Ngày 6-3, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngành giao thông, cùng nhiều chuyên gia đề nghị có chế tài thật nặng đối với lái xe vi phạm.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể còn đề ra hàng loạt giải pháp cứng rắn để ngăn chặn việc "lách" luật như bắt người mất bằng lái xe phải thi lại.
|
Ủy viên Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thủy |
Thay mặt nhóm nghiên cứu của UBTP, Ủy viên Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thủy nêu một số vấn đề nổi bật của ATGT và đề nghị Bộ Công an giải trình như tình trạng lái xe sử dụng ma túy nhưng công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Bộ GTVT giải trình trong công tác đào tạo, cấp bằng lái xe, thay vì dạy "bài bản" thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi", "bao đậu" tại một số cơ sở cấp bằng lái xe.
Trước thực trạng trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị đối với lái xe bị phát hiện sử dụng ma túy phải ghi thẳng vào lý lịch và cấm vĩnh viễn làm lái xe kinh doanh chuyên nghiệp.
Nhìn rộng hơn, nguyên phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền cho rằng chỉ ra ý thức của người dân để nói về nguyên nhân của TNGT là không hoàn toàn đúng mà cần phải xem xét cả trách nhiệm của cơ chức năng nhà nước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất người dân muốn cấp lại bằng lái xe bị mất phải thi lại |
Trực tiếp giải trình các chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết về công tác đào tạo sát hạch lái xe, bộ đã chỉ đạo hiện nay tập trung rất cao độ và đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp bằng lái xe vào cuối năm 2018.
Trong đó có việc thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, tăng cường giám sát kiểm tra và các tình huống tập lái xe trong sa hình.
"Tôi đang đề xuất quy định nếu học viên khi thi mà không nắm rõ quy định đèn đỏ báo hiệu đường sắt thì cho rớt ngay. Hoặc đường đèo vẽ một vạch sơn liền, nếu vi phạm cũng cho rớt ngay. Những quy định này mà không nắm chắc khi ra đường vi phạm hậu quả sẽ không thể khắc phục"- ông Thể chia sẻ.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ GTVT, hiện nay cứ 100 người thi bằng lái xe thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3. Tất cả các cơ sở đào tạo hiện nay là xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát và cơ sở nào phát hiện có vi phạm thì có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe. Đây là loại hình đào tạo đặc biệt, cần xử lý nghiêm một số cơ sở đào tạo để bảo đảm các cơ sở khác phải có điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo.
|
Bằng lái xe giả bị phát hiện tại TP HCM - Ảnh: Thành Đồng |
Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm.
"Chúng tôi cũng đề xuất theo hướng người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ các môn mới được cấp bằng mới. Việc này để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi nhưng do công tác quản lý còn hạn chế. Thực tế có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, người vi phạm "lách luật" để có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba nhằm tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh" - ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thể, Bộ GTVT đang đề xuất quy định nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng thì một là thu hồi vĩnh viễn bằng lái, hoặc con người đó không cho lái xe nữa, hoặc tăng thời gian thu hồi bằng trong vòng 10-15 năm để bảo đảm tính răn đe. Bởi các TNGT hiện nay chủ yếu rơi vào ý thức chấp hành của lái xe là chủ yếu.
"Tôi đồng tình là cần có hồ sơ cá nhân của các đối tượng lái xe vi phạm gây tai nạn. Nếu chúng ta có lý lịch và quản lý chặt những vi phạm này được ghi vào hồ sơ tư pháp của lái xe hay chủ doanh thì sẽ là giải pháp căn cơ. Rất mong các cơ quan ủng hộ việc ban hành quy định này"- ông Thể đề nghị.
Đáng chú, ý, Bộ GTVT đang ban hành các thông tư cụ thể hoá Nghị định 138 đi theo hướng quy trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải.
"Cần quy định pháp luật tất cả các lái xe vi phạm thì phải xử lý nghiêm cả doanh nghiệp hoặc chủ phương tiện giao phương tiện cho lái xe. Như vụ tai nạn nghiêm trọng ở Long An có lái xe sử dụng ma túy sẽ xử lý hình sự lái xe và vận dụng để xử lý cả doanh nghiệp. Hoàn chỉnh được thể chế, thực thi nghiêm minh thì chỉ cần làm vài vụ thôi, ý thức xã hội sẽ không như hiện nay"- ông Thể nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng sử dụng ma tuý đã là vi phạm pháp luật mà còn lái xe gây tai nạn thì không đủ tư cách, đạo đức để được lao động như một công dân bình thường. Vì thế, một số nước như Trung Quốc sẽ tịch thu bằng vĩnh viễn đối với trường hợp lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn.