9 giờ tối, chồng của cô bạn thân báo tin: “Q.N đã sinh em bé 3,4 kg. Mẹ con đều khỏe”. Cô bạn tôi sinh con đầu lòng. Đám bạn cũ hẹn nhau chiều hôm sau sẽ vô thăm Q.N. Đứa nào cũng đoán già, đoán non xem thằng bé giống ai vì Q.N rất đẹp, còn anh xã thì thuộc loại xí trai. Thế nhưng, chúng tôi chẳng phải chờ lâu vì sáng sớm đã thấy ảnh hai mẹ con đầy trên Facebook của vợ chồng Q.N.
Kim, cổ đụng nhau
Tôi chỉ cho mẹ chồng tôi - vốn trước đây là cô mụ vườn ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) - xem ảnh mẹ con Q.N, mẹ tôi trố mắt: “Mới sinh hồi tối mà đã chụp hình khoe tùm lum vậy hả?”. Tôi cười: “Bây giờ ai cũng vậy mà mẹ? Có internet nên thông tin lan truyền nhanh như gió”. Mẹ chồng tôi lắc đầu: “Ai làm sao mặc kệ, chớ mai mốt con là không được. Con nít mới sinh, chụp hình là không nên”. Tôi không dám tranh cãi với “trưởng bối” vì biết mẹ tôi vẫn giữ những quan niệm truyền thống của ông bà.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Buổi chiều, khi chúng tôi vô thăm Q.N, đã thấy cô bạn cầm điện thoại lướt Facebook cám ơn bạn bè. Nhìn Q.N phong phanh trong chiếc áo sát nách, tôi lấy áo khoác đưa cho Q.N: “Mặc vô kẻo lạnh!”. Cô bạn tôi cười to: “Lạnh lẽo gì, nóng muốn chết đây nè”. Nghịch lý là ở ngay giường bên cạnh, một chị trạc tuổi chúng tôi đang mặc áo trong, áo ngoài; đầu trùm khăn, hai tai nút chặt bông gòn, chân còn mang vớ. Nuôi chị đẻ, ngoài ông xã còn có bà mẹ chồng. “Nó sinh đứa thứ ba rồi, bác bảo đưa lên trên này cho yên tâm” - bà mẹ chồng quê Long An cười hồn hậu. Rồi bà chỉ cô bạn tôi: “Mấy đứa cháu bây giờ tân thời quá, mới đẻ mà phong phanh như vầy thì mai mốt yếu ớt lắm. Coi bác nè, 86 tuổi, 9 đứa con mà giờ vẫn mạnh tay, mạnh chân...”. Nói xong bà lại cười, trong khi tôi chưng hửng vì cứ nghĩ bà chừng ngoài 60 tuổi.
Chẳng cần kiêng cữ
Chỉ gói gọn trong căn phòng của mấy “bà đẻ” mà tôi đã chứng kiến biết bao điều thú vị. Phòng có 8 người thì 6 người sinh con so, 2 người sinh con rạ. Đối diện với giường của bạn tôi là một chị sinh con trước bạn tôi mấy giờ. Chị đang nằm đọc báo chăm chú, thỉnh thoảng thò tay lấy một miếng mận trong chiếc dĩa để bên cạnh nhai nhóp nhép.
Chúng tôi đang chuyện trò thì có một chị đi vào, tay xách túi đồ. Nhìn là biết ngay chị vừa đi siêu thị về. Tôi nghĩ chị đi thăm người nhà nằm cùng phòng với bạn mình nhưng tôi “bật ngửa” khi thấy chị vào nhà tắm thay quần áo rồi leo lên chiếc giường trong góc phòng. Ra là chị cũng vừa sinh em bé được hơn 1 ngày. Chị làm ở sở giáo dục - đào tạo tỉnh T., có chị ruột ở TP HCM. “Má chồng tôi chuẩn bị rượu nếp than, vỏ tỏi, nghệ, tiêu... cho tôi nằm ổ. Tôi ớn quá nên chạy tuốt lên trên này, đợi cháu ra ngoài tháng mới về. Nói thiệt là gặp mấy bà già chồng ở quê, mệt muốn chết” - chị vừa bày biện mọi thứ trong bọc ra vừa vui vẻ kể.
Câu chuyện của chúng tôi đang rôm rả thì một chị khác từ phòng tắm bước ra. Chị vừa đi vừa lau tóc. Thấy tôi nhìn, chị cười: “Ở nhà quen tắm ngày mấy cữ, vô trong này mới có một ngày hổng tắm đã thấy người khó chịu”. Nói rồi chị bước tới định vặn cái quạt trần thêm nấc nữa nhưng thấy quạt đã ở mức tối đa nên chị quay về giường của mình. Ở đó, anh chồng đã pha sẵn bình sữa. Chị vừa cho con bú, vừa nói như phân bua: “Tập cho con bú bình để mai mốt mình đi làm cho khỏe; nếu không, bị con đeo dính thì mệt lắm, mình lại mất phom”.
Đâu phải cái gì tân thời cũng tốt!
Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Vũ Kim Khôi kể mẹ ông có 10 người con. Năm nay bà 92 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông cho biết: “Mẹ tôi nói hồi thời của bà, phụ nữ sinh con còn trong tháng chỉ được lau mình chớ không tắm; đi đứng thì phải đi nối gót chân để không bị sa tử cung; sáng sớm phải đốt một mẻ than, cho vỏ tỏi vô rồi ngồi lên hơ cho tử cung mau co lại; không được đọc sách báo sớm để mắt khỏi bị mờ... Rồi thì phải đâm nghệ tươi thoa lên mặt cho đẹp da; nước thì phải kiêng cữ tới ra ngoài tháng; bà đẻ cũng không được ăn đồ chua sớm để không bị tiểu són... Mẹ tôi nói phụ nữ sinh đẻ như con cua lột, yếu ớt lắm, phải giữ gìn. Tôi nghĩ bây giờ xã hội tiến bộ, có thuốc men này nọ nhưng cũng không nên coi thường kinh nghiệm của ông bà. Thực tế cho thấy ngày nay nhiều chị em mới sinh nở đôi, ba lần đã “xuống cấp” nghiêm trọng, đau mình, nhức xương, hay quên... Đâu phải cái gì tân thời cũng tốt!