Mỹ tiếp tục trung lập ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Liệu Washington có thể “trung lập”, khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng và thách thức Mỹ ở Tây Thái Bình Dương?

 Giáo sư Michael T. Klare chuyên nghiên cứu Hòa bình và An ninh thế giới tại Trường Đại học Hampshire.

Trong một bài viết đăng trên mạng Foreign Affairs, giáo sư Michael T. Klare chuyên nghiên cứu Hòa bình và An ninh thế giới tại Trường Đại học Hampshire cho rằng Mỹ xem ra khó có thể duy trì lập trường trung lập ở Tây Thái Bình Dương, khi có lợi ích thiết thân ở khu vực và Trung Quốc ngày càng mạnh bạo, quyết đoán.  

Khi nói về tranh chấp biển đảo ở Tây Thái Bình Dương, các quan chức Mỹ luôn khẳng định rằng chính quyền Obama không đứng về bên nào, nhưng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Trong một tuyên bố tại Tokyo hồi tháng 10/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhưng nhấn mạnh “tầm quan trọng” của việc giải quyết những vấn đề này “thông qua đối thoại, ngoại giao và tránh đe dọa, ép buộc”.

Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp một nhóm đảo nhỏ không có người ở mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo này do Nhật Bản điều hành, kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II. Ở Biển Đông, căng thẳng đã leo thang do những đòi hỏi chủ quyền trái ngược nhau đối với một số nhóm đảo, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các hòn đảo nói trên hầu như không nhiều giá trị kinh tế, nhưng ở bên dưới chúng và đáy biển xung quanh được cho là chứa nhiều dầu khí mà bất cứ quốc gia ven Biển Đông nào cũng thèm muốn.

Ngoài những lợi ích kinh tế, theo quan điểm của Trung Quốc, việc chiếm hữu các hòn đảo này (cũng như việc thu hồi vùng lãnh thổ Đài Loan) đồng nghĩa với việc “giải tỏa gông cùm” do các cường quốc phương Tây và Nhật Bản dựng lên. Trong khi đó, các bên tuyên bố chủ quyền khác cho rằng việc kiểm soát các hòn đảo nói trên là hành động cần thiết để đối phó với sức mạnh và sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Mỹ cũng có những lợi ích riêng ở khu vực. Từ lâu, Hải quân Mỹ đã thống trị vùng biển này và đó là một tuyến đường quan trọng cho các tàu chiến Mỹ đi từ Thái Bình Dương đến Trung Đông. Theo một số hiệp ước đã ký kết, Mỹ cũng có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản, Philippines và các tuyến đường hàng hải có ý nghĩa sống còn đối với nước này. Do đó, “tự do hàng hải” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là một ưu tiên an ninh quốc gia mà Mỹ từng tuyên bố.

Sự can dự ngày càng tăng của các công ty năng lượng của Mỹ trong việc khai thác dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông cũng là một lý do khiến Mỹ quan tâm đến Biển Đông. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ, các công ty lớn như Chevron, ConocoPhillips, ExxonMobil đã hợp tác với các công ty dầu khí nhà nước của Malaysia, Việt Nam và Philippines trong việc thăm dò, khai thác dự trữ dầu khí đầy hứa hẹn ở những vùng biển mà các quốc gia ven Biển Đông tuyên bố chủ quyền.

Trong nhưng năm dưới thời Tổng thống George W. Bush năm và những năm đầu của chính quyền Obama, các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan chi phối việc hoạch định chính sách của Nhà Trắng và khiến cho Wasshington ít có thời gian để ý đến  chiến lược hàng hải ở Đông Á. Điều này đã khiến cho Trung Quốc rảnh tay khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các hòn đảo đang tranh chấp và không ngần ngại sử dụng vũ lực. Nhiều lần, hải quân Trung Quốc đã cản trở những nỗ lực thăm dò và khai thác dầu khí của các nước khác ven Biển Đông.

Trong năm 2011, với sự can dự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan giảm bớt, Tổng thống Obama bắt đầu lo chuyện vị thế của Mỹ đang ngày càng giảm sút ở khu vực. Tuyên bố khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm và động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu, Tổng thống Obama tìm cách khôi phục lại sự thống trị quân sự ở khu vực. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt là hải quân. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ triển khai 60% sức mạnh chiến đấu của lực lượng này trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (so với mức 50% hiện nay). Mặc dù chính quyền Obama từng nhấn mạnh rằng chiến lược “xoay trục” này sang châu Á của Mỹ không có ý định trừng phạt hay kiềm chế Trung Quốc, nhưng ở Bắc Kinh, người ta lại không tin điều đó.

Giống như Trung Quốc từng làm trong suốt thập kỷ qua, Mỹ cũng hậu thuẫn cho lời nói của mình bằng sức mạnh quân sự. Mỹ đã hứa viện trợ thêm vũ khí, huấn luyện quân sự cho các nước đồng minh và các nước này đã tỏ ra quyết đoán hơn trong tranh chấp biển đảo. Tháng 4/2012,  Manila đã triển khai “soái hạm” Gregorio del Pilar ở vùng biển ngoài khơi bãi cạn Scarborough (nơi cả Trung Quốc lẫn Philippines đều tuyên bố chủ quyền) sau khi một chiếc máy bay do thám Philippines phát hiện ra hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng nước xung quanh các bãi  ngầm Scarborough. “Soái hạm” Gregorio del Pilar vốn là một tàu khu trục nhỏ đã được tân trang và trang bị một loạt vũ khí hiện đại. Chiếc tàu này được Mỹ cung cấp cho Philippines, theo một thỏa thuận viện trợ gần đây. Nhận được cam kết của Mỹ, Nhật Bản cũng tăng cường hiện diện hải quân ở vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng tăng tần suất và quy mô của cuộc tập trận hải quân trong khu vực - thường là với các nước đồng minh lâu năm như Nhật Bản và Philippines.

Trong con mắt của các “đấu thủ lớn” trong khu vực, Mỹ không phải là một vị “trọng tài” không thiên vị, vô tư. Còn trong con mắt của người Trung Quốc, Mỹ đứng về phía đối lập trong tranh chấp biển đảo và cản trở Bắc Kinh đạt được mục đích của mình.

BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân

Bình luận(0)