích và không đủ bản lĩnh để từ bỏ những sở thích có hại.
Có điều, không nhiều người hút thuốc chịu nghĩ một cách nghiêm túc rằng, sở thích đó không chỉ hại bản thân họ, mà còn gây nguy hiểm cho chính con cái mình qua hai phương diện: trẻ bị hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc, điều đã được chứng minh là có hại không kém việc trực tiếp hút), và trẻ tập nhiễm thói quen hút thuốc.
Thật tội và oan ức cho bọn trẻ nếu chúng bị mắng là hư hỏng do bị bắt gặp hút thuốc lá trong khi người lớn ngang nhiên làm việc ấy trước mặt chúng, khiến chúng mặc nhiên coi như đó là một thú tiêu khiển thú vị, một cách thể hiện sự sành điệu, một quyền lợi mà chúng sẽ được hưởng khi đến tuổi trưởng thành.
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)