Bi kịch "cố đấm ăn xôi"
"Đã cố ngậm đắng nuốt cay đến tận giờ này, tôi không thể cam lòng từ bỏ tất cả", Ngân nói, để đáp lại những lời khuyên nên chia tay chồng, người trở thành kẻ đầu gối tay ấp của chị cách đây 18 năm nhưng thực ra từ nhiều năm nay đã đầu gối tay ấp với những người đàn bà khác.
Ngân 42 tuổi, nhưng trông nhầu nhĩ úa héo như đã 50, dù hồi trẻ cũng là người có nhan sắc. Hai vợ chồng đều là người ở quê lên Hà Nội lập nghiệp, tạo dựng tất cả từ hai bàn tay trắng, đến giờ đã có mức sống được xếp vào lại trung lưu ở Hà Nội. Điều khiến Ngân đau nhất là lẽ ra vợ chồng họ đã đến lúc nắm tay nhìn nhau mỉm cười khi nhìn lại thành quả phấn đấu cật lực của mình, cùng nhau thư thái chia sẻ quả ngọt thì anh Trực lại làm điều đó với những người phụ nữ khác.
Trực nói thẳng, muốn bảo anh có mới nới cũ, tham dâm hiếu sắc gì cũng được, nhưng anh đã hết tình cảm với vợ. Anh không phải thằng đàn ông nhẫn tâm bỏ vợ để cưới bồ, nhưng cũng không thể bỏ bồ vì thấy tội nghiệp vợ, rằng anh sẽ đồng ý nếu chị muốn chia tay, tài sản chia đôi. Và Trực thản nhiên qua lại với tình nhân, lúc về nhà thì coi vợ như vô hình, trong khi Ngân héo mòn vì đau khổ và căm uất. Chị hết đay nghiến, chửi rủa đến khóc lóc, nài nỉ van xin chồng "hồi tâm chuyển ý", dù biết rằng sẽ chẳng ích gì.
|
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, ly dị, với Ngân, vẫn là một viễn cảnh không thể chấp nhận được. Chị sẵn sàng chịu đựng mọi thứ miễn để điều đó không xảy ra. "Tôi chừng này tuổi rồi, đâu có thể 'làm lại' với ai được nữa. Làm người đàn bà, bị chồng bỏ, sống thui thủi một mình, nhục nhã lắm. Chồng bồ bịch nhưng về mặt pháp luật vẫn là chồng mình, mình vẫn có quyền của người vợ chứ", Ngân nói.
Cái quyền của người vợ mà Ngân níu vào để tự hào là quyền được hầu hạ, chăm sóc bố mẹ chồng, quyền nấu nướng, bày biện cỗ bàn mỗi lần về quê Trực với danh nghĩa vợ anh. Tình cảm vợ chồng thế nào không biết, nhưng trước cả họ Nguyễn nhà anh, Ngân đường đường chính chính là dâu con, sau này chết nằm trên đất của họ Nguyễn. Còn cô bồ kia dù thế nào cũng chỉ là kẻ thứ ba phá hoại gia đình người khác, chỉ cần bén mảng đến gặp người nhà Trực sẽ bị chửi mắng và đuổi thẳng cổ.
Chị Hoàn, 48 tuổi, cũng bị chồng phản bội để chạy theo gái trẻ một cách trắng trợn công khai, và cũng kiên quyết không ly dị: "Tôi không hy vọng gì về anh ta nữa. Tôi biết là dù có cố gắng làm đẹp, tỏ ra dễ thương đến mấy để hâm nóng tình cảm, anh ta cũng sẽ chẳng buồn ngó tới, vì anh ta chán ngấy tôi rồi. Thế nhưng, anh ta vẫn là chồng tôi, của tôi".
Lý do Hoàn dứt khoát không bỏ chồng là vì không muốn mọi thứ mà mình góp công tạo dựng suốt thời xuân sắc giờ lại lọt vào tay "con ranh chỉ mỗi việc ăn sẵn nằm ngửa". Đành rằng nếu ly hôn, một nửa tài sản sẽ thuộc về chị, nhưng cô bồ chưa một ngày vất vả đã được hưởng ké nửa gia tài kia, lại cướp trọn luôn của chị cái chức danh phu nhân tổng giám đốc, còn chị nhục nhã với cái tiếng bị chồng chán chồng bỏ, thì Hoàn không chịu nổi.
"Nếu không phải là tôi cùng hưởng phúc với anh ta thì con kia cũng không được phép. Nó sẽ vẫn chỉ là gái bao được trả tiền công chứ tôi không cho nó làm bà chủ được", Hoàn nói. Có sự hậu thuẫn của bố mẹ chồng, chị vẫn giữ được cuộc hôn nhân, dù vợ chồng mỗi lần gặp là nhìn nhau như kẻ thù, và sau khi ném vào chồng những lời cay độc hay vẻ mặt hả hê đắc thắng giả tạo, chị lại về phòng vùi mặt vào gối khóc một mình.
"Khi đã là người thừa, hãy dũng cảm ra đi"
Chị My, người vừa trải qua sinh nhật lần thứ 50, đã ngậm ngùi rút ra kết luận như vậy từ chính cuộc hôn nhân đã kết thúc của mình. Chị cho biết ly hôn không giúp kiếm được người đàn ông khác, nhưng lại dứt được chị ra khỏi ám ảnh về người chồng cũ, những đêm tuyệt vọng nghĩ cách giành lại anh ta. Cuộc sống của chị hiện giờ tuy không toàn vẹn nhưng nhẹ nhõm.
Chồng chị, sau mấy chục năm chung thủy cùng vợ nuôi dạy các con và xây dựng kinh tế, rốt cục lại đem lòng yêu say đắm một người đàn bà trẻ hơn chị 15 tuổi. Họ giấu diếm sống chung với nhau trong ngôi nhà của người đàn bà đó đến hơn 3 năm mới bị phát hiện. Chồng My cúi đầu với dáng vẻ của kẻ có tội khi vợ dẫn con đến đánh ghen, nhưng lúc My xông vào túm tóc đánh tình địch, anh quyết định rằng trong hai người phụ nữ trước mặt, người anh phải bảo vệ là tình nhân. Anh đã kéo vợ ra, không cho chị đụng đến người yêu của mình.
Trong cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng sau đó, chồng My nói, cô bồ trẻ với anh không phải chuyện dan díu qua đường, không phải chuyện sắc dục, mà là tình yêu đích thực của anh, và anh không thể để mất. Anh muốn ly hôn vì không muốn người mình yêu phải thiệt thòi khi mang tiếng là bồ nhí, bị người đời kỳ thị chỉ vì yêu anh. Chị My như phát điên lên khi liên tục ném vào mặt chồng câu hỏi: "Anh sợ cô ta thiệt, vậy tôi thì sao?".
My bảo, lúc đó, chị chỉ nghĩ đến sự công bằng, bởi thật quá bất công khi một người vợ hết lòng như chị, không chút tội lỗi, lại bị chồng phản bội, bị ruồng bỏ không chút áy náy, còn kẻ cướp chồng kia bị mắng chửi mấy câu anh đã xót xa sợ người ta vì anh mà thiệt.
"Tôi có gào lên 1.000 lần 'còn tôi thì sao', anh ấy cũng chịu không trả lời được. Trước hai người đàn bà đều đứng trước khả năng bất hạnh, người đàn ông chỉ có thể lo cho một người, và dĩ nhiên đó là người anh ta yêu. Tôi không còn được yêu nữa. Tôi phải chấp nhận sự thật là từ nay sẽ phải tự lo cho mình mà không có người đồng hành ấy nữa, dù có oán hận anh ta thì cũng vậy mà thôi", My tâm sự.
Bao nhiêu ngày đêm, chị My nguyền rủa người phụ nữ kia, bồ của chồng chị, kẻ thứ ba, kẻ cướp chồng, phá nát gia đình hạnh phúc mà chị cả đời vun đắp. Nhìn chồng mình dù cắn rứt với vợ nhưng vẫn cùng người tình hạnh phúc quấn quýt trong tình yêu, My cay đắng nhận ra mình là người thừa.
"Người ta vẫn luôn gọi các cô bồ là kẻ thứ ba, tức là kẻ chen ngang vào tình yêu của người khác. Cách gọi đó chỉ đúng khi người chồng tuy lăng nhăng nhưng vẫn yêu vợ, muốn duy trì gia đình. Là người trong cuộc, tôi thấm thía hơn ai hết, một khi không được chồng yêu nữa, một khi chồng đã dành trọn trái tim cho kẻ khác thì chính vợ mới là người thứ ba, là kẻ chen ngang, kỳ đà cản mũi".
My bảo, đó là nhận thức đau đớn, đắng cay nhất cuộc đời chị, nó khiến chị suýt nữa đã tự sát nếu không nghĩ về các con. My biết rằng trong vai một người vợ bị phản bội khi đã cùng chồng đi hết tuổi xuân, mọi người sẽ bênh vực chị và lên án anh, ngăn cản anh ly hôn, bởi dù sao xét về mặt đạo đức, anh và cô bồ là kẻ có tội. Nhưng rồi chị đã quyết định giải phóng cho chồng, cũng là cho chính mình.
Nhiều người vẫn cho là chị My ngu dại, họ bảo chị sao lại chịu ly hôn để mất tất cả, khi cơ hội để tìm tình yêu mới không còn. Nhưng chị nói: "Quả là tôi đã mất mát những thứ quý nhất cuộc đời, đó là sự thật và tôi buộc phải chấp nhận, nhưng dù không ly dị thì vẫn là mất. Bằng việc ly hôn, tôi đã vớt vát để giữ lại được một thứ, đó là lòng tự trọng".
Chính cái giữ lại được ấy đã giúp chị My cảm thấy thanh thản với cuộc sống của một người đàn bà thất bại trong hôn nhân ở tuổi xế chiều. Việc nắm trong tay lẽ phải, được mọi người bênh vực liệu có ích gì khi cái quyết định là trái tim người đàn ông lại không còn là của mình nữa? Tình yêu không thể cướp lấy, không thể ăn xin, cũng không thể đòi lại nhờ kiện tụng và lý lẽ. Và trong hoàn cảnh này, biết chấp nhận thua cuộc cũng là chiến thắng.