Bà mẹ sinh viên
Trong phòng trọ 15m2 gần trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Mai cùng 3 người bạn khác sống đã chật hẹp nay lại càng chật hơn khi My - một trong ba cô bạn vừa sinh con được 1 tuần, đang thời kỳ ở cữ với đầy đồ sơ sinh trong phòng.
Hết giờ học, thay vì đi dạo bộ, tung tăng với bạn bè như trước đây thì Mai – sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn lại tất tả về phòng chăm My. Từ khi My sinh con, không chỉ My vất vả mà kéo theo cả phòng cùng chật vật, bất đắc dĩ cả ba cô bạn trong phòng cùng được làm mẹ, được tập dượt cho cuộc sống sau này.
My và Mai cùng quê, cùng lên Hà Nội học đại học. Để giảm bớt gánh nặng tiền phòng, họ rủ thêm 2 cô bạn khác vào ở cùng, chật chội một chút nhưng giảm được kha khá tiền trợ cấp của bố mẹ hằng tháng. Cuộc sống của 4 cô nữ sinh vẫn bình thường cho tới khi Mai cùng 2 cô bạn nghi ngờ My có bầu vì thấy cô có nhiều biểu hiện bất thường như nôn ọe, ăn nhiều đồ chua mà không biết chán.
Và rồi chính My đã thú nhận với Mai và 2 cô bạn cùng phòng. Thấy My khóc, cả phòng yên lặng vì chưa biết giải quyết thế nào. Cái thai đã được 5 tháng nên không thể bỏ được. Hỏi về cha đứa bé, My nói quen anh này qua Facebook rồi hai người nảy sinh tình cảm, sà vào nhau khi còn chưa hiểu rõ về nhau.
Bây giờ, khi My liên lạc với anh này chỉ còn nhận được những lời lẽ lạnh nhạt, không nhận cái thai trong bụng My là con của mình: “Anh gửi lại em chút tiền nuôi con, mà chắc gì nó đã là con anh!”. Tới lúc này, My sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn biết dựa vào bạn bè trong phòng.
“Nó không dám về quê vì sợ bố mẹ biết sự thật thì sẽ không dám nhìn ai nên nó quyết ở lại Hà Nội sinh con. Trước mắt tính như vậy còn lâu dài chưa biết tính sao”, Mai - bạn cùng phòng với My nói. Thanh Hà - sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đang làm mẹ khi còn là sinh viên.
|
Ảnh minh họa. |
Ngay từ năm thứ nhất đại học, với dáng vẻ cao ráo, làn da trắng, Hà đã được nhiều sinh viên khóa trên để ý. Trong số đó có Tùng, học trước Hà 2 khóa, đã là sự lựa chọn của cô. Hai người như hình với bóng mặc dù học trái buổi. Tới năm thứ hai, Hà mang bầu và ai cũng biết “tác giả” là Tùng.
Từ khi mang thai, Hà gầy rộc đi trông thấy vì không có điều kiện chăm sóc bản thân, lo lắng chuyện học hành bị dang dở, bị những người xung quanh dị nghị và quan trọng nhất là sự tức giận của bố mẹ khi biết chuyện... Đem chuyện mang bầu nói với bố mẹ, ban đầu cả hai đều bị gia đình phản đối nhưng sau vì thương máu mủ ruột già nên họ quyết định tổ chức đám cưới sớm cho Hà và Tùng. Cả hai đều còn là sinh viên nên gia đình động viên Hà và Tùng cố gắng theo học nốt để lấy tấm bằng đại học, hai bên gia đình sẽ cắt cử người nên Hà Nội thăm nom khi Hà sinh em bé.
Khổ bạn bè, khổ cả bản thân
Sau khi My sinh em bé, cả hai mẹ con sức khỏe đều yếu, mọi việc đổ lên vai 3 người trong phòng. Từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến chiều, cứ ngoài giờ học, giờ làm thêm là họ lại tất tả cùng về chỗ trọ, quay cuồng cho đứa trẻ ăn ngủ, giặt giũ, cơm nước như những bà mẹ thực thụ.
“Từ khi phòng trọ có thêm thành viên mới, cả ba bọn mình thường phải tranh thủ học bài luôn ở trường rồi mới về nhà, chứ ở phòng lúc này thì chịu, chẳng rảnh để học. Vì sống chung với nhau đã lâu, lại cùng trường, cùng quê nên bọn mình không lỡ tách phòng, để My một mình trong lúc khó khăn này”, một cô bạn cùng phòng My than thở.
Mai cho biết, từ lúc biết My mang thai, cả phòng sửng sốt vì không biết sẽ lấy gì nuôi đứa trẻ. My quyết định vừa đi học vừa đi phụ nhà hàng để lấy tiền sinh con. Suốt 9 tháng mang thai, rất hiếm khi My có hộp sữa để uống. Trong phòng toàn sinh viên xa nhà, sống tằn tiện với tiền cha mẹ trợ cấp nên cũng chẳng hỗ trợ được nhiều, lâu lâu họ lại góp tiền mua cho bà bầu lốc sữa tươi uống lấy sức.
My sinh con nhưng không nhận được một tiếng hỏi han, hỗ trợ từ người thân vì cô giấu nhẹm chuyện này. Không còn đi làm thêm nên việc ăn uống, chi tiêu của hai mẹ con nhờ hết vào bạn cùng phòng. Họ vốn đã là những sinh viên xa nhà lúc nào cũng túng thiếu, giờ lại kiêm thêm nhiệm vụ làm mẹ nuôi đứa trẻ nên trông vẻ mặt ai cũng lo lắng, ảm đạm.
“My ít sữa nên con cũng yếu. Nhiều hôm đứa trẻ đau ốm, bọn mình vét hết những đồng tiền còn lại trong túi đưa bé đi viện nhưng vẫn thiếu, vẫn phải chia nhau đi vay thêm. Mới đây, My quyết định bảo lưu việc học một năm để tìm việc nuôi con, không thể bỏ học dang dở nên chỉ còn cách này, mình ngẫm sao tội nó và đứa bé quá, giờ My cũng khổ mà bọn mình cũng vất vả lây!”, Mai cho biết.
Chuyện sinh viên mang thai vì lỡ sống thử với người yêu hay dễ dãi với bạn trai không hiếm gặp. Khi mang thai ngoài ý muốn, phần lớn học tìm gặp bác sỹ để bỏ thai.Tuy nhiên, nhiều nữ sinh giấu nhẹm bố mẹ ở quê chuyện có bầu sinh con nên họ phải dựa vào bạn bè xung quanh. Thành ra, những người bạn lúc này lại trở thành người trong cuộc. Như trường hợp của My, khi chủ nhà biết chuyện khăng khăng đuổi cả phòng đi nhưng My cùng bạn bè đã xin xỏ hết lời nên được cho ở lại. Tuy nhiên, chủ nhà trọ chỉ cho ở cho tới khi con My cứng cáp biết đi.
Chuyện sinh viên nuôi con nhỏ gian nan vô cùng, nhất là những khó khăn về kinh tế. Khi Hà sinh con, họ hàng hai bên cũng thay phiên lên trông nom mấy tháng đầu. Vì bố mẹ còn nhiều việc ở quê nên khi con được 5 tháng, hai vợ chồng Hà phải tự túc, vừa trông con vừa nấu nướng, chuẩn bị thủ tục xin nhập học trở lại.
Vợ chồng Hà học trái buổi nên thay phiên nhau trông con. Phải tự lập cho cuộc sống, không biết tính toán, cân bằng giữa việc làm bố mẹ và đi học, khoản tiền bố mẹ phụ cấp cho hai vợ chồng tiêu trong nửa tháng đã gần hết, vậy là cuối tháng, họ lại nhịn ăn mua sữa cho con. Chồng Hà vì còn trẻ, ham chơi nên không ít lần hai vợ chồng hoạnh họe nhau vì chuyện Tùng mải chơi, bỏ bê vợ vất vả, có khi tới bữa cơm lại phải ra quán điện tử gọi chồng về.
Những bạn trẻ lỡ trót dại, đành làm cha mẹ khi còn là sinh viên hiện nay không hiếm. Vì giấu gia đình nên khi họ sinh con, bạn bè bất đắc dĩ lại được “tập dượt” làm mẹ. Việc giúp đỡ của bạn bè chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, chứ về lâu dài rất cần tới sự hỗ trợ từ gia đình để có thể nuôi đứa trẻ khôn lớn mà người mẹ cũng không phải dang dở việc học. Theo Mai, hình ảnh bà mẹ sinh viên với tương lai mù mịt đó là bài học cho những nữ sinh khác nhìn vào để có ý thức và bản lĩnh hơn trước cuộc sống xa nhà không ít nguy cơ, cám dỗ.