"Cuộc di cư" của các hãng xe phương Tây đã thu hẹp lựa chọn của người tiêu dùng Nga khi mua ôtô mới. Sau khi các hãng xe phương Tây rời đi, thị trường Nga được lấp chỗ trống bằng ôtô Trung Quốc. Điều này buộc khách hàng phải miễn cưỡng chấp nhận các thương hiệu xe ôtô Trung Quốc tại Nga dù giá bán cao hơn.
Theo dữ liệu do công ty phân tích Autostat và công ty tư vấn PPK đưa ra, trong 2 tháng đầu năm nay, các thương hiệu ôtô Trung Quốc như Haval, Chery hay Geely chiếm gần 40% trong tổng lượng xe mới bán ra tại thị trường Nga, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội là nhờ sự rời đi của những hãng xe như Renault, Nissan và Mercedes-Benz.
|
Những chiếc xe Haval do Great Wall Motor của Trung Quốc sản xuất được trưng bày tại đại lý ở Artyom, gần Vladivostok, Nga (ảnh: Reuters)
|
Tuy nhiên, có những vấn đề đang dần xuất hiện tại thị trường Nga. Trao đổi với phóng viên tờ Reuters, một số khách hàng mua xe tại Nga, bao gồm cả cá nhân lẫn đại lý, cho biết chất lượng ôtô Trung Quốc tại Nga vẫn thấp hơn các đối thủ phương Tây. Chuyên gia trong ngành công nghiệp ôtô cũng khẳng định các hãng xe Trung Quốc cần nâng cao danh tiếng ngay cả khi thị phần tăng mạnh.
Anh Stepan (28 tuổi, người có nhiều kinh nghiệm lái ôtô Trung Quốc thông qua dịch vụ chia sẻ xe), là một trong những khách hàng Nga cần được thuyết phục. Trong số những phàn nàn của mình về xe Trung Quốc, anh Stepan có nhắc đến cảm giác lái mượt mà.
"Tôi đã mua một chiếc Skoda vào năm 2022. Nếu bạn muốn nghe ý kiến thật của tôi thì sự khác biệt (so với xe Trung Quốc) là rất lớn", anh Stepan nói với phóng viên Reuters tại đại lý xe ôtô Favorit Motors ở Moscow.
Skoda - thương hiệu con của tập đoàn Volkswagen - là một trong số ít những thương hiệu xe phương Tây đặt nhà máy sản xuất ôtô ở Nga. Skoda hiện cũng đang hoàn tất việc thanh lý tài sản trong làn sóng cấm vận của phương Tây đối với Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine vào hồi tháng 2 năm ngoái.
Khi mua chiếc ôtô Trung Quốc mới, ông Alexander (74 tuổi) đã tìm kiếm xe có công nghệ của Thụy Điển. "Tôi tin rằng theo thời gian, độ bền của sẽ được cải thiện", ông Alexander nói. "Ví dụ, tôi biết rằng Geely Tugella dùng động cơ của Volvo. Đó là lý do vì sao tôi mua chiếc xe này".
|
Một nhân viên đang gắn biển lên chiếc xe do hãng ô tô Trung Quốc Geely sản xuất ở đại lý tại Moscow, Nga (ảnh: Reuters)
|
Mặc dù đang dần lấp chỗ trống tại thị trường Nga nhưng xe Trung Quốc vẫn gặp phải một vấn đề, đó là thiếu danh tiếng. "Đúng là họ giờ đây gần như không còn đối thủ nào nữa", chuyên gia phân tích ngành ôtô Sergey Aslanyan, nói. "Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ nhanh chóng thay đổi định kiến".
Vào hôm 24/3/2023, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết sau chuyến viếng thăm Trung Quốc vào hồi tháng 12/2022, việc hợp tác với các hãng xe của đất nước tỷ dân rất tốt và sự định kiến của người tiêu dùng hiện đã lỗi thời.
"Chúng ta từng cười cợt một số thiết kế của họ, nhưng khi lái ôtô Trung Quốc và nhìn những chiếc khác, tôi có thể thẳng thắn nói rằng chiếc xe mà tôi lái chắc chắn không kém xe Mercedes", ông Medvedev khẳng định.
Từ đầu những năm 2000, để giành thị phần với các các nhà sản xuất ôtô nội địa, một số hãng xe phương Tây đã bắt đầu xây dựng nhà máy tại Nga. Tuy nhiên, từ mùa xuân năm ngoái, phần lớn các hãng xe phương Tây đã ngừng hoạt động ở Nga.
"Chúng ta đã dành cả đời để tập trung vào các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và không thực sự cân nhắc thị trường Trung Quốc vốn đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc", ông Vladimir Shestak, Tổng giám đốc công ty Altair-Auto in Vladivostok hiện đang sở hữu các đại lý chuyên về xe Mercedes-Benz và Geely, lên tiếng.
Mặc dù phần lớn các hãng xe nước ngoài đã và đang rời Nga nhưng lượng ôtô tồn kho hoặc nhập khẩu tư nhân khiến xe của một số thương hiệu vẫn đang tiếp tục được bán tại thị trường này.
|
Một chiếc xe do hãng ôtô Trung Quốc Chery sản xuất được trưng bày tại đại lý ở Vladivostok, Nga (ảnh: Reuters)
|
Để đẩy mạnh tăng trưởng, thương hiệu Haval thuộc hãng xe Great Wall Motor đã bắt đầu sản xuất ôtô tại Nga. Trong khi đó, thương hiệu ra đời từ thời Liên Xô cũ Moskvich đã quay trở lại thị trường nhưng sử dụng động cơ, thiết kế và kỹ thuật của hãng xe Trung Quốc JAC.
Ngoài chất lượng xe, người Nga còn phàn nàn về một vấn đề nữa, đó là giá bán. Ngay cả ông Medvedev cũng cho rằng xe Moskvich có giá khá cao. Moskvich 3 hiện có giá khoảng 2 triệu Ruble (26.195 USD) trong khi con số tương ứng của Lada Granta - mẫu xe bán chạy nhất tại Nga - chỉ khoảng 680.000 Ruble.
"Trung Quốc đang mang nhiều mẫu xe đến Nga nhưng nếu nói về giá cả, chưa kể đến chất lượng, thì không rẻ chút nào", ông Maxim Kadakov, Tổng biên tập tạp chí Behind the Wheel, nhận xét.
Trong năm 2022, lượng xe mới bán ra tại thị trường Nga đã giảm đến 58,8% do nhu cầu mua xe phương Tây của người tiêu dùng và chất lượng cuộc sống đi xuống. Người Nga thắt chặt chi tiêu và chuyển sang mua ôtô cũ nhiều hơn.