Điện thoại nâng lên, đặt xuống trên bàn...

Google News

Cứ thế, hai vợ chồng đùn đẩy nhau, chiếc điện thoại nâng lên, đặt xuống đến cả chục lượt trên mặt bàn ăn. 

Chị thuộc thế hệ 6X, nhưng suy nghĩ hoàn toàn thuộc về thế hệ cũ như những bà già bảy, tám mươi, nên khi biết chuyện chị cho phép cậu con trai độc nhất ở riêng, họ hàng, bạn bè tấm tắc khen chị tâm lý, cập nhật thời đại. Nghe lời khen, chị tặc lưỡi: “Ôi dào, cũng “trả giá” cao đấy”.
Chị kể, thực ra không phải đợi đến khi con sắp lấy vợ chị mới nghĩ đến chuyện cho nó ra ở riêng, mà thực ra chị đã làm trước đó rất lâu khi con bắt đầu vào tuổi trưởng thành.
Sau nhiều lần hai vợ chồng ngồi chống đũa đợi cơm con, hay cả nhà đã hẹn cùng nhau đi đâu đó, cuối cùng lại chỉ có hai bố mẹ vì “con có việc bận đột xuất”, chị hiểu rằng con trai mình không còn là một đứa trẻ sống trong vòng tay của cha mẹ nữa. Nó đã thực sự trưởng thành.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Mà cuộc sống của một người trẻ vừa trưởng thành thời bây giờ có quá nhiều cái khác so với ngày xưa, từ chuyện ăn, chuyện mặc cho đến quan hệ bạn bè, giờ giấc sớm khuya. Chẳng muốn mình từng này tuổi đầu rồi lại luôn bị động về con, và thằng con thì cũng “đau khổ” vì sự quản lý của bố mẹ, nên chị bàn với chồng quyết định cho con ra ở riêng.
Những ngày đầu chị nhớ con điên cuồng, nhớ đến nỗi tránh cả việc vào phòng con quét tước, dọn dẹp. Mặc dù trước đó việc con vắng nhà đôi ba ngày cũng thường xảy ra, nhưng lần này cái sự vắng nó thật khác, nên chị mãi vẫn không sao quen được.
Thằng con sướng điên vì được cho phép ở riêng, nhưng cũng biết bố mẹ buồn nên thời gian đầu tối nào cũng về nhà ăn cơm. Được một dạo rồi thưa dần, thưa dần, tuần hai buổi, tuần một buổi, có tháng thằng con viện cớ bận việc cơ quan, học nâng cao trình độ nên chẳng ăn với bố mẹ được bữa nào.
Nhà chỉ còn hai miệng ăn, nhưng theo thói quen chị vẫn bày biện những bữa ăn ngon. Vào những hôm như vậy, anh giục chị gọi điện cho con, chị cầm điện thoại lên định bấm, rồi nghĩ sao lại đặt xuống bảo anh gọi. Cứ thế, hai vợ chồng đùn đẩy nhau, chiếc điện thoại nâng lên, đặt xuống đến cả chục lượt trên mặt bàn ăn. Rồi rốt cuộc lại cả hai quyết định không gọi, vì như vậy là “thằng bé có cảm giác bị giám sát”.
Từ ngày có vợ, hai vợ chồng thằng con tuần nào cũng chăm chỉ về ăn cơm cùng bố mẹ. Rồi con sinh cháu, bận bịu với trách nhiệm ông bà, anh chị chẳng còn đoái hoài gì đến chiếc điện thoại, hơn nữa dạo này vợ chồng nó cũng ở nhà anh chị suốt thì còn gọi làm gì. Đợi cháu cứng cáp, chị bảo thằng con đưa vợ con về quê ngoại chơi ít lâu cho ông bà ngoại đỡ nhớ. Cả nhà nó ríu rít đi rồi, thốt nhiên nỗi buồn của những ngày mới cho con ra ở riêng lại quay lại.
Lần này là chồng chị, anh đi ra đi vào, ngó chiếc điện thoại đăm đăm rồi lại ngó lơ ra chỗ ti vi, làm như đang theo dõi thời sự nhưng thực ra tai vẫn ngóng tiếng chuông. Nhặt rau dưới bếp, chị nghe anh lẩm bẩm: “Không biết chúng nó đi đến đâu rồi, con Cún có mệt không?”.
Thấy vậy, chị nói vóng lên: “Thì ông gọi cho nó đi”. Im lặng một lúc, chị nghe tiếng cạch của chiếc điện thoại dằn xuống mặt bàn. “Thôi tôi không gọi đâu, không chúng nó lại bảo mình quản lý chặt quá”. Vừa lúc đó có tiếng chuông reo, thằng con gọi về báo đã đến nơi, cháu khỏe, anh trả lời con mà như vừa trút được gánh nặng ngàn cân – sức nặng cho cái vai “phụ huynh tâm lý”.
Theo Pháp Luật Việt Nam

Bình luận(0)