Cơn mưa trái mùa khiến buổi sáng lạnh hơn thường lệ, vợ đi làm trước, gọi điện thoại về cho chồng: “Anh khoác thêm cho con chiếc áo ấm, trời lạnh lắm”. Tôi vội khoác áo cho con, nhưng trời chỉ se lạnh. Vậy là tôi quyết định dừng xe, cởi áo khoác ra, với suy nghĩ: “Lạnh một tí cũng tốt”. Mấy lần trước, khi chở con ngoài trời nắng, vợ cứ bắt mặc áo khoác cho con. Tôi đã phải dừng xe ngoài đường, lén vợ cởi áo ra cho con… chịu nắng. Tôi hành động một cách “cứng đầu” như vậy, không phải là có ý làm ngược lời vợ, mà là vì sợ con thiếu… khổ!
“Con muốn ăn gì? Phở, hủ tíu, gà rán, cơm chiên, nui, cháo gà…?” - vợ tôi đầy nhẫn nại với một “ước mơ” nhỏ nhoi là tìm ra được món mà Sên nhà tôi thích. Dù vậy, Sên vẫn lắc đầu nguầy nguậy: “Mấy món đó ngán lắm, con không ăn đâu”. Ngồi nhìn cậu con trai năm tuổi, tôi chỉ muốn nổi cáu, chỉ muốn hét toáng lên rằng “con không ăn thì nhịn, đừng có mà bày đặt”. Nhưng nghĩ lại, nổi nóng cũng chẳng ích gì, và tôi dần tập chuyển qua suy nghĩ “thời con khác, thời bố khác, không thể lấy tuổi thơ của bố để so sánh rồi thấy con quá nhõng nhẽo”. Nhưng chiều con cũng phải hợp lý, không thể thái quá.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Kinh tế vợ chồng tôi chẳng khá gì, nhưng có thể lo đầy đủ vật chất cho con. Chúng tôi cũng như nhiều ông bố, bà mẹ khác, mang tâm lý chung là “đời mình đã khổ, ráng cày để bù đắp cho con cái, để con cái không phải khổ như mình”. Câu cửa miệng mà các phụ huynh hay chia sẻ với nhau là “trẻ con bây giờ sướng thật, muốn gì được nấy”. Nhưng, chắc cũng có một số người đồng quan điểm với tôi: nhìn ngược lại vấn đề, trẻ sướng quá, cũng đâu có tốt?
Tôi quan niệm, một đứa trẻ nên có đầy đủ phần sướng và phần khổ của riêng mình. Trước đây, tôi từng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy một đứa trẻ người nước ngoài, nhỏ xíu nhưng vẫn phải mang túi hành lý và đi bộ lẽo đẽo theo sau cha mẹ khi du lịch ở Việt Nam. Nếu là người Việt đi du lịch, có thể đứa trẻ chẳng phải mang gì, thậm chí còn nhõng nhẽo bắt bố mẹ cõng. Tâm lý chung của phụ huynh là “con còn nhỏ, bắt phải đi bộ, tội nghiệp”. Nhưng nếu nghĩ sâu hơn, nhiều người sẽ thấy, để trẻ đi bộ để rèn luyện thể lực, sự dạn dĩ và để trẻ mang chút hành lý để tập làm quen với việc tự lo cho bản thân là rất quan trọng.
Cũng có phụ huynh liên tục chuyển trường cho con, bởi con đi học về báo cáo “cô la con”. Có người mẹ đã thốt lên: “Mình bỏ ra cả mấy triệu bạc để đóng học phí, mà con mình còn bị la nữa, đúng là cái trường chẳng ra gì”. Nhưng nếu đứa trẻ ấy cứ được chuyển đến những ngôi trường mà cô giáo cưng chiều thái quá cũng bất ổn. Có lần, con tôi đi học về, mắt sưng húp. Bà xã tôi tra hỏi ngay: “Làm sao mà con khóc?”, “Cô la con mẹ ơi”, “Cô giáo kiểu gì mà cứ làm cho trẻ buồn rồi khóc lóc thế này?”. Tôi chép miệng: “Buồn một chút cũng tốt em ạ, con của mình phải tập buồn đi là vừa, vui mãi chẳng tốt”. Tất nhiên, vợ tôi không đồng quan điểm với tôi, còn bảo tôi là... không bình thường!
Tôi quan niệm, khổ là một thứ “vắc-xin” quan trọng nhất cho trẻ. Cha mẹ cần phải tạo điều kiện để trẻ cứng cáp, bản lĩnh hơn. Nếu cha mẹ vì quá yêu chiều con, “giành” hết “phần khổ” của con thì thật sự rất đáng lo!
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: