Cô bạn em thiệt tình: “Chồng bà nhìn bề ngoài lùi xùi quá vậy? Sao bà không tút cho ổng khá hơn?”. Em trả lời tỉnh queo: “Cái này là tui cố ý, tui chủ trương cho ổng xấu. Ổng mà bảnh bao, chỉ tổ gái nó để ý, chứ ích gì”.
Tự dưng anh giật mình, em trả lời cho bạn, cũng là hé lộ cho anh một sự thật mà lâu nay anh không biết…
Anh có cái tật là không bao giờ quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân. Từ bé đến lớn, quần áo, giày dép, dây nịt, túi xách, mắt kính… của anh, toàn do người khác chọn mua. Thuở bé và thời kỳ trưởng thành độc thân thì mẹ mua, đến khi có vợ thì vợ mua. Râu có mọc dài, cả tuần anh cũng chẳng cạo. Tóc tai đến mấy tháng mới cắt một lần, bù xù như cái tổ quạ. Vẻ ngoài của mình xấu hay đẹp, luộm thuộm hay tươm tất, chưa bao giờ anh để ý. Chỉ đến khi tình cờ nghe em nói, anh mới nhận ra một sự thật phũ phàng: từ ngày lấy vợ, “độ xấu” của anh ngày càng nặng. Anh vốn luộm thuộm, không quan tâm tới ngoại hình, nhưng thời độc thân, mẹ anh thường chú ý nhắc nhở nên trông anh cũng tươm tất. Từ khi làm chồng em, chẳng những em không chăm sóc mà còn xem sự luộm thuộm của anh như ưu điểm và cố tình làm cho vẻ ngoài của anh ngày càng bê bối hơn…
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ngẫm lại nhiều năm chung sống, anh chợt giật mình phát hoảng. Ô hay, thì ra bao năm nay, anh sống trong sự “phòng ngừa” của em mà chẳng hề hay biết. Em “phòng ngừa” anh từ cái ví, nơi em chỉ để đúng hai trăm ngàn “thường trực” với lời giải thích: “Tính anh đoảng lắm, em để tạm hai trăm thôi, cần xài gì anh cứ nói em nhé”. Em “phòng ngừa”, cho anh chạy chiếc xe cúp từ đời xa lơ xa lắc, mấy lần anh thích xe này xe nọ rồi đề nghị mua, em cứ lắc đầu quầy quậy: “Mua làm gì, xe anh còn tốt chán. Mua xe mới tổ tốn xăng, lại mất công giữ gìn. Như chiếc này, anh cứ bạ đâu bỏ đó, chẳng sợ ai lấy”.
Chuyện chẳng có gì to tát. Xấu đẹp cũng chẳng sao, anh không quan tâm, công việc anh đâu cần tiếp xúc trang trọng với ai. Xe cũ cũng hay, cũng tiện, cần gì xe mới. Hai trăm ngàn cũng đủ, thu nhập anh đưa hết cho em cũng được, anh chỉ cần mua gói thuốc, lai rai vài chai bia với mấy lão bạn. Nhưng sao anh thấy buồn buồn và chua xót, bởi suy cho cùng, 10 năm tình nghĩa vợ chồng anh chưa hề làm chuyện gì có lỗi, nhưng lại phải sống dưới dạng “đối tượng tình nghi”, phải chịu sự “phòng ngừa” của em! Em hãy thử một lần đặt em vào vị trí của anh xem cảm giác ra sao… Lẽ nào cả đời em cứ mãi “phòng ngừa” chồng mình như vậy?