Tranh cãi gay gắt về quy định xe máy phải bật đèn 24/24h

Google News

Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện 24/24h khi tham gia giao thông đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
 
 
 

LTS: Tại khoản 3, điều 27 của dự Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.
Như vậy, điều này được hiểu là khi Luật Giao thông đường bộ mới được thông qua, người lái mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông bắt buộc phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước quốc tế về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông.
Hai luồng ý kiến trái ngược
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện. Còn ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao, việc sử dụng đèn 24/24h là không cần thiết.
“Bật đèn sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc-quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt,…” - ông Quyền nêu quan điểm.
Tranh cai gay gat ve quy dinh xe may phai bat den 24/24h
Xe máy chiếm một số lượng đông đảo tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hiệp 
Theo khảo sát tại một số diễn đàn trên mạng xã hội về ô tô xe máy trong những ngày qua, ước tính có đến 80% người dân bày tỏ ý kiến phản đối quy định này.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) cho biết, các xe máy ở Việt Nam hiện nay hầu hết đều không có đèn nhận diện ban ngày riêng biệt mà sẽ chủ yếu phải dùng đèn pha. Quy định này chẳng khác gì việc bắt bật đèn pha cả ngày.
Còn anh Phạm Thành Luân (Hải Phòng) cho rằng, trong những ngày hè, nhiệt độ ngoài đường đến 40-45 độ C, nếu tất cả xe máy đều phải bật đèn pha thì chúng ta hình dung sẽ bức bối, khó chịu như thế nào?
Ở chiều hướng ngược lại, dù chỉ với khoảng 20% ý kiến đồng tình nhưng nhóm này cũng đưa ra những luận điểm rất thuyết phục.
Chuyên gia về ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho rằng việc bắt buộc bật đèn xe cả ngày tại Việt Nam cần áp dụng sớm vì châu Âu đã sử dụng từ 20 năm nay. Vị chuyên gia này đưa ra số liệu trích dẫn từ Châu Âu, xe bật đèn ban ngày giúp giảm được khoảng 20% tai nạn trực diện vì ánh sáng của đèn có thể làm cho tài xế nhận diện từ xa.
“Nhiều người cho rằng việc bật đèn sẽ làm cho xe tiêu hao nhiên liệu, tốn điện, tốn xăng và dễ bị hư hỏng hơn nhưng trên thực tế xe gắn máy hay thậm chí cả xe ô tô tỉ lệ tiêu hao nhiên liệu do bật đèn quá thấp, không đo lường được”, ông Đồng nhận định.
Anh Nguyễn Nam (TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, anh đã đi nhiều nước trong khu vực, có điều kiện tương tự chúng ta như Thái Lan, Malaysia,… đều bắt buộc phải bật đèn xe máy trong cả ngày.
“Điều này được cánh tài xế ô tô các nước này rất ủng hộ vì sẽ phát hiện được xe máy từ xa để có biện pháp phòng tránh hợp lý”, anh Nguyễn Nam cho hay.
Tranh cai gay gat ve quy dinh xe may phai bat den 24/24h-Hinh-2
Nhiều nước trên Thế giới đã áp dụng quy định bặt buộc bật đèn xe 24/24h từ cách đây rất nhiều năm. Nguồn: Nohat.cc 
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Ông Hoàng Thế Tùng - Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), thành viên Ban soạn thảo cho biết, Việt Nam đã tham gia vào luật Công ước Viên 1968 từ năm 2014.
Trong luật Công ước Viên 1968 có quy định phải bật đèn nhận diện suốt cả ngày đã được thông qua bởi hội đồng và được nhiều nước áp dụng. Theo đó, đèn nhận diện là đèn DLR giống như đèn led (không phải đèn cos hay đèn pha) và cứ mở khóa bật điện là nó sẽ lên.
“Công ước cũng quy định, nếu xe không có đèn nhận diện, thì người ta cho phép dùng đèn cos (không được dùng đèn pha). Hiện nay các loại xe máy đều được sản xuất có đèn nhận diện”, ông Tùng nói.
Theo ông Hoàng Thế Tùng, do Việt Nam đã tham gia luật công ước Viên 1968, do vậy, để nội luật hóa Công ước này, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất đưa thêm quy định phải bật đèn nhận diện vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
“Quy định này sẽ được lấy ý kiến người dân khoảng đến hết tháng 5, rồi được tổng hợp lại, sau đó trình Chính phủ, Quốc hội thông qua”, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông chia sẻ.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh thông tin, trong khu vực ASEAN hiện nay chỉ còn 3 nước là Việt Nam, Lào và Campuchia là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy.
“Tất cả các nước khác trong ASEAN đều đã thể chế hóa thành quy định pháp luật và đã thực hiện từ rất lâu, như Malaysia từ 1992, Singapore 1995 hay Thái Lan năm 2005”, ông Minh cho biết.
Theo tìm hiểu, quy định về việc bật đèn chạy xe ban ngày (daytime running light/lamp - DRL) đã được khởi xướng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Tranh cai gay gat ve quy dinh xe may phai bat den 24/24h-Hinh-3
Nhiều nước khu vực Bắc Âu, Bắc Mỹ mùa đông thường không có ánh sáng mặt trời. Nguồn: Vnreview.vn4/24h 
Điều này bắt nguồn từ việc ở các nước ôn đới và hàn đới (vĩ độ cao) có thời gian ánh nắng chiếu không nhiều. Đặc biệt ở các nước càng gần cực bắc như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Canada, có những ngày đông gần như không có ánh Mặt Trời.
Bên cạnh đó, vào những ngày sương mù hoặc tuyết rơi, tầm nhìn rất hạn chế và đường rất trơn trượt. Do đó việc bật đèn xe kể cả ban ngày khi tham gia giao thông ở những nước này gần như là hiển nhiên nhằm tránh bị phương tiện khác va chạm phải.
Canada bắt đầu quy định các phương tiện phải trang bị DRL bắt đầu từ 1990. Và hầu hết đều được "sao chép" lại quy định của các nước Scandinavi. Sau đó, Mỹ cũng "học tập" theo Canada bằng một dự thảo năm 1990 cho phép (chứ không bắt buộc) các phương tiện ở Mỹ được trang bị DRL.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tại Việt Nam cũng cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trước khi ban hành luật bởi đối tượng bị ảnh hưởng với chính sách này rất đông đảo, có thể chiếm tới 60 - 70% dân số.
“Nếu đã là luật thì tất cả mọi công dân đều phải tuân theo, đồng thời lực lượng chức năng có quyền xử phạt người vi phạm theo đúng quy định. Tuy vậy, nếu ban hành mà chưa có những bước chuẩn bị kỹ càng, chưa tuyên truyền đủ sâu rộng thì có thể sẽ gặp phải sự phản đối của Nhân dân”, Luật sư Thắng nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Hoàng/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)