Gã bối rối lắm, bối rối với bản thân và bối rối với thiên hạ. Bối rối với vợ vì không biết đánh giá vấn đề thế nào cho đúng. Người ta thì bảo vợ gã vô duyên, kẻ thì bảo vô tâm, vô ý, còn gã thì thấy vợ vô tư... Vợ gã thì luôn miệng bảo: "Người ta nói gì mặc kệ, vợ là vợ".
Bình thường trong mắt gã thì vợ như thế đã là nhất vì vợ gã xuề xòa, thoải mái, “thẳng tuột móng heo”. Lúc nào vợ gã cũng cười nói, không để bụng, chấp nhặt ai bao giờ. Chính vì vui tính nên nhiều hôm gã đang cáu kỉnh, nhìn thấy vợ, khuôn mặt cũng giãn ra được vài... mét da.
Đáng ra vì thế gã sẽ vui. Thế nhưng gã lại đâm ra bối rối vì phải chăng mình khác người nên mới coi vợ là xuất chúng, tốt nhất thế gian đúng như mẹ gã, em gã và vài người bạn đã ghé qua nhà gã dùng cơm từng nói?
Gã muốn ngồi lại suy tư, chiêm nghiệm, rà soát lại những việc vợ gã từng làm để có đưa ra kết luận thỏa đáng nhất cho câu hỏi: gã có phải là kẻ khác người?
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Gã nhớ lại cách đây không lâu, vừa nghe tin em dâu sinh con, vợ phóng như bay về nhà, lôi tuột gã vào bệnh viện. Đi hết dãy hành lang, hai vợ chồng vừa toan đẩy cửa bước vào phòng sau sinh thì mẹ gã xuất hiện.
Bà đứng chặn trước mặt, tròn mắt nhìn gã rồi hỏi: “Vào đây làm gì?”. Gã đang gãi đầu gãi tai thì vợ nhanh nhảu: “Tụi con đi thăm em dâu đẻ” rồi dúi dụi đẩy gã vào.
Mẹ gã kéo sượt gã ra và phán một câu xanh rờn:
“Gái đẻ, đi ra. Người đâu mà vô ý lôi tuột cả chồng vào”. Hôm đó gã đi ra, ngồi dưới sân bệnh viện chờ vợ gần 1 tiếng đồng hồ nhưng tựu lại gã vẫn không tìm ra vợ gã vô ý ở chỗ nào.
Rồi hôm trước nữa, khi bà hàng xóm sang phàn nàn chuyện anh con trai đang công tác trong Nam bị ốm. Xót con, bà bảo con dâu mua vé máy bay vào xem tình hình anh thế nào nhưng chị không đi.
Nghe bà cụ có vẻ bắt đầu nổi xung với con dâu, vợ gã hềnh hệnh cười rồi cắt lời bà cụ: “Chị ấy đi rồi thì thằng nhóc còn dính lấy cái bầu vú mẹ giao cho ai. Bà lo quá thôi. Con nghe chị ấy nói anh nhà cụ chỉ bị sốt nhẹ, không đáng lo...”.
Vừa dứt lời, bà cụ giận dỗi đứng phắt dậy:
“Các chị con dâu rặt một lòng”. Bà cụ giận vợ gã từ hôm đó mặc kệ chị chào hỏi. Gã thấy vợ gã chí lý, đàn ông, sổ mũi, hắt hơi, ốm đau một tí là chuyện xoàng.
Gần đây nhất nhà có khách, đáng ra đã mời người ta xơi cơm, nàng chỉ cần nhỏ nhẹ, đon đả bảo: “Bác ngồi chơi, nói chuyện rồi ở lại dùng bữa với vợ chồng em” thì khách cũng vui mà chủ chính trong nhà là gã cũng mát mặt. Thế nhưng nàng bộc trực thế bằng một câu: “Bác gái xuống đây phụ em một tay, nấu nhanh, ăn nhanh... để hai ông ngồi đó...”.
Lúc đó gã cũng hơi đỏ mặt vì vợ xuề xòa quá, người ta là khách và gã phải chữa thẹn giúp vợ bằng câu nói khách sáo. Gã thấy chuyện này vợ gã hơi đơn giản hóa. Vợ gã có chút sai... nhưng đâu đến nỗi thảm tệ.
...
Hôm nay, vừa đi làm về đến cổng, bà chị họ ở đâu chạy tới, vẻ mặt không vui nói dỗi với gã: “Cậu khéo kén được mợ ấy. Ăn nói như tạt nước vào mặt”.
Níu kéo mãi bà chị ấy mới gằn giọng kể lại chuyện vợ gã không xoa dịu, vun vào mà phê phán đứa con trai chị lười, làm khổ vợ để đến nỗi con dâu chị ấy đang xuôi dần việc không li dị chồng thì giờ nó dứt khoát đòi chia tay. Gã ngẫm ra thì thằng ấy bài bạc, rượu chè lại còn chơi gái. Rõ là nó làm khổ vợ. Rõ là đáng bỏ lắm. Gã vẫn thấy vợ đúng...
Còn cả tá chuyện nữa, gã nghĩ đến đau đầu nhưng vẫn thấy vợ có lý của vợ mà gã thì cũng thấy lý đó đâu có sai. Bởi vậy gã mới thấy bối rối...
Thôi kệ, gã thích vợ gã, một người đàn bà hềnh hệch, tính nết dễ chịu, thoải mái. Gã thấy thoải mái, yêu đời khi sống bên vợ. Thế là được, mặc người ta nói vợ vô... gì thì cũng kệ!