Không quá lời khi nói rằng cụm pin chính là bộ phận quan trọng nhất của một chiếc ôtô điện. Đồng thời, đây cũng là một trong những bộ phận phức tạp nhất của ôtô điện. Pin xe ôtô điện vừa có giá cao, vừa có thể bị xuống cấp, đòi hỏi phải bảo dưỡng và sạc đúng cách.
Những người dùng ôtô điện có lẽ đã không còn xa lạ với lời khuyên chỉ nên sạc pin đến dung lượng 80% thay vì 100%. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ lý do vì sao nên làm như vậy. Lời khuyên này trên thực tế không liên quan gì đến việc rút ngắn thời gian sạc pin. Thay vào đó, mục đích của việc sạc pin lên 80% là nhằm đảm bảo tuổi thọ của pin ôtô điện.
Lý do vì sao không nên sạc đầy pin ô tô điện lên 100%
Như đã biết, ôtô điện hiện có 3 cấp độ sạc, được chia dựa trên tốc độ và công suất sạc. Trong đó, bộ sạc cấp độ 3 hay sạc DC được các nhà sản xuất quảng cáo là có thể tăng dung lượng pin lên khoảng 80% trong thời gian chỉ 30 phút. Tuy nhiên, theo công ty chuyên nghiên cứu ôtô Kelly Blue Book của Mỹ, sử dụng sạc nhanh không phải lúc nào cũng giúp tăng tốc độ sạc, nhất là trong trường hợp dung lượng pin ôtô điện ở mức dưới 20% hoặc trên 80%. Đây là tính năng an toàn để bảo vệ pin đồng thời khuyến khích người lái giữ dung lượng pin trong khoảng tối ưu là 20-80%.
|
Nếu không muốn pin chiếc xe ôtô điện của bạn nhanh bị xuống cấp và hư hỏng, đừng nên cố gắng sạc đầy đến 100%. |
Sạc pin lithium-ion từ dung lượng 0% lên 100% được gọi là một chu kỳ sạc. Đây là yếu tố chính khiến pin bị xuống cấp. Với điện thoại, việc pin bị xuống cấp không quá nghiêm trọng vì nhiều người thường có xu hướng thay pin hoặc mua mới sau 2-3 năm sử dụng. Với ôtô điện, pin cần phải có tuổi thọ dài hơn thế. Đó là lý do vì sao phần lớn các nhà sản xuất đều tích hợp bộ hãm vào ôtô điện để ngăn pin cạn kiệt xuống mức 0% hoặc sạc đầy đến 100%. Điều này nhằm giảm số lượng chu kỳ sạc, hạn chế nguy cơ thoái hóa pin cũng như duy trì phạm vi hoạt động của ôtô điện.
|
Chỉ nên sạc pin ôtô điện đến 80% để đảm bảo tuổi thọ.
|
Vậy lý do vì sao không nên sạc đầy pin ôtô điện đến 100%? Nguyên nhân là do khi được sạc đầy đến 100%, pin sẽ nóng lên. Theo một nghiên cứu của trang nature.com, nhiệt độ "có tác động lớn đến hiệu suất, độ an toàn và vòng đời chu kỳ của pin lithium-ion". Cụ thể hơn, nhiệt độ ảnh hưởng đến lớp điện ly rắn giao pha (Solid Electrolyte Interphase - SEI) của pin lithium-ion. SEI cho phép ion lithium đi qua nhưng lại bảo vệ để cực dương không bị ăn mòn. Khi SEI bị biến đổi, khả năng bảo vệ cực dương sẽ giảm xuống và những phản ứng hóa học thông thường trong pin cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiệt độ còn tạo ra các vết nứt và khe hở cho pin, dẫn đến những phản ứng hóa học không mong muốn. Dần dần, pin sẽ bị xuống cấp và hư hỏng.
Có cần đêm nào cũng sạc pin cho ôtô điện không?
Theo dữ liệu của Cục Giao thông Liên bang thuộc Bộ Giao thông Mỹ, quãng đường trung bình mà người dân nước này di chuyển mỗi năm rơi vào khoảng 14.300 dặm (tương đương 23.013 km), tức là 275 dặm (442 km) mỗi tuần. Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy những mẫu ôtô điện có phạm vi di chuyển dài nhất đều có thể chạy trên dưới 442 km sau 1 lần sạc. Ngay cả những mẫu ôtô điện có phạm vi hoạt động ngắn hơn cũng có thể giúp người dân đi được gần 1 tuần nếu chỉ lái khoảng 39 dặm (63 km) mỗi ngày. Nói cách khác, trừ khi thường xuyên phải đi xa, bạn không cần thiết phải sạc ôtô điện mỗi đêm. Xe dùng động cơ đốt trong không cần phải đổ xăng, dầu hàng ngày và việc sạc ôtô điện cũng vậy.
|
Nếu không thường xuyên phải đi xa, bạn không cần phải sạc pin cho ôtô điện mỗi đêm.
|
Việc sạc pin cho ôtô điện mỗi đêm, đặc biệt là dùng bộ sạc nhanh, có thể khiến pin nhanh bị thoái hóa. Nếu sạc pin qua đêm, tốt nhất là nên dùng bộ sạc với tốc độ chậm hơn để giảm chu kỳ sạc từ 0-100%. Không phải chiếc ô tô điện nào cũng có bộ hãm để ngăn sạc pin quá 80% nên cẩn thận vẫn hơn. Bạn cũng nên tập thói quen chỉ sạc pin xe lên 80% hoặc sạc đủ để đi trong ngày rồi rút sạc ra. Làm như vậy, bạn có thể đảm bảo được tuổi thọ pin và duy trì phạm vi hoạt động của xe.
Ôtô điện có thể để không bao lâu mà không cần sạc?
Bạn không nên để không chiếc ôtô điện của mình với dung lượng pin 0% trong một thời gian dài vì sẽ khiến pin bị xuống cấp. Ngay cả khi nằm im một chỗ, ôtô điện vẫn giảm dần dung lượng pin. Do đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra dung lượng pin của xe và duy trì ở mức từ 20-80%. Việc thay pin cho ôtô điện sẽ rất tốn kém nên đừng quên chú ý đến chiếc xe của bạn.
Thay pin cho ôtô điện hết bao nhiêu?
Chi phí thay pin cho ôtô điện sẽ thay đổi theo từng mẫu xe hoặc từng nhà sản xuất. Theo tờ Bloomberg, pin chiếm khoảng 4-50% tổng giá trị của một chiếc ô tô điện. Nghiên cứu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy giá pin lithium-ion của ôtô điện đã giảm 87% trong giai đoạn từ năm 2008 - 2021. Vào thời điểm năm ngoái, giá pin lithium-ion của ôtô điện ước tính là khoảng 157 USD/kWh (tương đương 3,75 triệu đồng/kWh).
Công ty nghiên cứu Recurrent Auto ước tính chi phí thay pin cho BMW i3 và Chevrolet Volt là khoảng 16.000 USD (385 triệu đồng). Con số tương ứng của Tesla Model 3 là khoảng 15.799 USD (381 triệu đồng). Tại Việt Nam, chi phí thay pin cho VinFast VF8 là 384 triệu đồng. Trong khi đó, với VinFast VF9, chi phí thay pin cao nhất lên đến 493 triệu đồng.