Chiến thắng của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) trong cuộc bầu cử Myanmar không có gì là bất ngờ đối với thế giới bên ngoài, kể cả Trung Quốc. Hơn nữa, đây là sự kiện mà Bắc Kinh đã dự đoán. Nếu không thì làm gì có chuyện hồi tháng 6/2015, bà Aung San Suu Kyi đến thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
|
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp bà Aung San Suu Kyi ở Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đã lường trước việc phe đối lập Myanmar sẽ lên cầm quyền.
|
Ban lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng chính quyền của Liên đoàn quốc gia vì dân ở Myanmar sẽ tăng cường quan hệ với phương Tây, Nhật Bản và Australia. Nhưng rõ ràng, Bắc Kinh không mong đợi một sự thay đổi triệt để tại Myanmar.
Trên thực tế, Trung Quốc vốn có vị thế mạnh mẽ ở Myanmar. Kết quả bầu cử Myanmar có thể làm xuất hiện thêm những thách thức đối với Trung Quốc, nhưng vị thế cơ bản của Bắc Kinh ở nước này không có thể lay chuyển.
Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Á-Âu thuộc Học viện Ngoại giao Moscow Andrei Volodin nói: “Trên thực tế không có gì nghiêm trọng xảy ra, vì các nhà đầu tư chủ yếu ở Myanmar đều là người Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Myanmar, dù có khuynh hướng chính trị như thế nào, đều ý thức được rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và là nước láng giềng. Trong khi đó, Myanmar vừa theo mô hình tự do chính trị thế giới, vừa cố gắng duy trì quan hệ với tất cả các nước. Chính sách này phù hợp với chiến lược tổng thể của ASEAN, nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích chung của ASEAN trong thế giới đa cực”.
Nhà phân tích Jiang Yuechun, giám đốc Trung tâm kinh tế thế giới và phát triển của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc, nhận định: “Quan hệ Trung Quốc-Myanmar có nền tảng tốt và Trung Quốc cũng trợ giúp kinh tế cho Myanmar. Bởi vì hai nước là hàng xóm láng giềng, quan hệ đôi bên rất tốt. Ngoài ra, Trung Quốc và Myanmar là những quốc gia đang phát triển và có truyền thống duy trì mối quan hệ hữu hảo. Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á, đó là một thực tế không thể chối cãi. Khoảng 5-6 năm trước đây, Mỹ đã bắt đầu chiến lược tái cân bằng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, liên tục gia tăng sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á và các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem xét mức độ mà Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-Myanmar. Myanmar là một quốc gia đang phát triển, sẽ có quyết định và sự lựa chọn riêng. Hơn nữa, Myanmar gắn kết với Trung Quốc về mặt kinh tế”.
|
Chính quyền của Liên đoàn quốc gia vì dân ở Myanmar sẽ tăng cường quan hệ với phương Tây, Nhật Bản và Australia. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ lĩnh NLD Aung San Suu Kyi.
|
Những cải cách dân chủ trong bốn năm qua liên quan đến mong muốn của ban lãnh đạo Myanmar thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều đó thể hiện trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 10/2011 và hai chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, chuyến thăm Trung Quốc gần đây của bà Aung San Suu Kyi cho thấy rằng bà có thể hợp tác với các đối thủ chính trị cũ.