Philippines sẽ thắng Trung Quốc vụ kiện liên quan Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Theo học giả Ian Storey, Philippines  chỉ còn cách duy nhất là dựa vào sự trọng tài của Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

 Chính phủ Philippines đã thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila rằng nước này sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc.  Trong ảnh: Ngoại trưởng Philippines, Albert Del Rosario.

Trong một động thái khá bất ngờ, ngày 22/1, Chính phủ Philippines đã thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila rằng nước này sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc.

Động thái mạnh bạo của Manila là một diễn biến quan trọng trong cuộc tranh chấp biển đảo kéo dài với Trung Quốc vì đây là lần đầu tiên một nước ở Đông Nam Á đã phải viện đến các biện pháp pháp lý để thách thức sự bành trướng của Trung Quốc. Nếu tòa án của Liên Hiệp Quốc quyết định xét xử vụ này, bất kỳ phán quyết nào vấn đề này cũng sẽ có những tác động sâu rộng về pháp lý, chính trị và chiến lược.

Trong đơn kiện, phía Philippines Manila khẳng định rằng Trung Quốc đã xâm phạm bất hợp pháp chủ quyền của Philippines trong Vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ). Thông báo cũng cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng trái phép một số bãi ngầm như  Mischief, McKennan, Gaven và bãi san hô Subi… nằm trên thềm lục địa Philippines.

Tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Philippines yêu cầu Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); tuyên bố việc Trung Quốc chiếm đóng các rặng san hô là bất hợp pháp và xâm phạm chủ quyền của Philippines… và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp trong Vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines.
 
Vì sao vào lúc này?

Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án Liên Hợp Quốc là do hai bên đã thất bại trong việc giải quyết song phương các đòi hỏi chủ quyền chồng chéo, cách hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và thất vọng với phản ứng của ASEAN trước các hành động ngày càng táo tợn của Bắc Kinh.  

Luật pháp quốc tế khuyến khích các bên tranh chấp thương lượng song phương để đạt được một thỏa thuận mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Theo Chính phủ Philippines,  mặc dù đã trao đổi và tham khảo ý kiến rất nhiều kể từ khi Trung Quốc chiếm đóng rặng đá ngầm Mischief năm 1995, hai bên đã không giải quyết được các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, phân định các vùng biển cũng như các quyền tài phán đối với thủy sản, năng lượng và tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông.

Những diễn biến trong năm ngoái ở Biển Đông cũng là những chất xúc tác dẫn đến việc Philippines quyết định thách thức cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

 Vùng biển Scarborough: Tàu Philippines rút đi, tàu Trung Quốc thì...ở lại.

Diễn biến nghiêm trọng nhất diễn ra tại bãi đá ngầm Scarborough (Scarborough Shoal) trong tháng 4 và tháng 5/2012. Cuộc khủng hoảng kéo dài 8 tuần đã xảy ra khi các tàu công vụ dân sự Trung Quốc ngăn chặn Hải quân Philippines bắt giữ một nhóm ngư dân Trung Quốc bị coi là đánh cá bất hợp pháp tại ở bãi đá ngầm Scarborough. Sau đó, các tàu công vụ Trung Quốc đã ngăn chặn tàu cá Philippines tiến vào bãi đá ngầm Scarborough và trên thực tế đã “chiếm hữu” bãi đá ngầm này. Theo báo South China Morning Post số ra ngày 30/11/2012, cuối năm ngoái các quan chức Trung Quốc đã nói thẳng với Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough là vĩnh viễn. Thông báo này chính là một sự thay đổi nguyên trạng, với việc Trung Quốc đã “thâu tóm” bãi đá ngầm Scarborough.

Khi Philippines nêu vấn đề này tại Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN hồi tháng 7/2012, Chủ tịch ASEAN khi đó là Campuchia đã từ chối đưa một số  vấn đề đã được thảo luận vào thông cáo chung, với lý lẽ rằng vụ tranh chấp này có bản chất song phương. Bất đồng về vấn đề này đã dẫn đến việc lần đầu tiên trong 45 năm, ASEAN không ra được thông cáo chung và gây tổn thất đáng để cho uy tín của tổ chức này.  

Diễn biến thứ hai trong năm 2012 đã thúc đẩy Philippines kiện Trung Quốc là việc chính quyền tỉnh Hải Nam hồi tháng 11/2012 ban hành quy định (có hiệu lực vào ngày 1/1/2013) cho phép khám xét, giam giữ và trục xuất các tàu thuyền nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán Trung Quốc. Các quy định này làm dấy lên lo ngại trong khu vực vì chúng có thể hủy hoại tự do hàng hải ở Biển Đông. Mặc dù sau đó chính quyền tỉnh Hải Nam giải thích rằng qui định này chỉ có hiệu lực trong vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo Hải Nam, nhưng Chính phủ Philippines cho rằng qui định này là mưu toan của Trung Quốc mở rộng quyền tài phán trong phạm vi của cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp, trái với UNCLOS. (Sự lo ngại của Philippines là hoàn toàn có cơ sở, khi Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” quản lý hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông và tăng cường sử dụng tàu công vụ tuần tra vùng biển này. Trung Quốc hiện đang đưa một nhóm tàu chiến tiến hành tập trận và tuần tra ở vùng biển nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines).

Phía Philippines cho rằng những lựa chọn chính trị-ngoại giao đã cạn kiệt và nước này chỉ còn cách duy nhất là dựa vào sự trọng tài của Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

Trung Quốc lâm vào thế bị động

Theo Tân Hoa Xã ngày 23/1, khi nhận được thông báo của phía Philippines, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh chỉ đơn giản lặp lại lập trường lâu nay của Bắc Kinh là Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi" đối với tất cả các đảo san hô ở Biển Đông và tranh chấp phải được giải quyết song phương.  Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/1 cũng lặp lại lập trường này, nhưng nói thêm rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề là Philippines “chiếm đóng bất hợp pháp” của một số đảo chìm, đảo nổi thuộc Quần đảo Trường Sa.

 Rõ ràng, đơn kiện của Philippines đã khiến cho Trung Quốc bị bất ngờ. Trong ảnh: Đại sứ TQ tại Philippines  Mã KhắcThanh.

Rõ ràng, đơn kiện của Philippines đã khiến cho Trung Quốc bị bất ngờ và phía Trung Quốc (các nhà lãnh đạo và các chuyên gia pháp lý) cần có thời gian để cân nhắc  một cách cẩn thận những lựa chọn trước khi đưa ra một phản ứng chính thức. Ngay cả báo chí Trung Quốc, kể cả tờ Global Times khét tiếng dân tộc chủ nghĩa, đã im lặng chờ đợi tuyên bố chính thức của chính phủ ở Bắc Kinh.

Rõ ràng, đơn kiện của Philippines đã đẩy Bắc Kinh vào thế “tiến, thoái lưỡng nan”. Nếu phớt lờ, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực pháp lý quốc tế và hệ thống quản lý toàn cầu dựa trên luật pháp. Chỉ có điều,  nếu lựa chọn phương án “phớt lờ”, Bắc Kinh không thể ngăn chặn vụ kiện tiếp diễn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Philippines nộp đơn kiện, Bắc Kinh phải chỉ định một trọng tài viên hoặc ITLOS sẽ chỉ định một đại diện cho Trung Quốc.

Nếu quyết định theo kiện trước ITLOS, Trung Quốc sẽ đảo ngược chính sách kéo dài nhiều thập kỷ bác bỏ sự can thiệp của trọng tài quốc tế như là một phương tiện để giải quyết các vụ tranh chấp biên giới (trên biển và trên đất liền) liên quan đến Trung Quốc và tạo ra một tiền lệ cho tương lai. Ngoài ra, các chuyên gia pháp lý của Trung Quốc cũng nhận thức sâu sắc nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt là cố gắng thuyết phục tòa án rằng “đường chín đoạn” là phù hợp với UNCLOS.

Nếu ITLOS phán quyết có lợi cho Philippines nhưng Trung Quốc không chịu tuân thủ, Manila sẽ chiếm thế thượng phong và đẩy Bắc Kinh vào thế bị động.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:



Lê Chân (theo The Jamestown Foundation)

Bình luận(0)