Các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh có quan hệ với các chiến lược gia quân sự Trung Quốc nói rằng các động thái quân sự hóa của Bắc Kinh ở quần đảo Hoàng Sa có thể sẽ được nhân rộng đến các hòn đảo nhân tạo gây tranh cãi ở quần đảo Trường Sa.
|
Trung Quốc đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
|
Nhân rộng kinh nghiệm quân sự hóa Hoàng Sa đến Trường Sa
Theo họ, cuối cùng, cả hai nhóm đảo tranh chấp ở Biển Đông này sẽ bị Trung Quốc sử dụng cho các hoạt động của chiến đấu cơ phản lực và giám sát liên tục, tuần tra chống tàu ngầm, trong khi Bắc Kinh tìm cách đưa dân thường đến sinh sống ở hai quần đảo này để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đáng lo ngại là những động thái nói trên sẽ dẫn đến việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như nước này từng đơn phương thiết lập ở Biển Hoa Đông cuối năm 2013.
Các quan chức Mỹ ngày 18/2 xác nhận vị trí của tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, đảo có sự hiện diện lớn nhất của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa, và chỉ trích động thái này là trái với các cam kết của Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông.
Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc có quyền "phòng thủ hạn chế" trên lãnh thổ của nước này và bác bỏ thông tin về vị trí tên lửa của phương tiện truyền thông là "phóng đại”.
Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng vũ khí tương tự (máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không HQ-9) có thể được Trung Quốc triển khai ở quần đảo Trường Sa trong vòng một hoặc hai năm tới. Ông nói: "Điều này sẽ cho phép Trung Quốc hậu thuẫn những lời cảnh báo bằng khả năng (quân sự) thực tế".
Bonnie Glaser, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm An ninh và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, cho biết việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở quần đảo Hoàng Sa báo hiệu sự hiện diện tương tự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Nhà phân tích Bonnie Glaser cho rằng Trung Quốc có thể viện cớ Mỹ tuần tra ở Biển Đông để tăng cường hiện diện quân sự, mặc dù từ lâu Bắc Kinh “đã có kế hoạch” triển khai quân sự ở Biển Đông.
|
Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam.
|
Cho đến nay, các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến HQ-9 có tầm bắn 200 km (125 dặm) là vũ khí phòng thủ quan trọng nhất mà Trung Quốc triển khai ở quần đảo Hoàng Sa. Động thái này có thể đe dọa các cuộc tuần tra giám sát thường xuyên của máy bay Mỹ và Nhật Bản cũng như các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 của Mỹ. Hệ thống HQ-9 cũng có thể thách thức hoạt động của các phi đội máy bay chiến đấu Su-30 của Việt Nam.
Triển khai chiến đấu cơ, tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm
Việc Trung Quốc bồi đắp mở rộng các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam chính là tiền lệ của việc bồi đắp trái phép các rạn san hô và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa cách đây ba năm.
|
Đường băng được kéo dài trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam.
|
Trung Quốc đã cho hạ cánh máy bay chiến đấu phản lực mang đầy đủ vũ khí xuống một đường băng được kéo dài trên đảo Phú Lâm trong tháng 11/2015 và đã hoàn tất công việc gia cố các nhà chứa máy bay. Trung Quốc cũng đã xây dựng và mở rộng các căn cứ cho lực lượng cảnh sát biển và lực lượng đánh bắt cá cùng với các bể chứa nhiên liệu và nhà ở cho hơn 1.000 dân thường ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà nước này ngang nhiên tuyên bố thành lập.
Trung Quốc cũng nâng cấp tầm phủ sóng radar và thiết bị giám sát điện tử khác ở quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ căn cứ hạm đội tàu ngầm hạt nhân của nước này trên đảo Hải Nam, cách đó 200 km về phía bắc.
Động thái tương tự ở quần đảo Trường Sa sẽ khiến cho Trung Quốc hiện diện quân sự thường trực sâu trong “trái tim hàng hải” của khu vực Đông Nam Á.
Sắp đưa máy bay quân sự đến quần đảo Trường Sa
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tính chất dân sự của việc bồi đắp, xây dựng trái phép ở đảo Trường Sa - trong đó có các ngọn hải đăng, căn cứ tìm kiếm cứu hộ và các trạm nghiên cứu môi trường.
Gần đây, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng 3 đường băng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa. Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố đã thử nghiệm hạ cất cánh thành công máy bay dân sự trên đường băng dài 3.000 mét tại đảo nhân tạo Đá Chữ Thập.
|
Trung Quốc tuyên bố đã thử nghiệm hạ cất cánh thành công máy bay dân sự trên đường băng dài 3.000 mét tại đảo nhân tạo Đá Chữ Thập. |
Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng các chuyến bay quân sự đầu tiên đến quần đảo Trường Sa có thể bắt đầu trong vòng vài tháng tới.
Wu Shicun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho biết bài học kinh nghiệm từ việc mở rộng quần đảo Hoàng Sa có thể được chuyển giao cho Trường Sa.
Yanmei Xie, một nhà phân tích an ninh tại Bắc Kinh của International Crisis Group cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác các cơ sở hạ tầng “lưỡng dụng” như các hệ thống radar và đường băng trên quần đảo Trường Sa, nhưng sẽ thận trọng hơn trong việc công khai hóa các tài sản quân sự ở đây.