Đi làm về, Ly ném lên bàn tờ đơn xin ly hôn, chỉ thiếu mỗi chữ ký của Trọng. Thoáng sững sờ, tự ái nổi lên, Trọng dõng dạc: “Được, nếu cô muốn”. Thoáng qua trong đầu Trọng ý nghĩ, vợ sẽ bật khóc nức nở khi chồng dám đồng ý ly hôn chứ không quỵ lụy năn nỉ. Lao xao trong đầu anh lời của bạn bè, đại loại “với đàn bà, phải nắn gân họ, cứ đòi ly hôn, đồng ý một lần cho sợ, mình mà năn nỉ là dọa ly hôn hoài”. Nhưng, mọi việc không như Trọng nghĩ.
Ly bình thản bỏ lên lầu, buông một câu nhẹ như không: “Anh ký vô đi, sáng mai tôi nộp”. Giận dữ, Trọng ký như muốn cào rách giấy, rồi bỏ đi nhậu. Thêm tăng hai, tăng ba, đêm đó Trọng không về. Sáng hôm sau, anh cuống cuồng phóng về nhà, nhưng không kịp. Con đã đi học, vợ đã đi làm, căn nhà buổi sáng lạnh tanh nhưng đầu anh nóng hâm hấp. Anh biết, với tính quyết đoán của Ly, mọi lời năn nỉ lúc này là vô ích.
|
Ảnh minh họa. |
Cách đây 5 năm, trong kỳ trăng mật, Ly bảo Trọng: “Anh phải thay đổi cách sinh hoạt, giờ có vợ rồi, sau này có con, kiểu làm việc, ăn uống, nhậu nhẹt bạt mạng, vô tổ chức như vậy là không ổn”. Trọng nhe răng cười, “chuyện nhỏ, chuyện nhỏ”. Đúng là "chuyện nhỏ" nên Trọng chỉ hứa cho vợ trẻ vui lòng, còn nếp sinh hoạt bét nhè thì vẫn chẳng khác xưa là mấy.
Trọng là họa sĩ thiết kế nội thất có tiếng, kiếm được nhiều tiền, không để vợ con phải lo lắng về chi tiêu trong gia đình. Nhưng, có ngày, anh nhậu từ trưa đến khuya, phải về nhà bằng taxi, cửa xe mở trước cổng, Trọng lăn cái bịch xuống đất, Ly hốt hoảng kéo ông chồng vào nhà. Cũng có ngày, sát hạn giao bản thiết kế, Trọng làm việc từ sáng sớm hôm nay đến sáng sớm hôm sau, đốt thuốc như hun khói, tài liệu bới tung, vứt bừa bãi. Ly mở miệng kêu ca là anh lớn tiếng: “Không thấy người ta đang căng thẳng công việc sao? Đi chỗ khác chơi”. Có lần, vợ cãi: “Thế giới này ai cũng làm việc, có phải chỉ mình anh đâu! Sao anh làm việc kiểu quái dị vậy?”. Anh khăng khăng: “Em thì hiểu gì về công việc của anh? Sáng tạo nghệ thuật nó khác với công việc nhân viên văn phòng như em nhiều lắm. Anh đang có hứng làm, đừng để anh mất hứng”.
Dần dà, Ly không buồn góp ý cho chồng nữa. Khi chồng làm việc tại nhà, hai mẹ con chui vào phòng ngủ, hoặc dẫn nhau đi nhà sách. Cũng tạm ổn.
Nhưng, công việc văn phòng không phải là “đơn giản và không có việc gì đáng phải nghĩ ngợi” như Trọng nói. Có những đêm, Ly mất ngủ, chờ đến 1, 2g sáng để được tâm sự với chồng. “Em đang có chuyện buồn” - Ly nói thẳng, chừng như muốn cầu cứu để lôi kéo sự chú ý của chồng, nhưng nỗi mệt mỏi sau cuộc nhậu dài cùng sự “coi thường chuyện đàn bà” trong Trọng khiến anh ừ hử cho qua: “Chuyện gì? Khuya rồi, mai nói đi”. Một lúc sau, anh đã ngáy o o.
Những lúc say là vậy, nhưng khi tỉnh, Trọng cũng là người tinh tế, yêu chiều vợ. Có những buổi sáng, bên ly cà phê, anh cũng nhắn cho vợ những câu ngọt ngào: “Anh tệ với hai mẹ con lắm phải không? Tối nay anh đưa hai mẹ con đi xem phim nha?” “Trong lúc làm việc, anh hay nổi cáu, em đừng để bụng. Anh cũng nghĩ, mình cần phải thay đổi”… Sáng nói vậy, nhưng đến chiều, có người rủ rê, Trọng lại gạt hết mọi thứ liên quan đến vợ con để đi nhậu. Đặc biệt, anh chơi đàn guitar khá hay, thường xuyên được một quán bar mời đến chơi nhạc cho xôm tụ. Những lời tâng bốc ở đó khiến anh cứ uống cấp tập và chơi đàn tưng bừng đến khuya.
Khi Trọng quyết tâm thay đổi bản thân thì Ly đã cạn kiệt hy vọng. Ly chẳng buồn gọi điện thoại giục chồng về sớm, cũng không thèm ngửi áo chồng xem có mùi nước hoa lạ, chẳng còn lén kiểm tra điện thoại chồng xem có cô gái trẻ nào say tình ông chồng điển trai và nghệ sĩ của mình. Một lần, mẹ vợ gọi cho Trọng, khi anh đang nhậu: “Con ghé bệnh viện Gia Định gấp, bé Na đau bụng, ói rất nhiều, mẹ đang đi taxi đưa bé Na đến đó”. “Ơ, Ly đâu rồi mẹ?”. “Vợ con gửi Na chỗ mẹ từ chập tối, nó nói đang ở xa lắm, cũng đang chạy đến bệnh viện”.
Trọng hộc tốc đến bệnh viện, anh sững người khi thấy vợ lượt là váy áo, bước nhanh xuống từ chiếc ô tô lạ, một người đàn ông trung niên - cũng lạ nốt - vỗ vỗ nhanh vào eo Ly, ra chiều an ủi, còn đưa tay vuốt vội tóc Ly, khi Ly lao nhanh vô bệnh viện.
Bé Na chỉ bị trúng thực nhẹ, nhưng Trọng thì “trúng thực” nặng. Dù có con và mẹ vợ đi chung taxi về, nhưng sĩ diện cao ngất khiến Trọng không kìm được cơn giận. Một cuộc cãi vã ầm ĩ diễn ra ngay trên xe. Ly chốt lại một câu: “Anh cũng có ra gì đâu mà bắt tôi đàng hoàng. Lựa chọn anh là sai lầm, tôi phải tìm người khác”.
Giờ Trọng đồng ý ly hôn, đổ lỗi hết cho Ly: “Cô ấy có người mới, không ly hôn thì chờ gì nữa?”. Bé Na tạm thời về ở với bà ngoại, Ly đã chủ động dọn ra ngoài ở.
Tối nay, bỗng dưng Trọng ngán nhậu, cảm giác trống rỗng một cách khó hiểu. Anh lướt tay trên danh bạ điện thoại, chẳng biết gọi cho ai, tay còn lại vẫn cầm vô lăng, lái một cách vô thức về nhà. Ti vi không tín hiệu, màn hình đen thui, lắc lắc cái phích cắm, vẫn thế. Mọi thứ đều bất động. Chiếc remote, cái nút màu xanh, đỏ quen thuộc, con số 1 - kênh truyền hình Thể thao mà Trọng yêu thích được cô ấy cài đặt. Trọng cố bấm. Không một chút nhấp nháy. Choang. Tan tành. Vỡ vụn. Trọng lao ra khỏi nhà như muốn trốn chạy. Anh tạt vào siêu thị điện máy gần nhà, chỉ một chiếc ti vi đời mới. Anh giao hàng theo Trọng về, vừa lắp ti vi mới, vừa hỏi: “Ti vi này bị sao mà anh phải thay?”. “Hỏng bét”. Anh nhân viên lại lắc lắc phích cắm, lui cui đo đạc gì đó phía sau thân ti vi, phán: “Cái này còn xài ngon anh ơi, sửa được đó, chỉ hư cục nguồn thôi, thay hết mấy chục ngàn à”. Anh lừ đừ nhìn ti vi cũ, lại nhìn ti vi mới, muốn phát điên.
Hình ảnh tinh xảo, rõ nét, âm thanh nổi... Coi tới đâu, đã con mắt tới đó. Trọng vẫn bấm, chuyển kênh liên tục. Một người đàn ông già lụi cụi, cắm cúi sửa cái ấm nước đã cũ. Ống kính cận cảnh, ông ngẩng mặt, những đường rãnh cuộc đời chằng chịt, ông già cười, nhẹ bâng, cái gì cũng vậy, hễ hư thì sửa, cố sửa cho bằng được, phải được. Không lẽ, thấy sứt quai đã thay luôn cái ấm... Thời nay, hình như người ta dễ tiện tay thay cái mới hơn là xem có sửa được cái cũ...
Trên màn hình, ông già lại cười, còn Trọng cứ chực khóc...