|
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit và máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ.
|
Đối với Không quân Mỹ, “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương là một cái gì đó rất thực tế. Và ý tưởng đằng sau chiến lược “xoay trục” này rất đơn giản: bao vây Trung Quốc bằng các lực lượng Mỹ và đồng minh, giống như phương Tây từng làm với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.
Các quan chức quân đội Mỹ liên tục nói rằng họ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc, mà đang làm việc với Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương để "duy trì ổn định" trong khu vực. Tuy nhiên, một vòng cung căn cứ quân sự đã được thiết lập bao quanh Trung Quốc.
Ngày 29/7, tướng 4 sao Herbert "Hawk" Carlisle, chỉ huy tác chiến của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết tại Australia, Không quân Mỹ sẽ triển khai nhiều “máy bay chiến đấu, máy bay tiếp nhiên liệu và có thể cả máy bay ném bom trên cơ sở luân phiên”.
Các máy bay chiến đấu phản lực Mỹ có khả năng sẽ được triển khai ở Australia trong năm 2014 tại căn cứ không quân Darwin (vốn đã đầy rẫy Thủy quân lục chiến Mỹ), trước khi chuyển đến căn cứ không quân Tindal gần đó.
|
Sân bay Korat (Thái Lan) là căn cứ quen thuộc của "Pháo đài bay" B-52.
|
Theo tướng Carlisle, đây chỉ là sự khởi đầu của kế hoạch triển khai mở rộng ở Châu Á của Không quân Mỹ. Ngoài việc triển khai ở Australia, Không quân Mỹ sẽ còn triển khai máy bay chiến đấu ở căn cứ không quân Changi Đông ở Singapore, sân bay Korat ở Thái Lan, một căn cứ không quân của Ấn Độ và có thể ở các căn cứ không quân Kubi Point và Puerto Princesa ở Philippines cũng như ở một số sân bay của Indonesia và Malaysia.
Đợt triển khai này sẽ giúp Mỹ thiết lập một mạng lưới căn cứ không quân trong khu vực và xây dựng quan hệ với các đồng minh. Đồng thời, Lầu Năm Góc cũng đang phát triển một mạng lưới các nước đồng minh được trang bị vũ khí Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở đó.
|
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor.
|
Tướng Carlisle nhấn mạnh rằng Không quân Mỹ không có kế hoạch xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á để hỗ trợ các căn cứ thường trực của Mỹ trong khu vực. Thay vào đó, Không quân Mỹ sẽ duy trì các căn cứ có sẵn ở Bắc Thái Bình Dương và triển khai ở các sân bay có sẵn ở Đông Nam Á trên cơ sở luân phiên.
Hiện tại, Không quân Mỹ có 9 căn cứ chính rải rác khắp Thái Bình Dương: từ Alaska và Hawaii đến Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại các căn cứ này, Không quân Mỹ sẽ triển khai một số lượng lớn các máy bay chiến đấu thường trực ở mức chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Tướng 4 sao Carlisle nói thêm: “Chúng tôi sẽ hiện diện luân phiên ở phía Nam và phía Đông Châu Á, với những loại vũ khí hiện đại nhất sẽ được đưa đến Thái Bình Dương”.
|
Máy bay chiến đấu đa năng tàng hình F-35.
|
Điều này có nghĩa là Không quân Mỹ sẽ triển khai một số lượng lớn các loại máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptors, F-35 và B-2 ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo tướng Carlisle, các căn cứ thường trực ở nước ngoài thường của F-35 sẽ nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Hải quân và Thủy quân lục chiến là lực lượng đi tiên phong trong chiến lược “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ đã triển khai tàu tác chiến ven biển (LCS) USS Freedom ở Singapore và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã triển khai quân ở Australia. Trong khi đó, Thủy quân lục chiến Mỹ đang tu bổ các sân bay có từ Chiến tranh thế giới thứ 2 trên các đảo ở Thái Bình Dương, đề phòng trường hợp các căn cứ không quân chính của lực lượng này bị tên lửa đạn đạo Trung Quốc phá hủy.
Tuy các quan chức Mỹ luôn nói rằng những đợt triển khai quân đến Thái Bình Dương sẽ chỉ diễn ra theo chế độ luân phiên và trong một thời gian ngắn. Nhưng việc triển khai luân phiên này lại đòi hỏi một đội ngũ nhân viên hỗ trợ thường trực ở tất cả các căn cứ nói trên. Điều này có nghĩa là sự mở rộng của mạng lưới Không quân Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương không hề mang tính chất tạm thời.