Xung đột “lợi ích” Trung-Mỹ ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - “Lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc hiện đang đụng độ quyết liệt với “lợi ích quốc gia” của Mỹ về việc tàu thuyền, máy bay “tự do đi lại” ở Biển Đông.

Mỹ phái máy bay P3C Orion tuần tra trên Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. 
Theo Kyodo, Thượng viện Mỹ ngày 29/7 đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với những hòn đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc ngày càng táo tợn hơn trong các tuyên bố chủ quyền biển đảo.
Nghị quyết có đoạn viết Thượng viện Mỹ “chỉ trích việc sử dụng sức ép, đe dọa hay vũ lực của các tàu hải quân, hải cảnh hoặc tàu cá và máy bay quân sự lẫn dân sự” trên Biển Hoa Đông và Biển Đông “nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền biển hoặc lãnh thổ tranh chấp hay thay đổi hiện trạng”.
Theo nghị quyết này, Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc tàu thuyền, máy bay “tự do đi lại trên vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương”.
Trung Quốc mưu toan biến Biển Đông thành “ao nhà”
Mỗi năm, hơn một nửa giao thương hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông, 1/3 nguồn cung cấp dầu mỏ và hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên (LNG) của thế giới cũng đi qua vùng biển này.
Tàu Trung Quốc khuấy động Biển Đông.
Trong bối cảnh mà Trung Quốc tự cho mình cái quyền điều tiết giao thông trên Biển Đông, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đòi các tàu thuyền, máy bay nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào vùng biển này. Biển Đông vốn là vùng biển quốc tế, nhưng Trung Quốc định biến nó thành “ao nhà”.
Người Trung Quốc đã đưa ra bản đồ “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” từ năm 1947. Khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Hơn nữa, Tân Hoa Xã còn ngang nhiên tuyên bố các đảo ở Biển Đông và “những vùng lãnh hải xung quanh” là “một phần trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Bằng cách sử dụng cụm từ “lợi ích cốt lõi”, Bắc Kinh ngụ ý Trung Quốc sẽ không bao giờ thoả hiệp hay nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền đối với những đảo và vùng lãnh hải ở Biển Đông.
Với bản đồ mới vừa được phát hành, Trung Quốc đã ngang nhiên biến “đường lưỡi bò” phi lý thành biên giới quốc gia, với tất cả những đảo lớn nhỏ và vùng lãnh hải bên trong “đường lưỡi bò” là thuộc về nước này. Đây là mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới đồng nghĩa với việc thách thức trực tiếp Mỹ vốn luôn khẳng định chính sách nhất quán “là bảo vệ tự do hàng hải”.
Mỹ không khoanh tay đứng nhìn
Kyodo News ngày 29/7 dẫn nguồn tin tài liệu mật của chính phủ Philippines xác nhận rằng máy bay trinh sát hải quân Mỹ đã tiến hành tuần tra thường xuyên trên Biển Đông. Theo tài liệu này, Mỹ đã phái máy bay P3C Orion tuần tra trên Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.
P3C Orion là một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất của Hải quân Mỹ trong việc giám sát hàng hải, chống tàu ngầm và có thể đánh chặn thông tin liên lạc. Các chuyến bay do thám của P3C Orion tập trung vào khu vực Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hiện do phía Philippines kiểm soát và Trung Quốc đang nhăm nhe thôn tính từ tháng 2 năm nay.
Tàu ngầm lớp Ohio ở Vịnh Subic.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang đàm phán với Manila về việc để cho tàu chiến và máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương được dễ dàng ra vào và lưu lại các căn cứ quân sự, hải cảng và sân bay trên lãnh thổ Philippines. Mục tiêu của Mỹ chủ yếu là các căn cứ nhìn ra Biển Đông như căn cứ hải và không quân của Mỹ trước đây ở Vịnh Subic. Washington đã xác định khoảng một chục cơ sở quân sự và dân sự tại Philippines mà quân đội Mỹ muốn sử dụng, trong đó đa số các cơ sở này đều nhìn ra Biển Đông.
Tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Freedom của Hải quân Mỹ. 
Không những thế, Mỹ còn đạt được thỏa thuận với Singapore về việc triển khai luân phiên các tàu tác chiến cận bờ (LCS) hiện đại nhất – trong đó USS Freedom chuyên hoạt động ở Biển Đông là chiếc đầu tiên. Cùng với tàu chiến, Mỹ đang tìm cách thuyết phục Singapore cho Mỹ sử dụng một căn cứ không quân, trong một mạng lưới không quân liên hoàn trải dài từ Alaska qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam, Đông Nam Á đến Ấn Độ. Với thế trận này, Mỹ sẽ dễ dàng phong tỏa hai eo biển Singapore và Malacca, nơi có 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.
Tàu sân bay USS Nimitz từng tiến vào Biển Đông để răn đe Trung Quốc.
Không chỉ dàn trận, Mỹ còn đưa tàu sân bay Nimitz vào Biển Đông để răn đe Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Manila ở Bãi Cỏ Mây mà Philippines đã chiếm đóng hồi cuối những năm 1990.
Lê Chân

Bình luận(0)