Đó là nhận xét của Giáo sư Tiến sĩ Sukjoon Yoon - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược hàng hải của Hàn Quốc và là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Kỹ thuật hệ thống quốc phòng của Đại học Sejong ở thủ đô Seoul.
|
Trung Quốc từng đưa tàu sân bay Liêu Ninh thị uy ở Biển Đông.
|
Theo Giáo sư Tiến sĩ Sukjoon Yoon, trong khi đề ra sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc đang ráo riết tiến hành các hoạt động nạo vét “đắp đảo nhân tạo” ở 7 rạn san hô và bãi cát ngầm đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng đang xây dựng các căn cứ hải quân-không quân trên những “hòn đảo” mới được bồi đắp trái phép này. Đó là các cầu cảng, đường băng sân bay dài 3.000 mét, căn cứ của các đơn vị đồn trú được trang bị radar và trọng pháo bảo vệ bờ biển.
Chiến lược hải quân lỗi thời
Liệu hành động “quân sự hóa” Biển Đông này có thực sự giúp Trung Quốc trở thành một “cường quốc hải quân thực sự” như những lời hô hào của Chủ tịch Tập Cận Bình?
Biển Đông là nơi qua lại của 1/3 tổng số tàu thương mại trên thế giới và có trữ lượng dầu khí khá dồi dào. Do đó, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng về địa chiến lược và kinh tế. Trong những tháng gần đây, căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN liên quan đến việc Trung Quốc bồi đắp các rạn san hô thành đảo lớn. Trước hành động quyết đoán ngang ngược của Trung Quốc nhằm thống trị toàn bộ Biển Đông, tất cả các quốc gia Đông Nam Á - đặc biệt là các nước có yêu sách lãnh thổ tranh chấp của Trung Quốc – đều tăng cường lực lượng hải quân.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Hải quân Trung Quốc (PLAN) dường như đã bỏ qua thực tiễn chiến tranh hải quân hiện đại vốn dựa vào lực lượng hải quân viễn chinh thường trực trên biển và sẵn sàng đi tới các điểm nóng trên thế giới.
Thực ra, Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực trở thành lực lượng hải quân hiện đại, có khả năng hoạt động ở những vùng biển xa. Hải quân Trung Quốc đã có trong tay một tàu sân bay, nhiều tàu khu trục thế hệ mới và nhiều tên lửa hiện đại.
Mạng Defence News của Mỹ đưa tin Hải quân Trung Quốc đang xem xét tính khả thi của việc thành lập một hạm đội thứ tư ở Ấn Độ Dương. Đó là chưa kể Cảnh sát biển Trung Quốc được coi là “hải quân thứ hai”, một lực lượng liều lĩnh đã dùng vòi rồng tấn công và đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, khi các tàu này cố ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam.
Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường mở rộng lực lượng tàu ngầm của mình và triển khai một đơn vị đặc nhiệm ở Ấn Độ Dương.
Nhưng việc Trung Quốc quân sự hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông, triển khai các đơn vị đồn trú, xây dựng cảnh biển, đường băng trên các hòn đảo mới đắp,... xem ra không có gì liên quan đến tham vọng biển xa của Hải quân Trung Quốc.
“Lợi bất cập hại”
Biển Đông có điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt và việc tiến hành tuần tra hải quân trong mọi điều kiện thời tiết là khá khó khăn. Nếu không được xây dựng với quy mô rất lớn, cầu tàu bến đậu của những hòn đảo nhân tạo sẽ không đủ sức bảo vệ tàu đánh cá trước các cơn bão thường xuyên.
Việc Không quân Trung Quốc vận hành máy bay chiến đấu Su-27SKs trên các hòn đảo nhân tạo cũng không mấy dễ dàng. Điều này đòi hỏi năng lực hậu cần, bảo dưỡng tiên tiến và đội ngũ phi công lão luyện. Hơn nữa, những chiếc Su-27SK được triển khai trên “đảo nhân tạo” dễ bị vệ tinh phát hiện bởi và dễ bị các máy bay không người lái tầm xa tấn công.
Việc quân sự hóa Biển Đông chính là một sự lựa chọn chính trị sai lầm của Trung Quốc, chứ không phải là một biểu hiện linh hoạt của quân đội.
Trong hơn 10 năm qua, quá trình hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc thường đi kèm với các hành động hung hăng quyết đoán. Điều này đã khiến cho các nước ASEAN láng giềng cảm thấy lo ngại và phát đi các tín hiệu sai lầm đến Nhật Bản và Mỹ. Đây không phải là cách để Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải đích thực.
Trong suốt bề dày lịch sử, hầu hết các cường quốc hàng hải muốn thống trị các vùng biển của họ để bảo vệ lợi ích thương mại quốc gia đều phải đối mặt với thâm hụt nghiêm trọng các nguồn lực tài chính và quân sự.
Rõ ràng, Mỹ coi Trung Quốc là một mối đe dọa lớn và nước này chuyển giao nhiều tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển cũ cho các lực lượng hải quân ASEAN. Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã lên tiếng ủng hộ các cuộc tuần tra chung Mỹ-ASEAN trên Biển Đông. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng ráo riết tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân: nâng cấp các căn cứ, mua tàu chiến tàu ngầm và vũ khí tiên tiến của nước ngoài.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Sukjoon Yoon, tranh chấp Biển Đông đang cản trở con đường trở thành “cường quốc hải quân” của Trung Quốc và ý đồ “quân sự hóa” Biển Đông không mang lại kết quả tích cực nào cho nước này. Trung Quốc chỉ có thể trở thành một “cường quốc hải quân” thực sự, nếu biết cách điều chỉnh tư duy chiến lược lỗi thời, cả trong quân đội lẫn trong giới lãnh đạo chính trị.