Em yêu “nó” hơn anh !
Nó ở đây là cả “thủ phạm” Facebook và những anh chàng “nick ẩn, nick hiện”. Bạn tôi làm việc văn phòng. Như đa số những người đi làm hiện nay, việc đầu tiên mỗi sáng đến công sở là bật điện, mở máy lạnh và online tức khắc. Bạn “ở” trên đó suốt và bạn bè, người thân chào hỏi râm ran. Chồng bạn nói mát: “Cuộc sống của em phong phú quá ha?”.
Sau 8 giờ vàng ngọc, sau những bận bịu con cái bạn lại tiếp tục “đến với phây, hãy đến với phây” cho tới khuya lắc khuya lơ. Lý do là mấy đứa bạn cũ giờ ở bên trời Tây lúc này mới… thức! Lỡ “tám” chuyện trường lớp, thầy cô hồi xưa là nói hoài không xong. Rồi khoe ảnh cũ mới, kể công việc, học hành… Chuyện nọ xọ chuyện kia có khi nhìn lại bên này đã… sang ngày khác.
|
Ảnh minh họa. DAD
|
Chồng bạn ngủ một giấc thật dài dậy thấy vợ vẫn “chong đèn ngồi nhớ lại”. Tệ hơn là đưa tay quàng sang, vợ hất một phát không thương tiếc. Tức mình nhìn lên màn hình laptop của vợ thấy toàn những từ “ẩn dụ” và hình ảnh thay thế với anh bạn nham nhở nào đó. Chồng bạn bực mình la lối ngay giữa đêm khuya và ôm gối ngủ riêng.
Bạn cũng thừa nhận càng ngày mình càng lơ là “nghĩa vụ làm vợ” bởi… quá bận rộn với Facebook. Đưa một câu, một bài gì dù ngắn, dài, hay, dở lại canh cánh chờ xem “phản ứng” của bạn bè, người thân. Thế là cứ “cuốn theo chiều gió” với Facebook mãi thôi.
Chồng bạn ghét Facebook, không thèm tạo tài khoản riêng nên đã nghi càng nghi hơn. “Em yêu nó hơn anh! Không bỏ nó thì bỏ anh cho tự do” là thông điệp chồng bạn mới nhắn gửi…
Ghen lầm hơn bỏ sót
Sao anh tắt Facebook khi vợ đến sau lưng? Không có tật sao giật mình? Hình gì đây? Cố nhân à? Lại là những lời tra khảo từ cô vợ hay ghen của đứa em đồng nghiệp.
Anh chàng này có tật ưa “khoe gái” trên Facebook! Mới quen, quen lâu, kể cả hình bạn bè cùng cơ quan cũng được chàng ta đưa lên với những câu bình luận mùi mẫn. Thỉnh thoảng, bạn bè góp ý thẳng, rằng ông làm vậy “cháy nhà” ráng chịu à nghe. Không chỉ “cháy nhà” ông mà còn cháy cả nhà tui là chết đó.
Một cô vợ hay ghen khác lại thường xuyên “đột nhập” Facebook của chồng và cố nhân của chồng. Tất cả những tâm trạng của 2 kẻ trong vòng kiểm soát được đưa ra phân tích cặn kẽ. Tại sao hai người cùng tải chung một bài hát? Tại sao cả 2 cùng... like một câu chuyện của người bạn chung? Tại sao Facebook của chồng không thường xuyên tải hình vợ? Có phải sợ cô nàng đau lòng khi biết được anh hiện tại có cuộc sống sung túc, thành đạt mà không đưa nhà, xe hơi mình lại toàn đưa hình nhậu nhẹt?... Lại phải giải trình, thuyết phục, động viên, rồi xây dựng niềm tin cho vợ.
Nên “cẩn tắc vô áy náy” vẫn là điều mà ai lỡ “yêu phây” nhắc nhau vậy!