Theo kết quả bán hàng được Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong tháng 7 vừa qua có tổng cộng 1.310 chiếc Ford Ranger 2021 mới được giao tới tay khách hàng, bất ngờ tăng mạnh tới gần 74% so với tháng 6 trước đó. Đáng nói rằng do những tác động từ dịch bệnh Covid-19, toàn thị trường đều ghi nhận sức giảm do nhiều tỉnh thành thực hiện lệnh giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh mua bán xe.
|
Ford Ranger là một trong số ít những mẫu xe có sức tiêu thụ tăng mạnh ở tháng 7 vừa qua. |
Bên cạnh đó, kết quả này còn vô cùng ý nghĩa đối với Ford Ranger lắp ráp Việt Nam. Nguyên nhân là do bản lắp ráp trong nước của mẫu bán tải này đã được ra mắt vào giữa tháng 7 vừa qua và theo nhận định của nhiều người, sức tiêu thụ của Ranger ít nhiều sẽ gặp ảnh hưởng do khách Việt vẫn ôm tâm lý ưa xe nhập, chê xe lắp. Nhưng mấy ai ngờ rằng, doanh số Ford Ranger 2021 quả thật đã gặp ảnh hưởng, nhưng mà là ảnh hưởng tốt.
|
Ford Ranger bản lắp trong nước chỉ khác bản nhập khẩu ở một số mã màu ngoại thất, các “option” và giá bán giữ nguyên không thay đổi. |
Tất nhiên, góp phần lớn trong thành công này cũng phải kể đến các chương trình khuyến mãi lớn từ phía đại lý. Đơn cử như ở tháng 7 vừa qua, sau khi về đại lý được 1 tuần, nhiều tư vấn bán hàng đồng loạt chào bán Ford Ranger với mức giảm giá khá sâu, lên tới 65 triệu đồng ở bản Wildtrak cao cấp nhất (ghi nhận tại Hà Nội).
Bên cạnh đó, việc Ford Ranger tỷ lệ nội địa hóa chỉ có 10%, 90% linh kiện, phụ tùng lắp ráp đều phải nhập khẩu cũng là một yếu tố khiến ít nhiều khách hàng bớt định kiến với xe lắp ráp trong nước. Ngoài ra, Ford Ranger đã có 10 năm liên tiếp “thống trị” phân khúc bán tải tại Việt Nam và đồng thời đã xây dựng được một cộng đồng người dùng không nhỏ, do đó khi nhắm tới dòng xe này, phần lớn vẫn sẽ lựa chọn theo số đông.
|
Việc lắp ráp trong nước khiến nguồn cung của Ford Ranger dư dả hơn, do đó cũng đi kèm nhiều khuyến mã kích cầu hơn. |
Có người tăng ắt có kẻ giảm, trái ngược với sự đi lên của Ford Ranger, doanh số của Mitsubishi Triton lại giảm mạnh tới 53% ở tháng 7/2021, chỉ đạt 194 xe còn Toyota Hilux chỉ giảm rất nhẹ, vẫn bán được 422 chiếc. Ở 2 tháng trước đó khi nguồn cung của Ford Ranger (bản nhập khẩu) không còn đầy đủ, nhiều người dùng đã chuyển hướng tìm kiếm lựa chọn khác, trong đó có Mitsubishi Triton và Toyota Hilux khiến sức tiêu thụ của 2 mẫu xe này tăng mạnh.
Những tưởng việc Ford Ranger chuyển sang lắp ráp trong nước sẽ khiến 2 mẫu xe trên có thể “tranh cướp” thị phần nhưng có lẽ sẽ chỉ có Toyota Hilux là có cơ hội uy hiếp “vua bán tải”.