Phe Cộng hòa đổ lỗi chính sách của chính quyền Obama tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
|
Phe Cộng hòa đổ lỗi chính sách của chính quyền Obama tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. |
Ngày 17/2, Thượng nghị sĩ John McCain - chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - tuyên bố: “Mỹ cần xem xét các phương án bổ sung để khiến cho Trung Quốc phải trả giá đắt vì cách hành xử của nước này”.
Các chiến dịch tự do hàng hải - đưa tàu chiến vào trong vòng 12 hải lý của các tính năng mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông - chính là trọng tâm chiến lược của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng hơn nữa. Tuy nhiên, việc Mỹ chỉ tiến hành có hai chuyến tuần tra Biển Đông bằng tàu khu trục tên lửa - một chuyến trong tháng 10/2015 và một chuyến vào tháng 1/2016 - là quá ít. Ông McCain nói: "Việc thi thoảng mới thực hiện chiến dịch tự do hàng hải là không đủ".
Thượng nghị sĩ John McCain cũng có thái độ chỉ trích đối với Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN, một cuộc gặp quan trọng ở California giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN trong hai ngày 15-16/2/2016. Hội nghị cấp cao này nhằm gây áp lực với Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung của hội nghị lại không nêu đích danh hoặc chỉ trích “gã khổng lồ Châu Á” này.
Sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Obama kêu gọi Trung Quốc ngừng quân sự hóa Biển Đông. Nhưng Thượng nghị sĩ McCain lưu ý rằng Tổng thống Obama đã thụ động để cho người Trung Quốc “định nghĩa thế nào là quân sự hóa” theo cách của họ.
Quá mềm mỏng với Trung Quốc
Từ lâu, phe Cộng hòa đã chỉ trích chính sách Trung Quốc của chính quyền Obama là yếu kém và thiếu nhất quán. Phe này viện dẫn khoảng cách 5 tháng giữa cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ thách thức các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông và chuyến tuần tra thực tế đầu tiên. Phe Cộng hòa cáo buộc chính quyền Obama tạo điều kiện cho Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Biển Đông.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, sẽ bị chất vấn về quá trình và phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc triển khai tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam tại một buổi điều trần Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Các vấn đề Trung Quốc triển khai tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm cũng gây chấn động trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Các ứng cử viên giành quyền đề cử của Đảng Cộng hòa vốn có lập trường chống Trung Quốc chắc chắn sẽ còn hăng hái hơn nữa sau diễn biến mới nhất này. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, một ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, cũng phải điều chỉnh lập trường để tránh bị cáo buộc là quá mềm mỏng trước Trung Quốc.
Tiếp tục đối thoại dường như không thay đổi lập trường của Trung Quốc trong khu vực do Bắc Kinh đã bỏ qua những khuyến cáo lặp đi lặp lại của chính quyền Obama yêu cầu Bắc Kinh ngừng quân sự hóa hơn nữa ở Biển Đông. Nhiều người tin rằng các cuộc đàm phán sẽ chỉ giúp cho Bắc Kinh có thêm nhiều thời gian hơn và tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 cho thấy chính sách Trung Quốc của chính quyền Obama đã thất bại, làm gia tăng áp lực đòi chính quyền này phải thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại hiện hành.