Cổ tích tình yêu ở nơi chân sóng

Google News

Tình nghĩa vợ chồng của cô giáo Phan Thị Minh Tâm và anh thương binh Vũ Văn Hấn đủ để viết nên một thiên cổ tích tình yêu thật đẹp với cái kết có hậu.

Hoàn toàn khỏe mạnh, lại đang là giáo viên của một trường tiểu học, nhưng cô giáo Phan Thị Minh Tâm lại khăng khăng gắn bó cả cuộc đời với một người thương binh nặng, hoàn toàn xa lạ với chính chị và người thân.

12 năm vượt qua bao sự ngăn cản của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, chị vẫn đồng hành cùng anh vừa chống chọi với bệnh tật, vừa vun đắp mái ấm gia đình. 12 năm, tình nghĩa vợ chồng của nữ giáo viên tiểu học và anh thương binh ngày nào đủ để viết nên một thiên cổ tích tình yêu thật đẹp với cái kết có hậu ngay tại Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh nặng và người có công Long Đất, thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kết tình từ sóng phát thanh

Kể về quyết định lấy chồng mà trong mắt của phần lớn người thân quen và có lẽ là cả những người không quen của 12 năm trước, cô giáo Phan Thị Minh Tâm tếu táo bảo rằng chị đúng là “cọc đi tìm trâu” 100%. Ngày ấy, chị đang là giáo viên Trường Tiểu học Lam Sơn tại Định Quán, Đồng Nai. Trường ở sâu tít trong rừng, đời sống vật chất còn khó khăn nên chiếc radio nhỏ vừa là kênh thông tin giúp chị cập nhật cuộc sống xã hội bên ngoài, vừa là cách giải trí được yêu thích hằng ngày.

Tối 27/7/2001, sắp xếp lại trang giáo án, bài vở học sinh, như thường lệ, chị với tay bật đài theo dõi chương trình yêu thích: Tạp chí truyền thanh sống khỏe, sống hạnh phúc do Thùy Dương thực hiện. Chương trình hôm ấy giao lưu với thương binh Vũ Văn Hấn đến từ Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh nặng và người có công Long Đất.

Đêm đã khuya, chương trình đã hết, nhưng câu chuyện về người thương binh quả cảm Vũ Văn Hấn và những tháng ngày đấu tranh, sống lạc quan trong bệnh tật giày vò của anh và đồng đội vẫn ám ảnh. Quá khứ ấu thơ dội về. Hình ảnh từng đoàn quân toàn thanh niên trai tráng, vai khoác ba lô dừng chân nghỉ tạm trong ngôi làng nhỏ quê chị ở Nam Định hiện lên. Chị nhớ lắm những bộ quân phục màu xanh lá thấm đẫm mồ hôi vắt vội bên thành giếng, những gương mặt bừng sáng nụ cười, những câu chuyện rộn rã thôn quê.

Không thể dỗ dành giấc ngủ, chị bật dậy với ý nghĩ: Tại sao những người may mắn hưởng cuộc sống hòa bình như chị lại không bù đắp những đau thương mất mát của người lính đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, cho Tổ quốc mình? Và không chút đắn đo, suy tính thiệt hơn, chị  quyết định viết thư làm quen, động viên người thương binh mang tên Vũ Văn Hấn vừa mới biết qua... đài phát thanh.

Thư đi không lâu thì có thư hồi âm. Chị hồi hộp bao nhiêu thì thư lại... ngắn bấy nhiêu. Nội dung anh viết chỉ vẻn vẹn ít dòng cảm ơn và hỏi thăm. Hơi phật lòng và cũng tò mò, chị viết tiếp. Mỗi tháng đến 3, 4 lá thư. Nhưng cũng như lá thư đầu tiên, tất cả những gì anh viết, theo chia sẻ của chị là “đều khô không khốc”. Khô nhưng vẫn lấp lánh sự chân thành. Vài tháng sau thì cả hai anh chị thống nhất hẹn gặp nhau. Quãng đường được chia đôi.

Sóng gió

Đúng ngày hẹn, chị tất tả bắt xe đến điểm hẹn: ngã ba Trị An, tỉnh Đồng Nai. Đợi mãi không thấy bóng dáng anh, chị vào gốc cây ven đường nghỉ, không quên dặn mấy người xe ôm: “Nếu các bác thấy ai đẩy xe lăn xuống đây thì gọi em giúp”. Thế nhưng, mãi quá trưa, người thương binh ngồi xe lăn vẫn như bóng chim tăm cá. Đúng lúc chị thất vọng thì nghe mấy bác xe ôm nhao nhao chỉ một người đàn ông gầy gò, vừa di chuyển bằng 2 cây nạng gỗ vừa đưa mắt tìm kiếm. Không chắc là anh nhưng chị vẫn liều đến gần.

 Cô giáo Phan Thị Minh Tâm hạnh phúc bên chồng, anh thương binh Vũ Văn Hấn và con trai Bảo Anh.

Điểm nghỉ chân tạm của hai người là quán cơm bụi ven đường. Phút ngại ngùng ban đầu qua nhanh. Chưa một lần gặp mặt nhưng câu chuyện giữa họ thân thiết như người thân lâu ngày gặp lại.

 

Chia tay, anh về thăm cha tại Trị An, chị về lại trường. Ngoài những trang giáo án và đám học trò nhỏ, chị có thêm một niềm vui: những lá thư viết cho anh rồi hồi hộp đợi. Tiếp tục đợi thêm vài tháng nhưng thư vẫn chỉ gói gọn đôi ba câu chuyện không... dính gì đến tình yêu. Không ít lần chị bóng gió, hỏi xa hỏi gần, anh đều chuyển đề tài. Sốt ruột, một lần chị chuyển hướng: “Em hỏi mãi anh không trả lời, bây giờ không hỏi nữa mà phỏng vấn đây. Anh chỉ cần trả lời đồng ý hoặc không đồng ý”. Đơn giản thế mà anh cũng ậm ừ mãi mới thốt được mấy từ “Ừ thì đồng ý” nhỏ như nói trong cuống họng như chỉ để mình anh nghe.
 
Mãi sau này, khi đã thành vợ thành chồng, thông qua đồng đội của anh trong khu điều dưỡng, chị mới biết rằng, để thốt được mấy từ đồng ý với chị là cả một thử thách với anh. Là thương binh nặng, chỉ có đôi tay lành lặn, bệnh tật triền miên, anh hạnh phúc lắm khi có người phụ nữ đem lòng yêu thương. Thế nhưng, sau hạnh phúc nhen nhóm là những đêm dài trằn trọc không ngủ với tiếng thở dài len lén thả vào khuya. Mặc cảm mình bệnh tật, yêu thương chị càng nhiều, anh càng mâu thuẫn: vừa muốn gắn bó vừa sợ mình không đủ sức làm bờ vai cho chị tựa nương, mà hạnh phúc làm mẹ của người đàn bà thì có tuổi...

Về phía chị, sau khi cùng anh thống nhất tiến tới hôn nhân, sóng gió từ họ hàng, người thân, bè bạn liên tục đổ về. Từ họ hàng, cha chú đến đồng nghiệp đều đồng loạt phản đối. Nhẹ thì khuyên nhủ, nặng thì mắng chị không bình thường, tự dưng đi đeo gánh nặng cho cả cuộc đời.

Xác định đến với anh như một cách bù đắp phần nào những đau thương, thiệt thòi cho người lính trở về từ chiến trường sau khi hy sinh một phần thân thể, có khi là cả tuổi thanh xuân cho đất nước, chị nhất định làm đám cưới. Căn phòng hạnh phúc là một gian nhỏ trong ngôi nhà của bố mẹ anh ở Trị An. Mặc dù làm đơn giản, gọn nhẹ, nhưng vì sức khỏe yếu nên khi mọi người ra về hết cũng là lúc chú rể nằm li bì.

Vợ chồng chưa kịp quen hơi, anh trở lại trung tâm điều dưỡng, chị về lại trường. Mỗi người mỗi nơi vì trường chị ở vùng sâu vùng xa, điều kiện thiếu thốn, sợ anh ở chung lỡ có chuyện gì thì khó xoay xở kịp. Mỗi tháng vài ba lần chị lại khăn gói về Long Hải thăm chồng.

Hạnh phúc bất ngờ

Tình cờ gặp chị trong một chuyến du lịch hiếm hoi của cả nhà, chị Phan Thị Minh Tâm chỉ về phía cậu bé khá mập mạp và lanh lợi đang đẩy xe lăn cho anh, hạnh phúc khoe: Bé Bảo Anh đấy, 10 tuổi rồi mà gắn với bố như sam. Chị cũng kể rằng, sau đám cưới hơn một năm, để tiện chăm sóc anh, chị chuyển hẳn về giảng dạy tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, thị trấn Long Hải. Anh vốn đau yếu triền miên. Lịch uống thuốc mỗi ngày từ sáng đến tối dài dằng dặc. Những ngày cơn đau hành hạ nhiều, anh trở nên cáu bẳn.

Vất vả dạy học, chăm sóc chồng, nhưng gần anh, chứng kiến nỗi đau thân thể mỗi ngày, chị càng thương anh nhiều hơn. Không biết trời xanh có cảm thông với tấm chân tình của chị hay không, nhưng chỉ khoảng một năm sau, các bác sĩ và thành viên của Trung tâm Điều dưỡng Long Hải đều thừa nhận sức khỏe của anh cải thiện đáng kể. Nhiều người đùa, chị là chiếc máy trị liệu, phục hồi chức năng kỳ diệu. Nhưng, điều bất ngờ đến khó tin với chính anh chị hơn nữa là sau một thời gian anh tạm phục hồi thì chị mang thai. Bé Bảo Anh ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình nội ngoại lẫn bạn bè đồng nghiệp, đồng đội của anh chị.

Hành trình hơn 10 năm cho cuộc hôn nhân mà theo số đông là không bình thường của cô giáo Phan Thị Minh Tâm được chị nhẩn nha tổng kết: “Thà rằng ăn nửa trái hồng, còn hơn ăn cả chùm sung chát lè”. Chị cũng chia sẻ rất thật rằng, với chị, anh như nửa trái hồng, tuy không trọn vẹn nhưng mang lại cảm giác hạnh phúc ngọt ngào. Hạnh phúc, biết đủ sẽ đủ. Đôi khi, cứ tưởng rằng chúng ta cho đi nhưng lại được nhận rất nhiều. Đến với anh, chị cứ nghĩ mình là điểm tựa, động viên anh chống chọi bệnh tật, song thực tế, anh lại đang là bờ vai vững chắc cho chính chị và con
Theo Công An Nhân Dân

Bình luận(0)