Đã hơn 30 phút, anh cứ nhìn chăm chăm vào tấm biển “Phòng thủ thuật sản” mà ruột gan nóng bừng. Thỉnh thoảng thấy có người đi ra, anh lại chạy đến hỏi đủ điều, nhưng người ta chỉ thông báo ngắn gọn là đã “mở bao nhiêu phân”. Anh không hiểu lắm những điều đó, chỉ quan tâm đến chuyện là em đã sinh chưa?
Thời gian trôi thật chậm. Anh nhìn đồng hồ nhích từng phút mà đứng ngồi không yên. Duy chỉ có mẹ em là vẫn ngồi điềm tĩnh, chỉ cười khi nghe anh hỏi liên tục: “Sao lâu thế hả mẹ? Mình còn thiếu gì nữa không ạ? Nước sôi, sữa đem theo rồi đúng không mẹ?...”. Những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, nhưng chừng ấy lần mẹ vẫn trả lời anh. Có lẽ những gì em đang trải qua bên trong cánh cửa ấy, từng là những gì mẹ đã trải qua và mẹ chắc cũng hiểu được tâm trạng rối bời của một người sắp được làm bố như anh.
|
Ảnh minh họa.
|
Quanh anh có nhiều người sắp được lên chức bố. Có người đang dẫn vợ đi dạo, hình như bác sĩ bảo làm vậy vợ sẽ dễ sinh hơn. Nếu biết trước, hẳn anh đã dắt em đi thật nhiều để vào trong kia em đỡ vất vả. Còn người thì cứ hỏi vợ liên tục: “Có đói không em? Có đau không em? Em thấy sao rồi…”. Nhìn nụ cười rạng ngời trên gương mặt người vợ, nhìn vào đôi bàn tay xoa nhẹ lên bụng vợ của anh chồng kia, anh tin, khoảnh khắc đó, họ là những người hạnh phúc nhất.
Đây là lần đầu tiên anh nhận ra đàn ông trên thế giới dù khác nhau đến mấy cũng đều có điểm chung là những ông bố vụng về và đầy lo lắng. Nghĩ như thế, anh có cảm giác vững tin hơn và biết trong cuộc chiến này, cả anh và em đều không hề cô đơn. Anh cũng không ngờ, một thằng đàn ông như anh trong giây phút này lại thật yếu đuối, không thể làm điều gì khác ngoài việc nhấp nhổm lo lắng. Anh không thể biết những cảm giác em đang trải qua, sự đau đớn khi sinh con anh cũng không thể sẻ chia cùng em, nhưng anh muốn em biết rằng, người đầu tiên em nhìn thấy sau khi vượt cạn sẽ là anh. Anh muốn em biết, dù ở bên ngoài hay bên trong, chỉ cách nhau một cánh cửa thì chúng ta vẫn không hề cô đơn.