Trung Quốc ưu tiên quan hệ với Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc phát  tín hiệu ưu tiên hàng đầu quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Triều Tiên, qua việc đề bạt hai quan chức ngoại giao kỳ cựu.

Ông Vương Nghị, 59 tuổi, là một người điềm đạm và được coi là một nhà ngoại giao có năng lực.

Các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 kéo dài từ ngày 26 đến 28/2 đã thảo luận về danh sách ứng cử viên vào các vị trí lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, phiên họp này còn thảo luận về dự thảo kế hoạch tái cơ cấu và chuyển đổi chức năng của các cơ quan thuộc chính phủ.
 
Ba nguồn tin độc lập cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì, từng làm đại sứ Trung Quốc tại Washington từ 2001-2005 và giỏi tiếng Anh,  dự kiến báo sẽ được đề bạt làm Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách chính sách đối ngoại. Trung Quốc chỉ có 5 ủy viên quốc vụ viện và chức vụ mới của ông Dương Khiết Trì còn cao hơn chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Các nguồn tin nói trên cho biết ông Vương Nghị, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ năm 2004 đến năm 2007, dự kiến sẽ thay thế ông Dương Khiết Trì làm Bộ trưởng Ngoại giao. Cả hai chức vụ này sẽ được chỉ định tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hàng năm diễn ra vào đầu tháng Ba tới.

Ông Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Baptist (Hong Kong), nhận định: “Ông Dương Khiết Trì sẽ chỉ đạo (ngành ngoại giao Trung Quốc). Ông là người rất am hiểu quan hệ Trung Mỹ. Mối quan hệ Trung-Nhật cũng rất được ưu tiên…Với việc Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do trở lại nắm quyền, tôi tin rằng có sự lo ngại về xu hướng thiên hữu… trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản”.

Bắc Kinh vốn đã thận trọng quan sát chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, vì e ngại đó là một phần của những nỗ lực kiềm chế sự đi lên của Trung Quốc và do hai bên có những bất đồng cơ bản về tất cả mọi thứ: từ nhân quyền đến thương mại.

Mối quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới, vốn luôn luôn có vấn đề do đế quốc Nhật Bản từng chiếm đóng nhiều nơi ở cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II. Mối quan hệ Trung-Nhật trở nên xấu đi đáng kể  hồi năm ngoái do tranh cãi về chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Bất chấp những lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột quân sự, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều cố gắng đưa quan hệ song phương trở lại bình thường, trong khi nhận thức được tầm quan trọng liên kết kinh tế và đầu tư. Cựu Đại sứ Vương Nghị, một nhân vật thạo tiếng Nhật và hiểu biết sâu sắc về đất nước “Mặt trời mọc”, sẽ có ích trong việc xử lý mối quan hệ đầy phức tạp và rắc rối này. Học giả Huang Dahui, một chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Nhân dân  Bắc Kinh, nói: “Sẽ là có lợi cho việc xử lý  mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản vì ông Vương Nghị từng là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và am hiểu nước này”.
 
Ông Vương Nghị, 59 tuổi, là một người điềm đạm và được coi là một nhà ngoại giao có năng lực. Ông đã có công trong việc cải thiện quan hệ với Đài Loan, khi là người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Trong thời gian ông Vương Nghị phụ trách văn phòng này, Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết một loạt các thỏa tuận kinh tế mang tính đột phá.

Khu vực hỗn loạn khác mà ông Vương Nghị từng xử lý là vấn đề Triều Tiên. Ông từng là đại diện của Trung Quốc từ 2007 đến 2008  trong các vòng đàm phán sáu bên - với sự tham dự của Triều Tiên, Hàn Quốc,  Mỹ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc - nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12/12/2012 và sẵn sàng tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4, thậm chí lần thứ 5. Trong khi đó, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của nhà nước bị cô lập này.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục được quyết định bởi cấp lãnh đạo hàng đầu trong đảng. Giáo sư Shi Yinhong, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Vai trò Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại về cơ bản chỉ là cố vấn. Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại sẽ không do hai chức vụ này quyết định mà do các nhà lãnh đạo cao hơn nhiều so với họ”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân

Bình luận(0)