Triều Tiên đẩy Trung Quốc vào thế khó

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều thông tin về Triều Tiên chỉ là tin đồn nhưng có một điều không còn là "tin vịt" nữa: thái độ cứng rắn hơn của Trung Quốc.

Theo cựu đại sứ Ấn Độ MK Bhadrakumar, việc Trung Quốc phản đối Triều Tiên thử hạt nhân có thể đem lại những hậu quả sâu sắc đối với an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chính trị toàn cầu. 

Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba là “một ngày đáng buồn thật sự” đối với ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Họ phải đối mặt với thách thức đối ngoại lớn và là thách thức thứ hai, sau tranh chấp biển đảo với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
 
Vào những tháng cuối cùng nắm giữ quyền lực, tuy có bày tỏ quan ngại về Bình Nhưỡng, nhưng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm cho Triều Tiên và ngăn cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Trên thực tế, người ta có ấn tượng rằng ông Hồ Cẩm Đào luôn bảo vệ Triều Tiên và ngầm chấp thuận chương trình hạt nhân của nước này.

Sau đó là vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12/2012 và Trung Quốc cùng với Mỹ ủng hộ HĐBA Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng. Khi Bình Nhưỡng cực lực công kích việc Bắc Kinh chấp thuận các biện phát trừng phạt do Mỹ khởi xướng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đe dọa thử hạt nhân, truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu công khai chỉ trích Triều Tiên, mặc dù chỉ giới hạn trên báo chí sử dụng tiếng Anh.

Trong bài xã luận đăng trên tờ Global Times – phụ trương của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc -  chuyên gia về Bắc Triều Tiên Zhang Liangui cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ phải “trả giá đắt” về thiện chí của Trung Quốc, nếu tiếp tục thử hạt nhân. Zhang Liangui cảnh báo rõ ràng rằng Bình Nhưỡng đang mắc sai lầm, khi tính toán rằng Triều Tiên có thể chơi con bài Trung Quốc chống Mỹ. Ông này viết: “Bình Nhưỡng không nên hiểu sai Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không đặt quan hệ với Bình Nhưỡng lên trên các lợi ích chiến lược khác”.

Rõ ràng, mối quan hệ chính trị Trung-Triều đã xuống đến mức thấp chưa từng có.

Thế còn những ưu tiên lâu đời của Trung Quốc? Đó là không có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, không muốn chế độ Bình Nhưỡng bất ổn và một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Tuy có thể  tỏ ra cứng rắn hơn, nhưng Trung Quốc vẫn không thể dễ dàng rũ bỏ mối quan hệ chiến lược lâu đời với Bình Nhưỡng. Đó là chưa kể  Bắc Triều Tiên vốn là “vùng đệm” quan trọng trước quân đội Mỹ đóng ở  Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, trong bối cảnh Mỹ “tái cân bằng” ở châu Á và mối quan hệ Trung-Nhật đang căng thẳng, Bắc Kinh luôn phải dè chừng và do đó, điều tốt nhất mà Bắc Kinh có thể làm là bấm nút “dừng” vào thời điểm này.

Có một số lý do để tin rằng ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh muốn tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với chính quyền Mỹ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Vấn đề được đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ xem xét “mối quan hệ tốt” với chính quyền Obama như thế nào khi nó liên quan đến vấn đề Triều Tiên?

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có khả năng sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với Triều Tiên. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin rằng nhiều công ty quốc doanh của Triều Tiên hoạt động ở Trung Quốc đã rút tiền khỏi các ngân hàng đại lục.

Trong khi đó, tờ Global Times lên tiếng cảnh báo khả năng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể lợi dụng mối bất hòa giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Thậm chí, có tin nói rằng Mỹ có thể cùng với Hàn Quốc phong tỏa vùng biển của Bắc Triều Tiên mà không cần đến một sự ủy thác của Liên Hợp Quốc.  Một hành vi hung hăng như vậy có thể đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào một tình thế khó xử. Trung Quốc không muốn bị phân tâm bởi một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại ngay trên ngưỡng cửa của nước này, trong khi phải tập trung sự chú ý vào các vấn đề trong nước.

Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân vào thời điểm nhạy cảm chính trị, giữa lúc có sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cựu đại sứ MK Bhadrakumar cho rằng vụ nổ hạt nhân vừa qua của Triều Tiên đang xô đẩy con thuyền Trung Quốc đi vào vùng biển đầy ghềnh đá. Không những thế, vụ nổ hạt nhân lần này lại xảy ra vào dịp Tết nguyên đán của năm con rắn. Lịch sử đã ghi lại nhiều biến cố địa chính trị khó quên trong những năm con rắn. Đó là trận Trân Châu Cảng (1941), cuộc tấn công khủng bố ngày  9/11 vào New York và Washington (2001). Ấy là chưa kể đó cũng là “năm tuổi” của Tổng bí thư Tập Cận Bình, người đã được sinh ra trong năm 1953, năm Quý Tỵ.

Đại sứ MK Bhadrakumar từng là một nhà ngoại giao Ấn Độ chuyên nghiệp hơn 29 năm. Ông từng làm Đại sứ Ấn Độ ở Uzbekistan (1995-1998) và Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001).

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:


Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)